| Hotline: 0983.970.780

Làm giàu nhờ nuôi loài 'tử thần'

Thứ Ba 16/05/2023 , 14:13 (GMT+7)

Anh Dương Văn Chung, xã Tân Lợi, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên sở hữu trang trại số lượng cả ngàn con rắn hổ mang có giá trị hàng trăm triệu đồng.

Mô hình nuôi rắn độc đầu tiên tại xã Tân Lợi, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên của gia đình anh Dương Văn Chung. Ảnh: Toán Nguyễn.

Mô hình nuôi rắn độc đầu tiên tại xã Tân Lợi, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên của gia đình anh Dương Văn Chung. Ảnh: Toán Nguyễn.

Ước mơ từ nhỏ là làm chủ trại rắn

Chàng trai Dương Văn Chung (36 tuổi), ở xóm Cầu Lưu, xã Tân Lợi được nhiều người biết đến với việc làm giàu nhờ nghề nuôi rắn hổ mang bành. Anh là một trong những người đầu tiên xây dựng thành công mô hình nuôi rắn này tại huyện Đồng Hỷ.

Kể về cơ duyên đến với nghề nuôi rắn, anh Chung cho biết, từ khi còn bé, anh đã có cơ hội được tiếp xúc với loài vật này, càng gần rắn, anh càng cảm thấy đam mê với loài bò sát không chân này. Đến khi trưởng thành, xem trên báo, đài thấy có nhiều mô hình nuôi rắn, anh đã ấp ủ suy nghĩ về ý tưởng cũng sẽ xây dựng riêng cho mình mô hình nuôi rắn và làm giàu từ con vật này.

"Khi học hết lớp 12, tôi không thi đại học và học chuyên nghiệp như các bạn đồng trang lứa mà quyết định ở nhà để thực hiện ý tưởng từ nhỏ của mình. Uớc mơ của tôi là xây dựng trang trại rắn trên chính mảnh đất quê hương mình", anh Chung chia sẻ.

Nói đi đôi với làm, đến năm 2012, chàng trai trẻ bắt đầu thực hiện hành trình khởi nghiệp của mình bằng việc lặn lội đến làng rắn Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) để học hỏi mô hình nuôi rắn tại đây.

Khi đã có kiến thức, anh đã trở về quê hương để bắt đầu lập nghiệp theo hướng đi mình đã chọn. Trong những ngày đầu, khó khăn lớn nhất của anh chính là đồng vốn eo hẹp nên khó đầu tư phát triển. Cũng chính vì điều này khiến anh từng có ý định buông bỏ ước mơ bản thân, rồi trở lại với công việc đồng áng. Nhưng nhờ sự động viên, ủng hộ của gia đình nên anh Chung có thêm động lực để cố gắng bước tiếp.

Chuồng trại được thiết kế từng ô, có lưới sắt mắt nhỏ, tránh rắn thoát ra ngoài. Ảnh: Nguyễn Hoàn.

Chuồng trại được thiết kế từng ô, có lưới sắt mắt nhỏ, tránh rắn thoát ra ngoài. Ảnh: Nguyễn Hoàn.

Anh Chung nhớ lại thời điểm khởi nghiệp: "Bắt đầu xây dựng mô hình, trong tay tôi chỉ có 20 triệu đồng, đây là số tiền tôi tích cóp mà có được. Với người dân đang sinh sống ở làng quê miền núi như chúng tôi, quanh năm thu nhập chỉ phụ thuộc vào việc đồng áng số tiền trên vào thời điểm đó là rất lớn. Trong khi đó, thị trường con giống lại rất đắt đỏ, với số tiền vốn ít ỏi như vậy, kinh nghiệm thực tế còn hạn chế đã đặt ra thách thức khiến tôi trăn trở".

Sau đó anh Chung đã mạnh dạn vay mượn thêm tiền từ bạn bè, người thân để làm trang trại nuôi rắn rộng khoảng 100m2 được xây bằng gạch, có mái che, mỗi ô chuồng có ổ khoá, lót ổ, che chắn bằng lưới sắt mắt nhỏ tránh rắn thoát ra khỏi chuồng và đi ra ngoài môi trường tự nhiên.

Tiếp theo, anh quay trở lại làng nghề rắn ở tỉnh Vĩnh Phúc, dùng số tiền còn lại mua hơn 20 chục con rắn giống và bắt đầu hành trình khởi nghiệp của bản thân.

Nhờ kinh nghiệm học hỏi từ các mô hình trước đó, anh đã nuôi thành công lứa đầu tiên. Đến năm 2015, anh tiếp tục nhập hơn 300 con rắn hổ mang bành và 100 con rắn hổ trâu giống, quy mô chuồng trại cũng được cải tiến mở rộng lên hơn 300m2. Chuồng trại nuôi nhốt được chia làm 2 loại, rắn hổ mang được thiết kế khép kín, còn chuồng trại cho rắn hổ trâu làm ở dạng bán hoang dã.

Sau 11 năm kiên trì, nỗ lực, giờ đây mảnh đất cằn cỗi phía sau nhà ngày nào đã hình thành nên một trang trại nuôi rắn, đây là mô hình đầu tiên xuất hiện trên địa phương. Hiện nay, số lượng rắn tại trang trại anh đã phát triển lên đến cả nghìn con rắn, trong đó rắn hổ mang chiếm số lượng hơn 90% tổng đàn.

Chuồng trại cho rắn hổ trâu được thiết kế bán hoang dã, tạo môi trường cho rắn phát triển, sinh sản. Ảnh: Nguyễn Hoàn.

Chuồng trại cho rắn hổ trâu được thiết kế bán hoang dã, tạo môi trường cho rắn phát triển, sinh sản. Ảnh: Nguyễn Hoàn.

