| Hotline: 0983.970.780

Lâm nghiệp Nghệ An cần có bộ giống chất lượng cao

Thứ Hai 15/04/2024 , 08:15 (GMT+7)

Chỉ khi giải quyết được những nút thắt liên quan đến giống cây lâm nghiệp, Nghệ An mới có thể chấp cánh tham vọng trở thành thủ phủ ngành gỗ khu vực miền Trung.

Muốn tạo được sinh kế bền vững từ nghề rừng, Nghệ An phải nâng tầm chất lượng nguồn giống. Ảnh: Việt Khánh.

Muốn tạo được sinh kế bền vững từ nghề rừng, Nghệ An phải nâng tầm chất lượng nguồn giống. Ảnh: Việt Khánh.

Lắm đắn đo, nhiều trăn trở

Hiện toàn tỉnh Nghệ An có khoảng 174.000ha rừng keo nhưng đa phần là rừng nguyên liệu gỗ nhỏ. Chất lượng, năng suất rừng trồng chưa cao, nhìn chung chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế về đất đai, tài nguyên sẵn có.

Từ năm 2019 trở lại đây diễn biến thực tế ngày càng đáng lo ngại khi một số dòng keo hom bắt đầu có biểu hiện thoái hoá, dịch bệnh, kéo theo chết róc, hoặc sinh trưởng chậm, cho sản lượng thấp. Mặt khác thị trường cây giống như thể “mê hồn trận” khi có quá nhiều cơ sở sản xuất tự phát mọc lên nhưng việc kiểm soát gần như bỏ ngỏ, thành thử trên thị trường tràn lan các dòng giống kém chất lượng, giá thành rẻ.

Do những rào cản “vô hình” về cơ chế và chính sách nên các chủ rừng nhà nước (Ban quản lý rừng phòng hộ, Ban quản lý rừng đặc dụng, công ty lâm nghiệp…) không thể cạnh tranh sòng phẳng với các cơ sở tư nhân. Thực trạng này kéo dài khiến tình hình càng càng lay lắt. Qua tìm hiểu, Công ty TNHH Lâm nông nghiệp Sông Hiếu nằm trong số ít đủ sức vẫy vùng.

Các chủ rừng nhà nước không thể cạnh tranh mảng giống cây lâm nghiệp với các cơ sở tư nhân. Ảnh: Việt Khánh.

Các chủ rừng nhà nước không thể cạnh tranh mảng giống cây lâm nghiệp với các cơ sở tư nhân. Ảnh: Việt Khánh.

Cái tên được ví như cánh chim đầu đàn của ngành lâm nghiệp Nghệ An là đơn vị hiếm hoi đủ tiềm lực để trồng rừng gỗ lớn. Thống kê trong phạm vi của Sông Hiếu, mỗi ha gỗ lớn cho năng suất bình quân từ 180 - 270 tấn, nếu tính gỗ khối (tỷ lệ lợi dụng gỗ 70% và 30% gỗ nguyên liệu) thì doanh thu đạt từ 230 - 300 triệu đồng, còn qua chế biến thì con số này tăng từ 1,2 - 1,3 lần.

Đã kinh qua, nếm đủ những thăng trầm, Công ty Lâm nông nghiệp Sông Hiếu thừa hiểu muốn đạt hiệu quả kinh doanh cao bắt buộc phải tuyển chọn được cây giống chất lượng cao. Trong công tác trồng rừng đây là khâu quan trọng nhất, giữ vai trò then chốt quyết định thành bại.

Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty, ông Nguyễn Ngọc Hoàng nhấn mạnh: “Ban lãnh đạo công ty xác định con đường bền vững nhất là nâng cao chất lượng cây giống, như thể muốn xây nhà cao thì móng phải vững. Để có được đầu vào ưng ý, đơn vị đã chủ động hợp tác với Viện cây giống Lâm nghiệp đưa vào khảo nghiệm một số dòng keo giống mới, đồng thời chuyển đổi từ trồng cây keo hom các dòng cũ sang cây keo mô do công ty tự sản xuất. Từ năm 2020 đến nay công ty đã đầu tư, xây dựng 5 vườn ươm keo mô mới tại 5 lâm trường trực thuộc với tổng kinh phí gần 2,5 tỷ đồng”.

Nội dung tưởng giản đơn nhưng xắn tay vào làm mới nhận thấy nhiều áp lực bởi lẽ cây keo mô mầm được theo dõi trong lồng kính, khi ra ngoài môi trường thực tế mới chừng 25 – 30 ngày tuổi, rất khó thích nghi với điều kiện khắc nghiệt đặc thù của Nghệ An (mùa đồng rét đậm rét hại kèm theo sương muối, mùa nắng nóng kèm theo gió lào, mùa mưa thường xuyên ngập úng).

