| Hotline: 0983.970.780

Sử dụng phân bón hữu cơ hướng đến sản xuất sầu riêng bền vững

Thứ Hai 02/12/2024 , 18:24 (GMT+7)

Đắk Lắk Dự án ‘Xây dựng mô hình sử dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất sầu riêng bền vững’ được kỳ vọng sẽ thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững tại Việt Nam.

Sự kiện thu hút đông đảo đại biểu tham gia. Ảnh: PC.

Sự kiện thu hút đông đảo đại biểu tham gia. Ảnh: PC.

Tại Trung tâm Chuyển giao Kiến thức Yara Tây Nguyên (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk), Cục Bảo vệ thực vật, Viện Thổ nhưỡng Nông hóa và Công ty TNHH Yara Việt Nam vừa phối hợp tổ chức giới thiệu dự án “Xây dựng mô hình sử dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất sầu riêng bền vững”.

Đây là một trong những hoạt động nằm trong chương trình hợp tác theo hình thức công - tư (PPP) giữa Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), Viện Thổ nhưỡng Nông hóa và Công ty TNHH Yara Việt Nam được thể hiện qua bản ghi nhớ hợp tác giai đoạn 2024 - 2026.

Bản ghi nhớ khẳng định cam kết chung của các bên trong thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững tại Việt Nam. Các bên sẽ cùng nhau phát triển mô hình canh tác cây trồng bền vững, ưu tiên ứng dụng các giải pháp quản lý dinh dưỡng phù hợp như bón phân theo nguyên tắc “5 đúng” và kết hợp sử dụng hiệu quả giữa phân bón hữu cơ và phân khoáng.

Việc thí điểm các mô hình canh tác mới cũng được chú trọng, bắt đầu với mô hình sản xuất sầu riêng bền vững tại tỉnh Đắk Lắk và sau đó sẽ xem xét mở rộng ra các cây trồng chủ lực khác tại khu vực Tây Nguyên và cả nước.

 
Sản phẩm phân bón của Yara. Ảnh: PC.

Sản phẩm phân bón của Yara. Ảnh: PC.

Dự án “Xây dựng mô hình sử dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất sầu riêng bên vững” đang được triển khai tại huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk. Công ty TNHH Yara Việt Nam đóng vai trò cung cấp các giải pháp dinh dưỡng bền vững cho cây trồng, kết hợp giữa phân bón hữu cơ và phân khoáng.

Trong dự án này, Công ty TNHH Yara Việt Nam phối hợp cùng với Cục Bảo vệ thực vật và Viện Thổ nhưỡng Nông hóa sẽ thực hiện mô hình để so sánh, đối chiếu với phương thức canh tác và quản lý dinh dưỡng cây trồng truyền thống tại địa phương.

Dự án được kỳ vọng mang lại lợi ích thiết thực cho nhiều bên liên quan. Đối với nhà quản lý, đây là bước tiến cụ thể để triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp bền vững, đồng thời tạo tiền đề cho các mô hình canh tác hiện đại trong tương lai. Với nông dân trồng sầu riêng tại Đắk Lắk, dự án giúp họ tiếp cận các kiến thức và kỹ thuật nông nghiệp tiên tiến, có hệ thống và tự tin hơn trong việc thay đổi thói quen canh tác.

Đồng thời, dự án còn khẳng định vai trò tiên phong của Công ty TNHH Yara Việt Nam trong cung cấp giải pháp toàn diện về sức khỏe đất và dinh dưỡng cây trồng.

Ông Nghiêm Quang Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: PC.

Ông Nghiêm Quang Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: PC.

Ông Nghiêm Quang Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án trong việc chung tay hiện thực hóa đề án “Nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” của Bộ NN-PTNT.

Việc hợp tác với Công ty TNHH Yara Việt Nam trong khuôn khổ bản ghi nhớ hợp tác giai đoạn 2024 - 2026 phù hợp với mục tiêu chung của ngành là thúc đẩy nền nông nghiệp tái tạo, chú trọng bảo vệ sức khỏe đất và sử dụng phân bón hữu cơ song song với vô cơ trong sản xuất nông nghiệp bền vững. Phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đi đầu trong khu vực về năng lực, hiệu quả quản lý sức khỏe đất trồng trọt và dinh dưỡng cây trồng.

Bà Trịnh Ngọc Thanh Trúc, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Yara Việt Nam cho biết, Công ty sẽ tăng cường hoạt động tập huấn nâng cao năng lực cho nông dân; hỗ trợ chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm cho cán bộ nông nghiệp về kỹ thuật canh tác, quản lý sức khỏe đất và dinh dưỡng cây trồng.

Sử dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất sầu riêng góp phần hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững. Ảnh: PC.

Sử dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất sầu riêng góp phần hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững. Ảnh: PC.

Tại Việt Nam, Yara đặc biệt chú trọng đến nông nghiệp tái tạo với các giải pháp bảo vệ và cải thiện sức khỏe đất, gia tăng đa dạng sinh học và tối ưu hóa tài nguyên nước. Các sản phẩm phân bón hữu cơ và phân khoáng của Yara được nghiên cứu sản xuất để cung cấp dinh dưỡng cân đối, cải thiện cấu trúc đất và giảm tác động tới môi trường.

Yara cũng ứng dụng công nghệ phân tích sức khỏe đất, đưa ra khuyến nghị bón phân chính xác cho từng loại cây trồng và vùng miền, giúp nông dân tối ưu chi phí, giảm lượng phân bón dư thừa, bảo vệ môi trường và nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng.

Bên cạnh đó, Yara cũng sẽ hỗ trợ nông dân tiếp cận các giải pháp dinh dưỡng cây trồng tối ưu, kết hợp với kiến thức khoa học và công nghệ hiện đại nhằm nâng cao năng suất và chất lượng nông sản, cải thiện thu nhập và chất lượng cuộc sống.

“Mô hình sử dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất sầu riêng bền vững không chỉ dừng lại ở hiệu quả canh tác trước mắt mà còn đặt nền tảng cho những bước tiến nhất định trong ngành nông nghiệp tại Việt Nam.

Với sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan, mô hình này kỳ vọng sẽ được nhân rộng, góp phần định hình một tương lai nông nghiệp bền vững không chỉ tại Đắk Lắk mà còn trên phạm vi cả nước”, bà Trịnh Ngọc Thanh Trúc, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Yara Việt Nam cho hay.

Xem thêm
Thay thế nguyên liệu thức ăn chăn nuôi để giảm phát thải

Cải thiện khẩu phần ăn là giải pháp quan trọng để giảm phát thải trong chăn nuôi, trong đó có sử dụng các nguồn nguyên liệu phát thải thấp trong thức ăn chăn nuôi.

Tăng tốc giải ngân hỗ trợ người chăn nuôi thiệt hại do dịch bệnh

Hơn 46 tỷ là số tiền Hà Tĩnh cấp cho các địa phương để hỗ trợ người chăn nuôi thiệt hại do bệnh viêm da nổi cục trâu, bò và dịch tả lợn Châu Phi.

Khám tổng thể sức khỏe đất: [Bài 4] Kết quả kiểm tra sức khỏe đất tỉnh Đồng Tháp và Hà Nam

Thạc sĩ Trương Xuân Cường - Phó trưởng Bộ môn Phát sinh học và Phân loại đất thông tin về kết quả kiểm tra sức khỏe đất tỉnh Đồng Tháp và Hà Nam.