Tử thần rình rập

Rắn hổ mang là loại vật có nọc cực độc, chỉ cần bị chúng cắn là dù là người hay loài vật to lớn như trâu, bò cũng sẽ mất mạng trong vài phút. Vì vậy việc chăn nuôi rắn hổ mang là nghề vô cùng nguy hiểm, không phải ai cũng dám làm. Người nuôi rắn cần nắm bắt được tập tính, đặc tính loài vật này và nhất là trong quá trình chăm sóc luôn phải cẩn thận tránh những rủi ro.

Theo anh Chung, khi nuôi rắn hồ mang thì chủ trại cần chú ý đến các vấn đề như bệnh dịch, chế độ ăn, ghép đôi, cách chăm sóc rắn mới sinh... Đối với bệnh dịch, rắn thường hay mắc các bệnh như viêm phổi, tiêu chảy. Hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị, do đó người nuôi phải thường xuyên quan sát để sớm phát hiện, tránh lây lan, từ đó giảm được ngủy cơ bị thiệt hại về kinh tế.

"Khi thấy rắn có biểu hiện khò khè, chảy nước mũi hoặc ho hay đột nhiên chuồng rắn có mùi hôi tanh, rắn có hiện tượng nôn, ói ra mùi là chứng tỏ có dấu hiệu bị bệnh. Khi đó, người nuôi phải nhanh chóng tách rắn bị bệnh ra khỏi khu vực nuôi để tránh lây lan rộng, đồng thời tiến hành khử trùng khu vực chuồng trại", anh Chung nói.

Rắn hổ mang là loài vật nguy hiểm, nhất vào mùa sinh sản nên người nuôi cần luôn đề phòng, tránh những rủi ro trong quá trình chăn nuôi. Ảnh: Toán Nguyễn.

Rắn hổ mang là loài vật nguy hiểm, nhất vào mùa sinh sản nên người nuôi cần luôn đề phòng, tránh những rủi ro trong quá trình chăn nuôi. Ảnh: Toán Nguyễn.

Hiện nay, anh Chung đang nghiên cứu phương pháp đưa thảo dược, thuốc nam vào sử dụng trong phòng, điều trị bệnh liên quan đến hô hấp, tiêu hoá ở rắn. Bước đầu thử nghiệm trên một số cá thể rắn bị bệnh đã cho những kết quả tích cực.

Về nguồn thức ăn, hiện trang trại rắn của anh thu mua, sử dụng cóc, gà, vịt mới nở… Đó là một số loại thức ăn dễ kiếm tại địa phương để chăn nuôi rắn. Rắn hổ mang là loại không ăn nhiều, ăn một bữa có thể dừng ăn 2 - 3 ngày, vì vậy mỗi tuần cũng chỉ cần cho rắn ăn từ 3 - 5 lần.

Tuy nhiên, đối với rắn mới nở và lột xác khẩu phần và cách thức cho ăn lại khác so với rắn trưởng thành. Với rắn ở giai đoạn này, thức ăn phải cắt nhỏ, thời gian ăn 1 ngày/lần, sau đó giảm dần theo từng giai đoạn đến khi rắn trưởng thành.

Hiện nay, mô hình chăn nuôi rắn của anh Chung đang trong quá trình mở rộng quy mô, số lượng. Ảnh: Nguyễn Hoàn.

Hiện nay, mô hình chăn nuôi rắn của anh Chung đang trong quá trình mở rộng quy mô, số lượng. Ảnh: Nguyễn Hoàn.

Để con rắn trưởng thành, nếu nuôi đúng kỹ thuật kéo dài từ 12 - 18 tháng, trọng lượng trung bình đạt khoảng 2kg/con. Với cá thể rắn tại trang trại, mỗi năm sẽ đẻ 1 lần, mỗi lần từ 20 - 30 quả trứng, với hổ trâu từ 10 - 20 quả trứng, tỷ lệ ấp trứng thành công đạt trên 90%.

Thời gian ấp trứng với rắn ở trang trại trung bình khoảng 70 ngày, rắn sau khi nở sẽ được đưa vào thùng xốp hoặc bể để nuôi riêng. Quá trình chăm sóc người nuôi cần thường xuyên chăm sóc, hạn chế tình trạng rắn ăn lẫn nhau, giảm thiểu vấn đề hao hụt số lượng.

Thời gian tới, chàng trai Dương Văn Chung chia sẻ dự định sẽ mở rộng thêm quy mô diện tích trang trại nuôi rắn. Không chỉ giúp nâng cao thu nhập mà còn góp phần vào phát triển kinh tế quê hương.

Trên thị trường hiện nay, giá thịt rắn hổ mang bành dao động từ 500.000 - 600.000 đồng/kg, trứng rắn khoảng 60.000 đồng/quả. Mỗi năm, trang trại rắn của anh Chung xuất ra ngoài thị trường từ 7.000 - 8.000 con giống và trứng rắn. Tiền từ bán rắn và trứng rắn giúp gia đình anh thu về hàng trăm triệu đồng tiền lãi mỗi năm.

Xem thêm
Nhiều thách thức khi xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật sang Trung Quốc

Trung Quốc có nhu cầu sản phẩm thịt lên tới gần 400 tỷ USD/năm và là thị trường đầy tiềm năng xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật của Việt Nam.

Trồng 6ha 'cây ăn quả nhà giàu', lãi 2 tỷ đồng mỗi năm

HÒA BÌNH Cam Canh và cam Vinh là cây trồng khó tính, được ví như 'cây nhà giàu', song nhờ tuân thủ quy trình canh tác chặt chẽ nên anh Cường vẫn lãi hơn 2 tỷ đồng/năm.

Triển khai dự án chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL

Bộ NN-PTNT đầu tư dự án nghiên cứu chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.