| Hotline: 0983.970.780

Lâm nghiệp Bình Phước chuyển mình [Bài 3] Thoát nghèo nhờ rừng

Thứ Năm 04/07/2024 , 08:40 (GMT+7)

Từ hơn chục năm nay, nhờ tham gia cộng đồng nhận khoán, bảo vệ rừng, hàng trăm hộ đồng bào nghèo ở vùng đệm VQG Bù Gia Mập đã thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Tính đến nay, Bình Phước đã có 11 năm thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng cho dân. Việc này không chỉ tạo công ăn việc làm, ổn định đời sống cho hàng trăm hộ đồng bào thiểu số mà còn góp phần nâng cao nhận thức về bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường.

Một trong những địa bàn có truyền thống lâu đời nhất trong việc phối hợp với cơ quan chức năng bảo vệ rừng là thôn Bù Dốt, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập thuộc vùng đệm VQG Bù Gia Mập. Người dân thôn này hầu hết là đồng bào S’tiêng bản địa, và cũng hầu hết là nghèo, đông con, ít rẫy, chủ yếu dựa vào rừng để mưu sinh. Từ khi có chính sách giao khoán, chăm sóc, bảo vệ rừng, cuộc sống của họ ngày càng ổn định hơn, tình trạng “ăn của rừng” ngày càng giảm.

Nhóm dân nhận khoán chăm sóc bảo vệ rừng ở VQG Bù Gia Mập đi tuần tra rừng. Ảnh: HT.

Nhóm dân nhận khoán chăm sóc bảo vệ rừng ở VQG Bù Gia Mập đi tuần tra rừng. Ảnh: HT.

Trước khi có chương trình giao khoán rừng, gia đình anh Điểu Châm, thôn Bù Dốt rất nghèo, vườn rẫy ít lại đông con. Hai vợ chồng anh quanh năm đầu tắt mặt tối đi làm thuê khắp nơi, nhưng vẫn cứ bữa đói bữa no. Đến khi anh được nhận vào cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng, dù thu nhập không cao, nhưng ổn định, cuộc sống dần thay đổi, khá lên. Trong khi anh có thu nhập ổn định từ nhận khoán rừng, vợ anh vẫn kiếm thêm thu nhập bên ngoài, nuôi thêm đàn gà, vịt, heo… Đến nay, gia đình anh đã thoát nghèo. “Trước đây nhà tôi nghèo lắm. Quanh năm vay nợ. Con cái lúc đói lúc no, quần áo không đủ mặc. May có nhà nước cho vào cộng đồng nhận khoán, bảo vệ rừng, nên thu nhập ổn định, vợ con ở nhà cũng bớt khổ. Mừng hơn là nhờ có cán bộ, chúng tôi mới hiểu, lợi ích của rừng, nên phải cố gắng bảo vệ”, anh Điểu Châm nói.

Được biết, mỗi hộ tham gia nhận khoán bảo vệ rừng nhận được khoảng 2,5 triệu đồng/tháng. Đây là nguồn thu nhập đáng kể đối với những hộ đồng bào không có nguồn thu nhập ổn định trước khi nhận khoán.

Còn ông Điểu Như, tổ trưởng tổ nhận khoán bảo vệ rừng thôn Bù Dốt cho biết, nhóm của ông có 32hộ, đang nhận bảo vệ 2.100ha rừng. Bình quân mỗi quý ông làm từ 30-40 ngày, mỗi ngày được 250 ngàn. Như vậy, mỗi quý được khoảng 8 triệu đồng. “Tính ra mỗi tháng được khoảng 2,6 – 2,7 triệu đồng”, ông Điểu Như nói.

Cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng thôn Bù Dốt, xã Bù Gia Mập, từ nhiều năm qua, đã chăm sóc, bảo vệ tốt hàng ngàn ha rừng. Ảnh: HT.

Cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng thôn Bù Dốt, xã Bù Gia Mập, từ nhiều năm qua, đã chăm sóc, bảo vệ tốt hàng ngàn ha rừng. Ảnh: HT.