Để giảm thiểu rủi ro bắt buộc công ty phải chủ động đi trước một bước, cử cán bộ kỹ thuật đi đào tạo ở Viện cây giống Lâm nghiệp, sau đó đề xuất cán bộ chuyên môn của Viện vào trực tiếp để chuyển giao công nghệ cấy cây, chăm sóc cây mầm, đồng thời ban hành bộ quy trình chăm sóc đầy đủ các bước nhằm đạt tỷ lệ sống cao nhất.

“Đồng tiền đi liền khúc ruột”, không muốn công sức trôi sông đổ biển, Công ty Lâm nông nghiệp Sông Hiếu đã kiểm soát chặt chẽ quy trình kỹ thuật, từ đắp nền, lên luống, làm đất, chọn đất vật liệu đóng bầu, chăm sóc cây sau cấy, phòng trừ nấm bệnh gây hại, thúc phân dinh dưỡng cho cây cho đến khâu xuất vườn phải đảm bảo nghiêm ngặt theo quy trình chuyển giao. Chắc chắn là vậy nhưng diễn biến chung không phải lúc nào cũng xuôi chèo mát mái, lắm lúc sự cố vẫn xảy đến.

Công ty TNHH Lâm nông nghiệp Sông Hiếu là cái tên hiếm hoi chủ động trong sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Việt Khánh.

Công ty TNHH Lâm nông nghiệp Sông Hiếu là cái tên hiếm hoi chủ động trong sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Việt Khánh.

Quá trình chăm sóc thấy rằng khâu tưới phun sương cực kỳ quan trọng, tỷ lệ tưới cho cây phải đảm bảo chính xác gần như tuyệt đối, thừa một chút cây có nguy cơ bị thối nhũn, ngược lại nếu thiếu sẽ dẫn đến cháy, rũ lá.

Chưa hết, cây mới cấy từ mầm đang còn non, yếu, cộng với đặc thù thời tiết nên thường bị nhiễm bệnh rỉ sắt ngay sau khi tháo dỡ lồng che. Rất may nhờ sự trợ giúp tích cực của Viện, sau nhiều lần áp dụng phun các dòng thuốc đặc trị (Mancozeb xanh, Ridomil gold, Tilt Super), kết hợp chế độ tưới nghiêm ngặt thì cây giống cơ bản sạch bệnh, sinh trưởng và phát triển tốt.

Công ty Lâm nông nghiệp Sông Hiếu đã chọn lựa được bộ giống có tính năng vượt trội, phù hợp với điều kiện thực tiễn là các dòng AH1, AH7 và BV523. Hàng năm công ty sản xuất được 2 triệu cây keo mô, trong đó cung cấp trồng rừng nội bộ khoảng 600 ha/năm, tương đương 1,2 triệu cây giống, số còn lại bán ra thị trường. Đến nay đơn vị đã trồng được khoảng 2.000 ha rừng trồng từ nguồn giống cây keo mô tự sản xuất.

Muốn “hóa rồng” ngành lâm nghiệp Nghệ An cần nhân bản nhiều Công ty Lâm nông nghiệp Sông Hiếu hơn nữa, tiếc rằng hiện tại điều kiện chưa cho phép. Những chủ rừng trên địa bàn (Ban quản lý rừng đặc dụng Nam Đàn, Ban quản lý rừng phòng hộ Thanh Chương, Công ty lâm nghiệp Tương Dương…) đều gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động, đến đảm bảo chế độ thường nhật cho người lao động còn trầy trật thì nói gì đến khía cạnh kinh doanh.

Ông Đậu Đình Hùng, Trưởng Ban quản lý rừng đặc dụng Nam Đàn chia sẻ rằng, đơn vị có bề dày sản xuất, kinh doanh cây giống ngót 20 năm. Trên danh nghĩa, đơn vị  có vườn 3 ươm nhưng hiện tại chỉ độc một vườn ươm đang sản xuất keo hạt và các loài cây khác theo dạng truyền thống. Hiệu quả không cao, không đủ sức cạnh tranh nên cơ bản chỉ sản xuất để phục vụ nội bộ thông qua các chương trình, dự án trồng rừng đơn thuần.

Mong muốn tạo chuyển biến căn cơ bằng cách áp dụng biện pháp thâm canh, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng đơn vị này đã xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, gieo tạo cây keo mô và dâm cành trên diện tích gần 1 ha. Có điều kỳ vọng này đang nằm trên giấy do… chưa có kinh phí để thực hiện. Ngoài ra, Ban cũng làm tờ trình xin được cấp 5.000-7.000 cây keo mô đầu dòng để lấy hom sản xuất cây giống, nếu được phê duyệt sẽ đưa vào trồng rừng sản xuất khoảng 30 ha vào năm 2024, một năm sau tăng thêm 30 – 50 ha. Dù vậy, được hay không vẫn phải chờ.

Không thực sao vực được đạo

Lâm nghiệp Nghệ An có nhiều dư địa để phát triển lớn mạnh trong tương lai, thể hiện qua việc Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận xây dựng Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Bộ trên địa bàn.

Nghệ An cũng thể hiện tham vọng lớn thông qua Đề án nâng cao chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp giai đoạn 2023 - 2030, mục tiêu đến cuối giai đoạn sẽ thiết lập hệ thống nguồn giống cây lâm nghiệp đảm bảo chất lượng di truyền, dần chủ động được nguồn vật liệu giống phục vụ trồng rừng.

Bám sát nội dung, Sở NN-PTNT Nghệ An đã thực hiện các biện pháp tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp, đồng thời linh hoạt lồng ghép các hoạt động của Dự án quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học… tính ra đã cấp 31.000 cây đầu dòng keo lai mô cho 7 vườn ươm trên địa bàn và trực tiếp làm thủ tục hồ sơ cấp chứng nhận nguồn giống cho các vườn đầu dòng.

Giấc mơ 'hóa rồng' của ngành lâm nghiệp Nghệ An đối diện nhiều khó khăn, trắc trở. Ảnh: Việt Khánh.

Giấc mơ "hóa rồng" của ngành lâm nghiệp Nghệ An đối diện nhiều khó khăn, trắc trở. Ảnh: Việt Khánh.

Ngoài ra, toàn tỉnh hiện có 25 cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp thuộc các công ty lâm nghiệp, các Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng và một số cơ sở thuộc hộ gia đình tại các huyện Thanh Chương, Tân Kỳ, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, với công suất sản mỗi năm hơn 50 triệu cây giống phục vụ trồng rừng trên địa bàn tỉnh và các vùng lân cận…

Bước chuyển là có nhưng còn khoảng cách xa so với đích đến. Trên thực tế, Nghệ An đặt mục tiêu nâng tỷ lệ cây giống cung cấp cho trồng rừng, được kiểm soát nguồn gốc giống đạt từ 95% trở lên, sinh khối rừng trồng tăng trưởng đạt từ 20 - 25 m3/ha/năm. Phấn đấu năm 2030, hoạt động sản xuất, sử dụng giống thân thiện với môi trường được áp dụng rộng rãi.

Đặc biệt, sớm đưa vào vận hành trung tâm sản xuất giống ứng dụng công nghệ cao và hệ thống các vườn ươm vệ tinh. Đến năm 2030 đáp ứng đủ nhu cầu 41.500.000 cây giống trồng rừng, đan xen 1.500.000 - 2.000.000 cây giống lâm sản ngoài gỗ để trồng dưới tán rừng.

Tiềm lực hạn hẹp đang 'bó chặt'  chủ trương phát triển của ngành lâm nghiệp Nghệ An. Ảnh: Việt Khánh.

Tiềm lực hạn hẹp đang "bó chặt"  chủ trương phát triển của ngành lâm nghiệp Nghệ An. Ảnh: Việt Khánh.

Trong danh mục ưu tiên, nhóm cây lấy gỗ phục vụ trồng rừng kinh tế đứng hàng đầu. Về gỗ lớn có nhiều loại keo lai thuộc các dòng BV10, BV16, BV32, BV33, AH1, AH7, BV 343, BV523...; hay keo lai tam bội mới như X101, X102, X201 và X205…

Tổng thể dự án thể hiện rất nhiều đầu mục quan trọng, muốn cán đích đòi hỏi nguồn kinh phí khổng lồ để thực hiện, dù vậy thực tế chỉ đáp ứng được một phần nhỏ mà thôi. Dự kiến tổng mức đầu tư chưa đầy 40 tỷ đồng cho cả giai đoạn, chung quy chưa nổi 6 tỷ đồng/ năm, xem ra chặng đường “hóa rồng” của lâm nghiệp Nghệ An còn lắm gian nan.

Xem thêm
Gần 6.400 hộ dân huyện Trạm Tấu ký cam kết bảo vệ rừng

YÊN BÁI Các vụ cháy rừng ở Trạm Tấu chủ yếu do bất cẩn của người dân khi xử lý thực bì bằng lửa, vì vậy việc đốt nương làm rẫy đang được quản lý chặt chẽ.

Trồng 33.000 cây xanh tại Vườn quốc gia Xuân Sơn

Các đơn vị trồng mới 33.000 cây, trong đó 3.000 cây bản địa (cây mỡ) và 30.000 cây keo tại vùng đệm của Vườn quốc gia Xuân Sơn.

Cứu hộ thành công cá thể gấu ngựa bị cụt chi trước

HÀ NỘI Từ đầu năm 2024 đến nay, Chi cục Kiểm lâm thành phố Hà Nội đã bàn giao 5 cá thể gấu cho Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm