| Hotline: 0983.970.780

Làng chài tỷ phú

Thứ Năm 21/01/2016 , 16:02 (GMT+7)

Nếu như trước đây nghề đánh bắt của ngư dân Hoài Hương chủ yếu làm ven bờ thì nay làng chài này đã hình thành đội tàu đánh bắt xa bờ lớn nhất nhì tỉnh Bình Định. Hoài Hương hiện đang có 574 tàu đánh bắt xa bờ chủ yếu với nghề lưới vây rút chì và câu mực...

Đặt chân lên đất Hoài Hương (huyện Hoài Nhơn, Bình Định), tôi không nghĩ đây từng là làng chài hiu hắt với những căn nhà ọp ẹp nằm lưa thưa, ngư dân lam lũ bám đời vào những nghề đánh bắt gần bờ cùng những con thuyền nan mong manh.

Học lỏm người Nhật

Lão ngư Trần Đình Vọng (77 tuổi) ở thôn Thạnh Xuân Đông nhớ lại, trước đây làng chài Hoài Hương chỉ có dăm chục cái nhà ọp ẹp, lưa thưa. Cả làng dùng chung cái giếng của bà Năm Giao, đời sống cơ cực hết biết. Trời yên biển lặng, ngư dân của làng chài dùng thuyền nan chèo ra biển, cách bờ chừng vài ba hải lý đánh bắt hải sản bằng các nghề mành cơm, chà giắt, kiếm ít cá, tôm đổi gạo. Mùa biển động thì chịu, chẳng ai dám ra biển.

13-26-38_2
Lão ngư Trần Đình Vọng dù đã 77 tuổi vẫn đan lưới cung ứng cho các cửa hàng mua bán lưới ngư cụ.

Tư liệu đánh bắt khi ấy cũng rất thô sơ, lưới được làm bằng vỏ cây lá gai phơi khô, đập dập rồi đan lưới hoặc dùng vải xi-ta cho vào xa quay 8 con suốt, quay cả ngày mới được 2kg lưới. Loại lưới này mỗi tháng phải được giặt bằng huyết bò pha với dầu ngũ trảo mới có thể chịu nổi với nước biển. 

Ngư nghiệp của làng chài Hoài Hương bắt đầu khởi sắc từ sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, bắt nguồn từ cơ duyên của một ngư dân được sinh ra ở Hoài Hương, nhưng hành nghề trên biển tại Nha Trang (Khánh Hòa) từ trước ngày giải phóng. Ngư dân ấy tên Trần Bảng, chú họ của lão ngư Trần Đình Vọng.

Trước năm 1975, trong lúc đang đánh bắt xa bờ, ông Trần Bảng kết bạn được với mấy ngư dân Nhật Bản. Nhìn thấy kỹ thuật đánh bắt cá của người Nhật sao mà gọn gàng, lại cho hiệu quả rất cao, ông Bảng ngỏ ý muốn học nghề.

Với 4 tàu cá chuyên hành nghề lưới vây rút chì, ngư dân Huỳnh Chánh Thi ở thôn Ka Công có điều kiện cho con trai là Huỳnh Chánh Tín (SN 1994) đi du học tại Úc ngành ngân hàng trong thời gian 4 năm với tổng học phí gần 2,5 tỷ đồng. Theo ông Trần Tấn Thuận, Chủ tịch UBND xã Hoài Hương, nhờ đội tàu đánh bắt xa bờ mà từ năm 2002 đến nay, mọi mặt đời sống của người dân địa phương được nâng cao rõ rệt.

Mấy ngư dân bạn tốt bụng người Nhật đồng ý, đưa ông Bảng sang Nhật để học nghề đánh cá bằng lưới vây rút chì. Nắm bắt được yếu tố quan trọng trong nghề này là sợi dây rút, nên khi về nước ông Bảng mua cả giàn lưới lẫn bộ dây mang về nghiên cứu.

