| Hotline: 0983.970.780

Lâm nghiệp Bình Phước chuyển mình: [Bài 4] Tiềm năng lớn từ rừng kinh tế

Thứ Sáu 05/07/2024 , 06:03 (GMT+7)

Những năm qua, nhờ làm tốt công tác bảo vệ, rừng ở Bình Phước đang đem lại nhiều nguồn lợi kinh tế. Hiện tỉnh này đang đầu tư mạnh rừng gỗ lớn, rừng sản xuất.

Trong nhiều năm qua, công tác bảo vệ rừng ở Bình Phước đạt kết quả rất khả quan. Không chỉ bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng tự nhiên, mà còn phát triển rừng trồng tập trung nhằm bảo tồn đa dạng sinh học và du lịch sinh thái; phát triển vùng nguyên liệu quy mô gắn với xây dựng các cơ sở chế biến lâm sản; khai thác bền vững lâm sản ngoài gỗ gắn với chế biến theo công nghệ tiên tiến. 

Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Phước, số vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp giảm đáng kể qua các năm. Năm 2023 là 44 vụ, giảm 10 vụ so với năm 2022 và giảm 26 vụ so với năm 2021; Diện tích rừng trồng mới trong quy hoạch 3 loại rừng từ giai đoạn 2021-2023 là 170ha; độ che phủ rừng năm 2023 đạt gần 23%.

Rừng ở Bình Phước được bảo vệ nghiêm ngặt từ nhiều năm qua. Ảnh: HT.

Rừng ở Bình Phước được bảo vệ nghiêm ngặt từ nhiều năm qua. Ảnh: HT.

Một trong những đơn vị chủ rừng làm khá tốt công tác bảo vệ rừng là Ban quản lý rừng phòng hộ Đắk Mai, vùng đệm của Vườn quốc gia Bù Gia Mập, tổng diện tích 6.700ha. Mặc dù có địa thế khá bất lợi do nằm trải dài trên tuyến biên giới huyện Bù Gia Mập và có khoảng 80km tiếp giáp vườn rẫy, khu dân cư nên công tác bảo vệ rừng gặp rất nhiều khó khăn.

Để làm tốt công tác bảo vệ, Ban quản lý rừng phòng hộ Đắk Mai đã triển khai nhiều biện pháp như tuyên truyền, giao khoán chăm sóc, bảo vệ cho dân, phối hợp với bộ đội biên phòng Đắc Ơ cùng bảo vệ, và lập ranh giới bằng đường hào tại những khu vực giáp ranh với đất của người dân để tuần tra, kiểm soát những điểm nóng.

Ông Nguyễn Tiên Phong, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Đắk Mai cho biết, với hình thái rừng “da beo” lại có nhiều điểm tiếp giáp với vườn rẫy người dân nên rừng Đắk Mai không thể “đóng cửa”. Do đó, ngoài các biện pháp nghiệp vụ bảo vệ rừng, đơn vị đã “móc ranh” được hơn 40km để bảo vệ rừng, không cho người dân lấn chiếm. “Nếu không phân định ranh giới rõ ràng, mỗi năm người dân lấn khoảng một mét thì chỉ ít năm tới, diện tích đất rừng bị mất lên đến hàng chục ha. Nhờ làm tốt cùng lúc nhiều giải pháp, nên đến nay, những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn, những cụm gỗ quý như cẩm lai, gõ đỏ và các loại dược liệu quý trong rừng phòng hộ Đắk Mai vẫn được bảo vệ nguyên vẹn”, ông Phong nói.

Một góc rừng VQG Bù Gia Mập. Ảnh: HT.

Một góc rừng VQG Bù Gia Mập. Ảnh: HT.

Bên cạnh việc bảo vệ nghiêm ngặt, những năm qua, Bình Phước đã đẩy mạnh triển khai các giải pháp thực hiện đề án quản lý, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế rừng gắn với phát triển du lịch nhằm xây dựng ngành lâm nghiệp trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật đặc thù; thiết lập, quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững đất, rừng được quy hoạch cho lâm nghiệp; đảm bảo sự tham gia rộng rãi, bình đẳng của các thành phần kinh tế, tổ chức xã hội và cộng đồng dân cư vào các hoạt động lâm nghiệp, huy động tối đa nguồn lực xã hội.

Theo đề án phát triển kinh tế rừng của Bình Phước, phấn đấu đến năm 2025, giá trị sản xuất ngành chế biến gỗ đạt 12.778 tỷ đồng. 100% các Ban quản lý rừng có tiềm năng về du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, giải trí, hoàn thành việc lập Đề án du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, giải trí tại các khu rừng.

Phấn đấu đến năm 2030, giá trị xuất khẩu ngành chế biến gỗ đạt 29.571 tỷ đồng; xúc tiến, kêu gọi đầu tư được 12 dự án về du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, giải trí; phát triển du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao, xây dựng mới cơ sở hạ tầng theo hướng chất lượng cao nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của du khách.

Rừng Đắk Mai. Ảnh: HT.

Rừng Đắk Mai. Ảnh: HT.

Để thực hiện các mục tiêu trên, Bình Phước đẩy mạnh công tác quy hoạch và kêu gọi đầu tư khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; xây dựng đề án, dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tại các đơn vị chủ rừng; chủ động hợp tác, hội nhập quốc tế về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; gắn mục tiêu bảo vệ, phát triển rừng với hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân địa phương, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, nhất là người dân làm nghề rừng…

Song song với việc kêu gọi, khuyến khích đầu tư phát triển kinh tế rừng kết hợp du lịch sinh thái, ngành chức năng phải tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường rừng; tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của doanh nghiệp, cộng đồng dân cư tuân thủ nghiêm việc giữ gìn vệ sinh môi trường rừng, tuyệt đối không xâm hại cảnh quan môi trường và các loài sinh vật rừng.

Theo thống kê, năm 2023, sản lượng gỗ khai thác của Bình Phước ước đạt 37.150m3, lượng củi ước đạt 10.200 Ste. Trong 4 tháng đầu năm 2024, sản lượng khai thác gỗ rừng trồng ước đạt 14.357m3; lượng củi khai thác ước đạt 2.217 Ste. Lượng gỗ và củi khai thác được hoàn toàn là rừng trồng.

Xem thêm
Phát hiện loài ong mới ở Vườn quốc gia Vũ Quang

Loài ong ký sinh này thuộc họ ong mật, được đặt tên theo nơi phát hiện ra chúng ở Vườn Quốc gia Vũ Quang.

Gia Lai trải ‘thảm đỏ’ cho các dự án đầu tư trồng rừng

Với mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ che phủ rừng đạt 49,2%, tỉnh Gia Lai đang chủ trương trải 'thảm đỏ' đối với các dự án đầu tư vào lĩnh vực trồng rừng.

Phú Yên ứng dụng công nghệ quản lý, bảo vệ rừng

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên đang ứng dụng những giải pháp công nghệ nhằm giúp cán bộ, nhân viên trong ngành hoàn thành nhiệm vụ.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.