Thời điểm này heo đang có giá (4,0-4,3 triệu đồng/tạ) nên anh rất vui dẫn chúng tôi tham quan trại heo hiện đại của mình.
Trước mắt chúng tôi là một trại chăn nuôi khoảng 700 m2, với quy mô đàn 350-400 con heo, tọa lạc trên diện tích 1.700 m2 nhà và đất. Hệ thống chuồng nuôi khép kín, xung quanh là rèm che bằng nhựa trắng, đảm bảo không cho mưa tạt, gió lùa, vừa đủ ánh sáng cần thiết cho heo. Phía trước trại được thiết kế một dàn máy làm lạnh kiểu tổ ong để làm mát chuồng nuôi, phía sau, cuối trại được gắn 4 quạt máy cỡ lớn liên tục quay để thông gió. Xa xa phía cuối góc vườn, bên ngoài trại là hệ thống biogas (gồm hai hầm 30m3), một máy phát điện công suất 10 kW chạy bằng gas từ biogas, một giếng nước bán công nghiệp khoan sâu trên 80 m và hệ thống phun sương…
Đi qua hố sát trùng vào bên trong trại, chúng tôi có cảm giác yên tĩnh, mát mẻ, sạch sẽ lạ thường… Bởi, chuồng lạnh khép kín cách ly với môi trường xung quanh; môi trường tiểu khí hậu trong chuồng mát bình quân 26-280C trong khi môi trường nhiệt độ ngoài trời trên 36-370C; đặc biệt, không ngửi thấy mùi hôi đặc trưng của một trại heo, không ruồi nhặng và côn trùng gây hại… Đây là môi trường tuyệt vời cho heo sinh trưởng, phát triển và sinh sản, nhất là heo giống sinh sản hướng nạc. Thật là lý tưởng khi năng lượng phục vụ hệ thống làm lạnh của trại chăn nuôi này là từ biogas.
Sau nhiều đêm suy nghĩ, anh nảy ra ý tưởng sử dụng gas từ hệ thống biogas để làm nhiên liệu chạy máy phát điện phục vụ chăn nuôi. Đầu năm 2004, anh lên Củ Chi tìm gặp nhóm thợ chuyên thi công hầm biogas dạng vòm (loại hầm biogas tốt nhất), giúp anh thiết kế, thi công và vận hành hệ thống biogas gồm hai hầm 30m3 nói trên, đồng thời mua một máy phát điện 10 kW với giá 15.000.000 đồng. Chỉ cần vài cải tiến nhỏ mà anh đã thành công ngoài dự kiến. Cách lắp đặt máy rất đơn giản, gọn nhẹ, thay bình xăng bằng cách dùng các túi nilon để chứa gas dẫn vào máy phát điện, máy khởi động và phát điện bình thường như máy dùng xăng, rất an toàn và hiệu quả.
Từ khi có máy phát điện chạy bằng gas, các thiết bị dùng điện phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của gia đình như bơm nước, đun nấu, thắp sáng, sưởi ấm, làm mát cho heo và các tiện nghi khác đều hoạt động hết công suất mà điện vẫn ổn định. Việc sử dụng khí gas từ hầm biogas để chạy máy phát điện giúp gia đình anh tiết kiệm từ 3-4 triệu đồng mỗi tháng so với việc dùng xăng.
Hiện tại, trại chăn nuôi của anh, với quy mô và cơ cấu đàn thường xuyên quanh năm là: 350-400 con heo, trong đó có 40 heo nái sinh sản, 60 heo hậu bị và 250-300 heo thịt. Đây là một trại chăn nuôi khép kín: heo sinh sản - heo giống - heo thịt kết hợp. Trại có 3 khu, được bố trí rất khoa học: Khu chăn nuôi heo nái sinh sản được bố trí gần dàn lạnh nhất, tiếp đến là khu heo con giống và sau cùng là khu heo thịt. Nhờ vậy, các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật đều đạt và vượt: Heo nái, sinh sản bình quân 2,2 lứa/nái/năm, 9-10 con/lứa, heo con cai sữa 10-12 kg/con; heo thịt, kể từ khi đẻ đến xuất chuồng trung bình 4,5 tháng, nặng 90-100 kg/con. Trung bình mỗi tháng xuất chuồng 70-80 con, mỗi năm khoảng 1.000 con. Sau khi khấu trừ mọi chi phí như lãi ngân hàng, thức ăn gia súc, khấu hao chuồng trại, điện nước, công lao động… lợi nhuận mỗi năm gia đình thu được 200-300 triệu đồng. Riêng năm 2007, được khoảng 400 triệu đồng.
Hỏi về bí quyết thành công, anh khiêm tốn nói: Bài học ngày nào tuy cũ vẫn còn nguyên giá trị thiết thực, đó là “giống là tiền đề, thức ăn là cơ sở, công tác thú y là quyết định”. Và nhờ mạnh dạn áp dụng quy trình kỹ thuật, tích lũy kinh nghiệm, dám nghĩ, dám làm, cần cù, chịu khó… đã giúp anh vươn lên và thành đạt.
Thiết nghĩ đây là một mô hình nuôi heo hiệu quả, bền vững cần được phổ biến, nhân rộng.