“Sau khi về nước, ông Bảng tháo dây rút của Nhật ra, xem kỹ lưỡng và học được cách đan. Dây rút của ông Bảng đan từ 8 con dây gộp lại, to bằng cổ tay người lớn, khi rút những vòng chì chìm dưới biển để kéo lưới lên, dây không bị xoắn”, lão ngư Trần Đình Vọng nói.

Sau ngày giải phóng, ông Trần Bảng về quê Hoài Hương. Thấy ngư dân quê mình chỉ đánh bắt gần bờ với các nghề bủa câu, lưới vải, lưới gai… thì chẳng bao giờ có thể khấm khá nổi. Ông nghĩ, ngư dân quê mình muốn đổi đời phải đánh bắt xa bờ với nghề lưới vây rút chì. Nghĩ vậy, ông bèn tập trung 1 số ngư dân có khát vọng đổi nghề, đổi đời để dạy nghề đánh cá bằng lưới vây rút chì.

“Ban đầu chỉ khoảng 5-6 ngư dân trong làng học nghề của ông Bảng, sau khi ra nghề đầu tư tàu lớn đi đánh bắt xa khơi, hiệu quả mang lại ngoài mong đợi. Tiếng lành đồn xa, thế là ngư dân trong làng chài Hoài Hương đổ xô học nghề, rồi ngư dân các huyện miền biển trong tỉnh, cả ngư dân tỉnh ngoài cũng tìm về đây học nghề của ông Bảng”, lão ngư Trần Đình Vọng nhớ lại.

13-26-38_1
Ngư dân Huỳnh Chánh Thi trong ngôi nhà khang trang của mình.
 

Nước lên thuyền lên

Sau khi có nghề mới, ngư nghiệp ở làng chài Hoài Hương không ngừng phát triển. Ông Trần Tấn Thuận, Chủ tịch UBND xã Hoài Hương, cho hay: “Trước đây, làng chài nằm gọn trong 2 thôn Ka Công và Thạnh Xuân. Sau khi được chia tách thành 2 xã Hoài Hương và Hoài Hải, làng chài Hoài Hương mở rộng ra 5 thôn: Thạnh Xuân, Thạnh Xuân Đông, Thạnh Xuân Bắc, Ka Công và Ka Công Nam. Hoài Hương có 18.179 nhân khẩu thì đã có đến 75% dân số hành nghề đánh bắt hải sản trên biển”.

Nếu như trước đây nghề đánh bắt của ngư dân Hoài Hương chủ yếu làm ven bờ thì nay làng chài này đã hình thành đội tàu đánh bắt xa bờ lớn nhất nhì tỉnh Bình Định. Hoài Hương hiện đang có 574 tàu đánh bắt xa bờ chủ yếu với nghề lưới vây rút chì và câu mực, từ năm 2014 đến nay phát triển thêm nghề câu cá ngừ đại dương bằng đèn cao áp. Cả làng chài hiện chỉ có 32 tàu đánh bắt gần bờ với các nghề lưới ghẹ, lưới lồng…

Bà Nguyễn Thị Ngọc Sương, cán bộ thủy sản xã Hoài Hương, nêu vài con số minh họa: “Sản lượng đánh bắt thủy sản trong năm 2015 ở Hoài Hương đạt 17.850 tấn, tăng 4.800 tấn so cách đây 5 năm”.

13-26-38_4
 Một góc làng chài Hoài Hương.

Ở làng chải Hoài Hương hôm nay đã có đến hàng chục “ngư dân tỷ phú”, mỗi người sở hữu 3-4 tàu cá đánh bắt xa bờ. Có thể đơn cử: Ngư dân Trần Ngọc Khoan ở thôn Ka Công có 3 tàu, ngư dân Huỳnh Chánh Thi ở thôn Ka Công có 4 tàu, ngư dân Đỗ Ngọc Điểm ở thôn Ka Công Nam có 3 tàu kiêm nghề mua bán ngư lưới cụ đánh bắt xa bờ...

Đến nhà ngư dân Huỳnh Ngọc Thi, tôi không khỏi ngỡ ngàng trước cơ ngơi quá bề thế của gia đình anh. Anh Thi hiện đang sở hữu 4 tàu cá: BĐ 96231 TS, BĐ 96851 TS, BĐ 96473 TS và 1 tàu nhỏ đang được nâng cấp. Nói về chuyện nghề, ngư dân Huỳnh Ngọc Thi bộc bạch: “Đội tàu của tui liên tục bám biển, có chuyến đánh bắt kéo dài đến hơn 90 ngày. Ngoài mục tiêu làm kinh tế, anh em thuyền viên đều ý thức sự có mặt thường xuyên trên biển cũng là cách để khẳng định chủ quyền biển đảo của quê hương nên ai nấy đều vui vẻ làm việc”.

Tôi ngạc nhiên hỏi: “Bám trụ ngoài biển đến hơn 90 ngày thì làm sao về bờ bán cá, nhiên liệu, lương thực thực phẩm ở đâu ra để hoạt động?”. Anh Thi cười, cho biết: “Chuyện thu mua sản phẩm và cung ứng nhiên liệu, nước ngọt, lương thực thực phẩm đã có tàu dịch vụ hậu cần của các tỉnh Khánh Hòa, Tiền Giang, Ninh Thuận, Bình Thuận lo. Tàu dịch vụ luôn có mặt trên biển, tàu mình bức đá, đầy cá, nối liên lạc, nói tọa độ là họ chạy tàu đến thu mua và cung ứng tổn ngay. Mình có thể kéo dài chuyến biển, không phải chạy ra chạy vào hao tốn thời gian và nhiên liệu như trước đây. Nhờ đó ngư dân bây giờ có nhiều thời gian đánh bắt hơn, hiệu quả tăng cao hơn”.

Cái nghề được xem là “mũi nhọn kinh tế” phát triển thì ắt nhiên nhiều dịch vụ khác cũng được “ăn theo”. Từ lâu lắm rồi, tôi không nhớ rõ mốc thời gian, ở làng chài này đã hình thành hẳn một bến xe với 6 chiếc xe khách giường nằm chạy tuyến Hoài Hương - TP HCM. Bởi lẽ, cứ đến mùng 10 âm lịch hằng tháng là vợ các ngư dân làm nghề đi bạn cho các tàu cá xa bờ ở địa phương lũ lượt kéo nhau vào bến cảng các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Mỹ Tho để thăm chồng, tiện thể hành nghề vá lưới, vì thời điểm này các tàu cá vào bờ nghỉ trăng.

13-26-38_3
Hãng xe Bảy Tàu chuyên chạy tuyến Hoài Hương-TP HCM.

Nhà cửa của người dân làng chài Hoài Hương bây giờ thì khỏi nói, hầu hết là khang trang, rất nhiều nhà cao tầng bề thế. Ngư nghiệp làm ra tiền thì các dịch vụ cung ứng phương tiện sinh hoạt, hoạt dộng cho ngư dân cũng ăn nên làm ra. Hàng quán, cửa hiệu mọc san sát. Tôi chỉ đếm sơ sơ trên vài tuyến đường đi qua mà đã có đến 10 cơ sở may công nghiệp, 2 cơ sở đan mây tre, 5 cơ sở SX chuyên lưỡi câu cá ngừ đại dương, 6 cơ sở mua bán ngư lưới cụ và nhiều cơ sở chuyên hành nghề vá lưới.

Bà Trần Thị Thiết (57 tuổi), một người dân ở Hoài Hương, không khỏi tự hào khi nói về quê mình: “Đời sống con em của ngư dân bây giờ đã khác xưa, đầy đủ hơn cả về vật chất lẫn tinh thần. Nhất là chuyện học hành, nhiều gia đình ngư dân cho con đi du học nước ngoài. Nói là làng chài nhưng ở đây bây giờ muốn sắm gì cũng có, chẳng khác ở thành phố”.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.