| Hotline: 0983.970.780

Lâm nghiệp Bình Phước chuyển mình: [Bài 5] Người 'khai sinh' một khu rừng

Thứ Hai 08/07/2024 , 07:15 (GMT+7)

Từng 'chịu ơn' rừng trong những năm tháng chiến tranh, nên khi trở về đời thường, ông đã dành hết thời gian, tâm trí và cả tiền bạc, gây dựng một khu rừng tuyệt đẹp.

Chủ nhân khu rừng là ông Trần Văn Tấn, sinh năm 1951, Giám đốc công ty CP Vĩnh Phúc, ở xã Đồng Tâm, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước.

Dự án của Công ty cổ phần Vĩnh Phúc có tổng diện tích 400ha, trong đó có gần 300ha rừng với nhiều loại gỗ quý. Ngoài ra còn có cao su, điều và quýt đang cho thu hoạch, các loại nông sản rau, củ, quả; một trại gà đẻ với số lượng 120 ngàn con… Đây là nguồn thu chính để phục vụ công tác chăm sóc, bảo vệ rừng, theo lời ông Tấn thì đây là cách “lấy rừng nuôi rừng”.

Nói về nguồn gốc khu rừng, ông Tấn cho biết, năm 1995, khi nhà nước có chủ trương phủ xanh đất trống đồi trọc, giao đất lâm nghiệp cho cá nhân, doanh nghiệp để phát triển kinh tế bằng các dự án trồng rừng theo hướng đầu tư cây công, nông nghiệp, ông đã làm hồ sơ xin nhận dự án. Ban đầu, khu đất dự án lâm nghiệp rộng hơn 300ha này chủ yếu đất trống, vài đám rừng tái sinh. Sau khi nhận dự án, ông Tấn được mẹ ruột (đã mất) từ TP.HCM lên sống và quản lý, chăm sóc, rồi trồng thêm hàng trăm ngàn cây khác. Đến nay, khu rừng đã trở thành một trong những “lá phổi xanh” ở vùng Đông Nam bộ với nhiều loại gỗ quý, nhiều cây to từ 1-2 vòng tay người lớn ôm.

Ông Trần Văn Tấn (bìa trái) bên một cây hương to hơn 1 vòng tay người ôm. Ảnh: HT.

Ông Trần Văn Tấn (bìa trái) bên một cây hương to hơn 1 vòng tay người ôm. Ảnh: HT.

Ngoài gỗ quý, khu rừng còn có hệ động vật rất phong phú, có nhiều loại thú như nai, heo rừng, khỉ, gà rừng, thỏ, chồn, chim, rắn sinh sống. Nhờ được bảo vệ nghiêm ngặt, toàn bộ khuôn viên khu rừng được bao quanh bằng hàng rào B40, tổng chiều dài gần 18km, nên cây rừng phát triển tốt, các loài động vật sinh sôi ngày càng nhiều... Hằng năm, người dân còn mang thú rừng đến đây để thả về tự nhiên. Ngoài ra, trong trang trại có 7ha mặt nước là hồ, ao, ông Tấn cho cải tạo xung quanh, bên dưới có nhiều loại cá, thuỷ sinh như rắn, rùa, ba ba, tê tê. Trên mặt nước là nơi sinh sống của nhiều loại chim như le le, vịt trời, cò, vạc… Ông Tấn cho biết, mục đích của ông là biến dự án thành một khu du lịch sinh thái độc đáo với rừng nguyên sinh, vườn cây hoa trái bốn mùa.

Ngoài việc trồng và bảo vệ rừng, từ nhiều năm nay, ông Tấn còn tổ chức tuẩn lễ trồng cây gây rừng cho tập thể Công ty mừng 2 ngày kỷ niệm là sinh nhật Bác 19/5 và ngày Bác ra đi tìm đường cứu nước 5/6. “Hai ngày này cũng là Ngày Môi trường thế giới, đồng thời ở khu vực miền Đông, thời điểm này đang là mùa mưa, trồng cây dễ sống, phát triển nhanh. 

Đến nay, tuần lễ trồng cây nhớ Bác đã trở thành phong trào của công ty, diễn ra hàng năm. Phong trào này đã thu hút nhiều tổ chức, đơn vị của tỉnh Bình Phước cùng tham gia như Tỉnh ủy, ủy ban, các sở ban ngành, Đoàn Thanh niên, Phụ nữ...

Một góc sinh cảnh rừng bên hồ nước trong trang trại của Công ty Vĩnh Phúc. Ảnh: HT.

Một góc sinh cảnh rừng bên hồ nước trong trang trại của Công ty Vĩnh Phúc. Ảnh: HT.

Ông Tấn lái xe riêng đưa chúng tôi đi tham quan một vòng khu rừng và dừng lại để giới thiệu về cái tháp cột cờ mới hoàn thành. Trèo lên từng bậc thang và đứng trên tầng cao nhất của tháp, nhìn ra xung quanh là một màu xanh bạt ngàn của cây rừng. Ông Tấn cho biết, ông đang chuẩn bị xây dựng đền thờ Đức Thánh Trần, sau khi hoàn thiện thêm một số hạng mục, nhất là đường đi trong trang trại thì đây sẽ là điểm nhấn trong việc tham quan khu rừng sinh thái của du khách. Cánh rừng này sẽ là màu xanh cửa ngõ thành phố Đồng Xoài, là điểm dừng chân lý tưởng cho những chuyến du lịch trên đường lên Tây Nguyên và từ Tây Nguyên về TP.HCM.

Ông Tấn kể, có người từng đến tham quan trang trại, hỏi ông khi nào khai thác rừng, ông cười, bảo: “Mình đang khai thác rồi còn gì. Đó là vườn điều, quýt, cao su, gà… sắp tới đây là tiền dịch vụ mà người tham quan, du lịch mang lại cho tôi, rồi một lúc nào đó sẽ có thêm tiền tín chỉ carbon. Còn cây rừng thì sẽ không bao giờ được phép đụng đến”, ông Tấn nhấn mạnh.

Ngoài rừng, hệ sinh thái động vật, thủy sinh trong trang trại Công ty Vĩnh Phúc cũng được bảo vệ nghiêm ngặt nên sinh sôi, phát triển mạnh. Trong ảnh, thả rùa về tự nhiên. Ảnh: HT.

Ngoài rừng, hệ sinh thái động vật, thủy sinh trong trang trại Công ty Vĩnh Phúc cũng được bảo vệ nghiêm ngặt nên sinh sôi, phát triển mạnh. Trong ảnh, thả rùa về tự nhiên. Ảnh: HT.

“Bây giờ các anh nhìn xem, rừng có đẹp không? Ở đây có suối lớn, có hồ, trảng cỏ rộng, và nhiều loại chim muông, thú rừng, có cả những loại quý hiếm, thuộc nhóm I-IIB nữa đấy. Vì thế, nhiều năm nay, cả tập thể mấy chục người chúng tôi vẫn cố gắng hết sức để bảo vệ hệ sinh thái, chăm sóc, trồng thêm cây rừng”, ông Tấn tâm sự.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

C.P. Việt Nam bàn giao dự án trồng và chăm sóc rừng tại Tà Thiết

Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam vừa phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ Tà Thiết, ban giao dự án trồng và chăm sóc rừng tại Tà Thiết.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.