Năm ông họ Tướng làm du lịch
Làng du lịch Ngòi Tu (xã Vũ Linh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) có 11 hộ gia đình người Dao quần trắng làm du lịch thì có tới 5 ông họ Tướng, đó là gia đình các ông Tướng Văn Thương, Tướng Văn Bội, Tướng Văn Tâm, Tướng Văn Ba và Tướng Văn Giang.
Người đầu tiên trong 5 anh em họ Tướng làm du lịch là ông Tướng Văn Thương. Ông Thương có khu đất ven hồ Thác Bà đã phối hợp với một người Pháp gốc Việt tên là Fredo Bình xây dựng khu nghỉ dưỡng Lavie Vũ Linh dành cho du khách nước ngoài.
Sau vài năm làm quản lý cho Cty TNHH Lavie Vũ Linh ông tách ra tự sửa chữa ngôi nhà của mình làm du lịch cộng đồng.
Tiếp đến là những người em và cháu của ông, sau đó là các hộ gia đình trong làng cũng làm theo, từ đó hình thành nên làng du lịch cộng đồng của người Dao quần trắng thôn Ngòi Tu.
Trong 5 gia đình họ Tướng làm du lịch nổi danh nhất là VuLinh Family-Homestay của Tướng Văn Bội, do con trai ông là Tướng Văn Hoàn điều hành. Hoàn sinh năm 1987, có gương mặt của người Hàn Quốc, thông thạo tiếng Anh và biết một chút tiếng Pháp, vợ anh là Lý Thị Sam Sung một trợ thủ đắc lực cho chồng làm du lịch.
Do biết ngoại ngữ, nên khách nước ngoài rất thích đến nghỉ nhà Tướng Văn Hoàn. Những người nước ngoài đến Việt Nam, trong số đó có nhiều người không chỉ đi du lịch, họ còn muốn tìm hiểu phong tục, tập quán của người Việt Nam, nhất là những dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc văn hóa của họ còn đậm chất Fônclo của người dân bản địa.
Tướng Văn Hoàn cho biết, không chỉ khách nước ngoài, khách người Việt cũng đến nghỉ tại gia đình tôi rất đông, có đoàn hơn 30 người. Năm nhiều nhất đón khoảng 1.000 khách.
Họ đến để trải nghiệm, cùng với người dân làm các công việc đồng áng, như: Cày, bừa, gặt lúa, làm cỏ ngô…hay vào bếp cùng làm các món ăn đặc trưng của dân tộc. Tới bữa ăn họ rất thích người gia đình ăn cùng họ để trò chuyện, hiểu thêm nếp sinh hoạt của người dân…
Nhà Hoàn rợp bóng cây, vào những ngày hè nóng bức ngoài trời trên 30oC, nhưng ngồi trong nhà chỉ khoảng 26-27oC. Nhiều khi khách đông quá không đủ chỗ nghỉ anh phải san bớt khách cho các gia đình các “ông Tướng” bên cạnh.
Sau 16 năm làm du lịch, anh làm thêm hai ngôi nhà nữa, trong đó có ngôi nhà xây để phục vụ những khách Vip có nhu cầu.
Tướng Văn Tâm là chú của Tướng Văn Hoàn, người thứ 5 của họ Tướng ở Ngòi Tu đăng ký làm du lịch cộng đồng.
Vợ ông Tâm là bà Triệu Thị Hồng sau nhiều lớp tập huấn làm du lịch, tháng 6/2019 bà Hồng tham gia một lớp tập huấn bắt buộc do Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật & Du lịch Yên Bái cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện phục vụ du lịch cộng đồng.
Do mới mở nên năm 2019 gia đình ông Tâm mới đón vài đoàn khách tới lưu trú, điều mà khách nước ngoài cũng như trong nước rất thích thú khi biết ông Tâm là thầy cúng 12 đèn (thứ bậc thầy cúng cao nhất của người Dao) nghe ông giảng giải những điều trong sách cúng.
Gia đình ông có rất nhiều sách cúng do bố ông là Tướng Văn Phúc một thầy cúng nổi tiếng trong cộng đồng người Dao để lại.
Ông Tâm theo bố đi cúng từ năm 10 tuổi, nên được bố ông truyền dạy những bài cúng về cấp sắc, giải hạn, đuổi ma, lên nhà mới, ngày Tết rước phúc…
Ông Tâm còn biết xem tuổi cho những đôi trai gái lấy nhau, chọn ngày đẹp để tổ chức cưới xin, làm nhà…nên nhiều khách muốn ông giải nghĩa cho các hình vẽ trong các cuốn sách cúng- một loại hình văn hóa phi vật thể được lưu giữ trong cộng đồng các dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc.
Có du khách còn đề nghị ông xem tuổi và vận may khi kinh doanh các mặt hàng hóa mà họ đang dự kiến. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ đầu năm đến nay các nhà nghỉ cộng đồng thôn Ngòi Tu đều trống vắng.