Ông Vương Đức Hòa, Giám đốc Ban quản lý VQG Bù Gia Mập cho biết, hầu hết diện tích rừng của VQG Bù Gia Mập (hơn 25.600ha) được giao khoán cho các cộng đồng thôn bản và các đơn vị bộ đội đóng chân trên địa giới hành chính của vườn. Hiện có 10 cộng đồng nhận khoán với gần 600 hộ, chủ yếu là người S’tiêng, M’Nông ở các xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập và xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông.

Ông Nguyễn Văn Long, Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng (đơn vị chịu trách nhiệm chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng, thuộc Sở NN-PTNT) cho biết, chính sách chi trả DVMTR được đơn vị triển khai trên địa bàn tỉnh từ năm 2013, được xem là một trong những đột phá trong bảo vệ và phát triển rừng bởi chuyển hướng tiếp cận từ chỗ dựa hoàn toàn vào ngân sách sang huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách và xã hội hóa cho việc quản lý và bảo vệ, phát triển rừng bền vững.

Việc chi trả tiền DVMTR đã trực tiếp giúp nhiều chủ rừng trong tỉnh có kinh phí để triển khai công tác bảo vệ rừng; các chủ rừng và các hộ nhận khoán rừng có thêm thu nhập cải thiện đời sống. “Chính sách chi trả DVMTR không những tạo nguồn tài chính góp phần đầu tư trực tiếp vào việc bảo vệ và phát triển rừng, giảm gánh nặng ngân sách cho Nhà nước, thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa nghề rừng mà còn góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc phát triển tài nguyên rừng, cải thiện môi trường sống, hạn chế các hành vi gây tổn hại đến rừng góp phần nâng cao chất lượng DVMTR”, ông Long nói.

Ông Điểu Như (bìa phải), tổ trưởng tổ nhận khoán bảo vệ rừng thôn Bù Dốt, một trong hàng trăm hộ dân quanh VQG Bù Gia Mập thoát nghèo nhờ rừng. Ảnh: HT.

Ông Điểu Như (bìa phải), tổ trưởng tổ nhận khoán bảo vệ rừng thôn Bù Dốt, một trong hàng trăm hộ dân quanh VQG Bù Gia Mập thoát nghèo nhờ rừng. Ảnh: HT.

Theo ông Long, chính sách chi trả DVMTR đã đẩy mạnh công tác xã hội hoá nghề rừng, huy động các nguồn lực là các hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ diện tích rừng hiện có, phát huy tối đa lợi thế của rừng. Nhờ vậy những năm gần đây tình trạng vi phạm về đất rừng, tài nguyên rừng giảm đi nhiều. 

Đối với công tác phòng chống cháy rừng, năm 2022 trên địa bản tỉnh không xảy ra tình trạng cháy rừng cũng như vi phạm về phòng chống cháy và chữa cháy rừng. “Với mức chi trả trung bình từ 600.000 - 700.000 đồng/ha/năm, thì một hộ dân sẽ nhận được từ 20-25 triệu đồng/năm. Nếu xét về giá trị sử dụng thì nguồn thu nhập này không cao, nhưng lại rất có ý nghĩa với người lao động nghề rừng bởi nguồn tiền này ổn định, giúp cải thiện sinh kế”, ông Long nói.

“Kết quả sau hơn 10 năm chi trả tiền DVMTR cho thấy, chính sách này đã góp phần rất lớn trong tạo công ăn, việc làm, cải thiện sinh kế, giúp người dân gắn bó với rừng, giảm tình trạng phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, tài nguyên rừng được bảo vệ, phát triển tốt hơn”, ông Vương Đức Hòa cho hay.

Xem thêm
Ngành gỗ Bình Định đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD

Cục Hải quan Bình Định vừa đối thoại với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định về những vấn đề liên quan đến thủ tục hải quan khi tham gia xuất nhập khẩu.

Gia Lai trải ‘thảm đỏ’ cho các dự án đầu tư trồng rừng

Với mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ che phủ rừng đạt 49,2%, tỉnh Gia Lai đang chủ trương trải 'thảm đỏ' đối với các dự án đầu tư vào lĩnh vực trồng rừng.

Phú Yên ứng dụng công nghệ quản lý, bảo vệ rừng

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên đang ứng dụng những giải pháp công nghệ nhằm giúp cán bộ, nhân viên trong ngành hoàn thành nhiệm vụ.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất