* Mọi người nói khi ngủ em hay nghiến răng. Vì sao lại như vậy? Điều này có hại không và khắc phục bằng cách nào?
Mai Thu Hà, Đống Đa, Hà Nội
Tật nghiến răng là hiện tượng khi thường xuyên nghiến chặt hàm răng, có thể phát ra tiếng ken két hoặc không, trong khi ngủ hoặc trong những trường hợp cảm thấy lo âu căng thẳng. Tật nghiến răng là dạng rối loạn giấc ngủ thường gặp, đứng hàng thứ 3 sau nói mê và ngáy. Thường xảy ra khi mới bắt đầu ngủ và làm ảnh hưởng đến những người xung quanh. Đa số nghiến răng phát ra tiếng kêu lớn mà bình thường lúc thức hay lúc thư giãn không thể tạo ra được như vậy. Thường không ảnh hưởng gì đến sức khỏe.
Tuy nhiên có khoảng 5-10% trường hợp người có bệnh nghiến răng mạnh đến mức có thể làm gãy răng, nhức đầu, đau mặt, rối loạn cơ và khớp thái dương hàm, gây khó khăn cho việc nhai hay nói chuyện… Mặt tiếp xúc của răng bị bào mòn, phẳng dẹt hoặc bị nứt vỡ. Men răng bị vỡ, để lộ phần tủy bên trong. Có khi gây căng và đau cơ hàm, rối loạn khớp thái dương hàm; Còn có thể gây đau tai do co thắt mạnh cơ hàm, đau vùng mặt mạn tính, đau đầu âm ỉ mỗi sáng thức dậy. Có khi có vết thương ở mặt trong má (do bị cắn vô thức khi ngủ). Đa số là nguyên nhân tâm sinh lý hay giải phẫu học: Có thể do khớp cắn (giữa răng hàm trên và hàm dưới) bị lệch. Có thể do lo âu, căng thẳng hay bị stress, bị kích động hay xúc cảm quá mức. Đôi khi là biến chứng của một thương tổn nặng ở não…
Tật nghiến răng xảy ra ở trẻ con thường liên quan đến sự tăng trưởng và phát triển của chúng: răng phát triển không đều, đau tai, mọc răng. Cách khắc phục: nếu bị stress thì điều trị chủ yếu bằng tâm lý liệu pháp và thư giãn cơ thể. Có thể sử dụng thuốc gây giãn cơ để tạm thời giảm co thắt cơ hàm. Nếu có những vấn đề về răng có thể sẽ phải làm chỉnh hình răng. Nếu do một số thuốc chống trầm cảm gây tác dụng phụ nghiến răng thì có thể ngưng thuốc hoặc dùng thêm thuốc khác.
* Cháu có đọc 1 bài báo nói Micheal Jackson chết vì bị bệnh bạch biến. Cháu muốn hỏi bệnh bạch biến có phải là bệnh bạch tạng hay không? Bệnh này có di truyền hay không? Có chữa trị được không?
Bạn đọc, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi
Sự đột tử của ca sĩ lừng danh Micheal Jackson khi mới ở tuổi 50 vào ngày 25/6 vừa qua cho đến nay vẫn còn chưa biết rõ nguyên nhân. Anh trai là Germaine Jackson thông báo nguyên nhân đột tử là do suy tim. Cảnh sát Los Angeles đã đưa ra thông báo chính thức là do bị sốc khi sử dụng loại thuốc an thần cực mạnh nhằm ngủ dễ dàng hơn. BS Wallace Goodstein nói: “Michael Jackson thực hiện khoảng 10 - 12 lần phẫu thuật trong hai năm”. Michael Jackson sửa mũi nhiều lần, sửa xương gò má, xẻ cằm, cắt mí. BS Arnold Klein nói ông cũng đã điều trị bệnh bạch biến của “vua nhạc pop” - căn bệnh phá hủy các tế bào sắc tố khiến da anh trở nên lốm đốm như da báo.
Ông nói: “Bệnh của Michael trở nên rất nghiêm trọng, vì anh bị bạch biến cả người. Khó điều trị nhất là vùng da mặt và da tay”. Thay vì dùng thuốc và tia cực tím để biến những vùng da trắng thành sẫm màu, họ đã lựa chọn một cách dễ dàng hơn bằng cách dùng kem để biến vùng da sẫm thành trắng. Kết quả, Michael Jackson có làn da trắng bệch.
Bạch biến và bạch tạng đều giống nhau ở biểu hiện giảm sắc tố melanin ở người. Nhưng bạch tạng khác bạch biến ở chỗ sự biến đổi sắc tố lan tỏa không giới hạn, không có đường viền rõ rệt, giảm sắc tố ở mống mắt. Bạch tạng thường biểu hiện từ lúc lọt lòng, tóc trắng, lông mày lông mi trắng, mắt xanh nhạt. Sức khỏe vẫn bình thường nhưng vì có tính di truyền nên khó lập gia đình. Bạch biến (vitiligo) là bệnh biến đổi sắc tố có giới hạn. Trong bệnh bạch biến, sắc tố ở da bị rối loạn do sự phá hủy và mất đi tế bào sinh sắc tố, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng về mặt thẩm mỹ. Nguyên nhân gây bệnh hiện vẫn chưa được rõ.