Người khởi nguồn cho du lịch cộng đồng Ngòi Tu
Đó là chàng trai Việt kiều Fredo Bình, trong một lần đi du lịch khắp vùng Tây Bắc, khi đến Ngòi Tu không thể cưỡng được phong cảnh hoang sơ đẹp như thiên đường bên cạnh hồ Thác Bà.
Tại đây, chàng phải lòng người con gái Dao quần trắng tên là Lý Thị Xuân, hai người kết tóc xe duyên thành vợ, thành chồng. Fredo Bình quyết định thành lập Cty TNHH Lavie Vũ Linh đầu tư du lịch cộng đồng vào mảnh đất này rồi mời gọi các công ty du lịch lữ hành đưa khách đến lưu trú tại Ngòi Tu.
Một điểm du lịch nghỉ dưỡng bên cạnh hồ Thác Bà nước xanh như ngọc, cây cối xum xuê đã níu chân du khách thập phương, nhìn những dòng lưu bút của khách trên cuốn sổ vàng đủ thấy tình cảm của họ dành cho cơ sở lưu trú của Fredo Bình như thế nào.
Cơ sở lưu trú của Fredo Bình chủ yếu đón khách nước ngoài, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên từ đầu năm đến nay không đón nhận khách, khi tôi đến chỉ có dì của Fredo Bình tên là Mila Mỹ Ngọc, bà năm nay 69 tuổi đến từ Pháp cách nay đã 9 tháng giúp Fredo Bình quản lý khu lưu trú, còn Fredo Bình đang cùng vợ con về Hà Nội.
Bà Mila Mỹ Ngọc cho hay, bà gốc Hải Dương, gia đình bà vào Nam trước năm 1954 bà sinh ra ở Sài Gòn, khi được 3 tuổi thì gia đình bà sang Pháp, bà tự nguyện về Việt Nam giúp cháu làm quản lý khu lưu trú cùng với Phạm Văn Đại là người dân thôn Ngòi Tu.
Từ khu nghỉ dưỡng sinh thái của Fredo Bình đã hình thành làng du lịch Ngòi Tu nổi tiếng bên hồ Thác Bà có trong bản đồ của nhiều công ty du lịch lữ hành và nhiều du khách nước ngoài.
Trăn trở du lịch hồ Thác Bà
Hồ Thác Bà với diện tích mặt nước hơn 19.050ha và 1.331 hòn đảo gần như nằm trọn trong lòng huyện Yên Bình và một phần huyện Lục Yên, được ví là Hạ Long trên núi, viên ngọc xanh của núi rừng Tây Bắc.
Nơi đây có những điểm du lịch nổi tiếng: Động Thủy Tiên, động Xuân Long, hang Bạch Xà, núi Cao Biền, đền Mẫu Thác Bà (Yên Bình), hang Hùm, hang Ma Mút, chùa São, núi Hắc Y, đền Đại Cại (Lục Yên)…
Trong các hang động có muôn ngàn nhũ đá được kết đọng từ những giọt nước trải qua hàng triệu triệu năm buông thả từ trần hang xuống, phản chiếu ánh sáng lấp lánh hất lên từ mặt hồ, khiến cho người ta khi bước chân vào động ngỡ tưởng như lạc vào cõi tiên cảnh, bồng lai.
Sinh sống quanh hồ có nhiều dân tộc như Tày, Nùng, Mông, Dao, Phù Lá, Cao Lan…nhiều phong tục tập quán và nếp sống văn hóa bản địa còn được lưu giữ đến ngày nay. Một vùng đất du lịch còn rất hoang sơ giống như nàng tiên của núi rừng chưa được đánh thức.
Năm 2003 Công ty Hùng Đại Dương xây dựng dự án Trung tâm du lịch Thác Bà có tổng diện tích là 206ha. Những hạng mục xây dựng có tháp viễn thông và khu thể thao mạo hiểm, khu đón tiếp, bến bãi đỗ xe, quảng trường; khách sạn thương mại, dịch vụ, công viên văn hóa, vui chơi giải trí; khu nghỉ sinh thái, khu thể thao sân golf…
Tuy nhiên, dự án này chết yểu sau vài năm thực hiện, khi giám đốc Công ty Hùng Đại Dương ông Phạm Mạnh Hùng dính vòng lao lý vì tội trốn thuế.
Từ đó đến nay không một công ty nào đến đầu tư du lịch vùng hồ Thác Bà, gần đây Tập đoàn Alphanam bắt đầu tìm hiểu tiềm năng du lịch của hồ Thác Bà cho những dự án lớn.
Ông Đoàn Hữu Phung - Bí thư Huyện ủy Yên Bình: Chúng tôi coi du lịch là một trong ba trụ cột kinh tế để phấn đấu trở thành huyện khá toàn diện trong khu vực. Trong đó phát triển du lịch, dịch vụ thành ngành kinh tế mũi nhọn, trước mắt đẩy mạnh thu hút đầu tư, mời gọi những nhà đầu tư tiềm năng đầu tư vào vùng hồ. Nhân dân các dân tộc phát triển các sản phẩm du lịch giàu bản sắc văn hóa dân tộc của vùng hồ Thác Bà, để du khách đến Yên Bình không bao giờ quên…