Vào ngày 25/7, Việt Nam và Israel cùng ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Israel (VIFTA). Đây là hiệp định thương mại tự do (FTA) thứ 16 mà Việt Nam ký kết, cũng là hiệp định đầu tiên mà chúng ta ký với một quốc gia Tây Á.
VIFTA gồm 15 chương và một số phụ lục đính kèm, trong đó dành hẳn Chương 6 để nêu các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS), bên cạnh những nội dung cơ bản khác như thương mại hàng hóa, dịch vụ - đầu tư, quy tắc xuất xứ, hàng rào kỹ thuật đối với thương mại (TBT).
Chương 6 gồm 13 điều, một phụ lục chỉ rõ cơ quan đầu mối liên hệ giữa hai bên để trao đổi, thực thi VIFTA.
Nhân sự kiện này, TS. Ngô Xuân Nam - Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, cơ quan đầu mối về các biện pháp SPS của các quốc gia thành viên WTO - đã có những trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam về các cơ hội, thách thức sắp tới, cũng như một số lời khuyên tới doanh nghiệp để khai thác hiệu quả VIFTA.
Báo Nông nghiệp Việt Nam đăng tải toàn bộ nội dung chia sẻ từ ông Ngô Xuân Nam:
"13 điều trong Chương 6 đã phủ toàn bộ nội dung liên quan đến các biện pháp về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động thực vật trong thương mại nông sản, trong đó nổi lên một số vấn đề chính như công nhận tương đương, thủ tục lập danh sách các cơ sở mà hai bên thống nhất để phục vụ cho xuất nhập khẩu, hay đầu mối liên lạc.
Về đầu mối liên lạc, đây là một nội dung cực kỳ quan trọng trong quá trình làm thương mại nông sản, nhất là khi doanh nghiệp cần nắm thông tin về thị trường mới, các thay đổi về biện pháp SPS, hoặc khi cần khắc phục các sự cố liên quan. Nếu không hiểu chắc, nắm rõ đầu mối thông tin, doanh nghiệp sẽ bối rối trong việc đề nghị hỗ trợ, cũng như phối hợp giải quyết.
Trong Chương 6 của VIFTA, đầu mối liên lạc đã được hai bên xác định rõ. Đối với Việt Nam là Văn phòng SPS Việt Nam thuộc Bộ NN-PTNT, hoặc các cơ quan được quy định rõ trong Nghị định Nghị định 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Phía Israel là Cục quản lý ngoại thương thuộc Bộ Kinh tế và Công nghiệp, hoặc các cơ quan trực thuộc.
Cụ thể, với các sản phẩm có nguồn gốc thực vật, doanh nghiệp có thể liên hệ với Cục Bảo vệ thực vật, các sản phẩm có nguồn gốc động vật là Cục Thú y, các sản phẩm thủy sản là Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường, các sản phẩm về thực phẩm chức năng thì có thể liên hệ với Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), hoặc các sản phẩm bột, bánh sẽ thuộc thẩm quyền quản lý của Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương).
Còn về đầu mối chung, doanh nghiệp có thể liên hệ trực tiếp qua số điện thoại của Văn phòng SPS Việt Nam, hoặc tìm hiểu thông qua website của văn phòng.
Vấn đề thứ hai doanh nghiệp cần quan tâm, là công nhận tương đương. Có thể xem đây như một công cụ, tạo thuận lợi cho thương mại và mang lại lợi ích chung cho cả nước nhập khẩu lẫn nước xuất khẩu, thậm chí được coi là đòn bẩy thúc đẩy giao thương hàng hóa.
Hiểu một cách nôm na, quy tắc công nhận tương đương nghĩa là, một nhóm sản phẩm hoặc một sản phẩm nhất định khi được bên xuất khẩu chứng nhận đảm bảo đủ tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm, thì sẽ được bên nhập khẩu chấp thuận các biện pháp quản lý và đồng ý thông quan cho hàng hóa.
Công nhận tương đương có ý nghĩa quan trọng, giúp đẩy nhanh tốc độ lưu thông hàng hóa, giảm thời gian làm thủ tục, gián tiếp tạo thêm lợi ích cho doanh nghiệp.
Để đạt được công nhận tương đương trên một số nhóm hoặc sản phẩm nhất định, hai bên cần đưa ra được những minh chứng về mặt khoa học hoặc vận dụng các quy định của các tổ chức quốc tế như WTO, OIE, IPPC... để cùng áp dụng.
Khi cùng gặp nhau ở mục tiêu bảo vệ sức khỏe cho con người, hài hòa với các quy định quốc tế, hai bên sẽ công nhận tương đương lẫn nhau, trên cơ sở hiệp định thương mại tự do đã ký.
Với VIFTA, Điều 7 Chương 6 quy định rõ: Bên nhập khẩu sẽ chấp nhận các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật của bên xuất khẩu là tương đương, nếu bên xuất khẩu chứng minh một cách khách quan rằng các biện pháp của mình đạt được mức bảo vệ an toàn thực phẩm và kiểm dịch phù hợp với bên nhập khẩu.
Bên cạnh tạo thuận lợi cho thương mại nông sản, VIFTA còn mở ra cho Việt Nam và Israel khả năng triển khai thêm các tham vấn để xác định tính tương đương trong một thời gian hợp lý.
Cuối cùng là thủ tục lập danh sách các cơ sở xuất nhập khẩu. Những doanh nghiệp từng tham gia triển khai các nội dung Lệnh 248, 249 của Trung Quốc từ đầu năm 2022 đến nay chắc hiểu rõ điều này. Để dễ hình dung, chúng ta có thể hiểu là nếu nằm trong đăng ký của bên xuất khẩu, doanh nghiệp sẽ được tạo thêm điều kiện thông quan.
Điều 8 Chương 6 nêu: Sau khi bên xuất khẩu khởi xướng, tùy thuộc vào quy trình và thủ tục, bên xuất khẩu sẽ thông báo cho bên nhập khẩu danh sách các cơ sở tuân thủ các yêu cầu của bên nhập khẩu để phê duyệt, đảm bảo thỏa mãn các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm.
VIFTA cũng chỉ rõ khoảng thời gian chờ phê duyệt của bên nhập khẩu. Đó là, trong vòng 45 ngày và không cần thẩm tra trước từng cơ sở. Nếu bên nhập khẩu yêu cầu thông tin bổ sung, thời hạn được gia tăng tối đa 30 ngày làm việc.
Như vậy, doanh nghiệp cần lưu ý điểm này trong quá trình đăng ký với cơ quan quản lý. Với từng mốc thời gian cụ thể, doanh nghiệp cần sát sao, chủ động trong công tác thúc đẩy xuất khẩu nông sản, thực phẩm. Tối đa, doanh nghiệp sẽ có 75 ngày để hoàn thiện hồ sơ đăng ký.
Khi thực thi VIFTA, chắc chắn hai bên sẽ thông tin và trao đổi cụ thể về danh sách doanh nghiệp, đảm bảo tuân thủ các biện pháp SPS cùng các quy định khác về an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh để đảm bảo điều kiện xuất nhập khẩu.
VIFTA mở ra cơ hội vào Tây Á cho nông sản Việt nhưng chúng ta cũng cần lưu ý là bên nhập khẩu (cụ thể là Israel) vẫn có quyền từ chối yêu cầu phê duyệt, kèm ký do, nếu đối tác không đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn của bạn.
Cơ quan có thẩm quyền của bên nhập khẩu cũng có quyền đình chỉ hoặc rút giấy phép nhập khẩu cho một cá nhân hoặc một cơ sở, trong trường hợp phía bên kia không tuân thủ quy định. Có thể khẳng định, thủ tục lập danh sách doanh nghiệp rất minh bạch, công khai cho cả hai bên, từ trình tự thời gian cho đến các quy định thông báo, rút giấy phép
Điều cuối cùng mà doanh nghiệp phải quan tâm, là bên nhập khẩu có quyền áp dụng các biện pháp khẩn cấp để cấm nhập khẩu.
Các biện pháp khẩn cấp do bên nhập khẩu áp dụng sẽ được thông báo bằng văn bản cho bên kia thông qua cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu trong vòng 2 ngày làm việc, kể từ ngày quyết định thực hiện. Trong đó, bên nhập khẩu cũng nêu đầy đủ lý do liên quan, bao gồm bất kỳ nguy cơ nghiêm trọng hoặc đáng kể nào đối với cuộc sống hoặc sức khỏe của con người, động vật hoặc thực vật.
Những trường hợp khẩn cấp về lương thực có thể ảnh hưởng đến giao thương giữa hai bên. Do đó, các cuộc tham vấn giữa cơ quan có thẩm quyền hai bên sẽ được tổ chức trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày thông báo. Nội dung này được nêu ở Điều 13, nhằm đảm bảo lợi ích của hai phía.
Nhìn chung, VIFTA đã ghi dấu nỗ lực không mệt mỏi của hai nước sau 7 năm với 12 phiên đàm phán. Với việc đạt thỏa thuận tại tất cả các chương trong hiệp định, nhất là cam kết mạnh mẽ của hai bên về nâng cao tỷ lệ tự do hóa thương mại, với tỷ lệ tự do hoá tổng thể đến cuối lộ trình cam kết của Israel là 92,7% số dòng thuế còn Việt Nam là 85,8% số dòng thuế, thương mại hai chiều chắc chắn sẽ tăng trưởng vượt bậc, thậm chí sớm đạt 3 tỉ USD.
Việc ký kết và triển khai thực hiện VIFTA sẽ tạo tiền đề thuận lợi để Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu những mặt hàng thế mạnh, đặc biệt là nông sản, không chỉ sang Israel mà còn là các quốc gia khác tại Trung Đông, Bắc Phi và Nam Âu - nơi có dư địa lớn về thị trường Halal.
Để khai thác hết hiệu quả của VIFTA, không gì khác hơn ngoài con đường nắm chắc mọi quy định, trong đó có Chương 6 về các biện pháp SPS. Cần nhấn mạnh, các biện pháp SPS là bắt buộc áp dụng, đối với các nuóc tham gia WTO nói chung. Nếu không may vi phạm quy định, chúng ta có thể bị từ chối nhập khẩu, bị tịch thu hàng hóa hoặc nhiều ảnh hưởng lâu dài khác làm gián đoạn giao thương nông sản".