| Hotline: 0983.970.780

Làng gốm cữ này đang độ lửa…

Thứ Ba 28/07/2009 , 10:05 (GMT+7)

Mới đây, Sở NN – PTNT nghiên cứu, lập dự án khôi phục lại làng nghề Thổ Hà - làng đã làm rạng danh đất kinh Bắc…

Một thời gian dài, lửa lò làng gốm Thổ Hà (xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) tắt ngấm. Tưởng chừng, cái danh gốm Thổ Hà sẽ chỉ là dĩ vãng, nhưng mới đây, Sở NN – PTNT nghiên cứu, lập dự án khôi phục lại làng nghề làm rạng danh đất kinh Bắc này… 

1. Theo gia phả làng nghề và những mẫu hiện vật khảo cổ được tìm thấy thì Thổ Hà là một trong những chiếc nôi của nghề gốm sứ. Xưa, Thổ Hà từng là một thương cảng gốm tấp nập của vùng Kinh Bắc. Sự hưng thịnh của nghề gốm đã giúp người dân nơi đây xây dựng một quần thể kiến trúc gồm: đình, chùa, văn chỉ, cổng làng, điếm... bề thế uy nghi. Người dân Thổ Hà luôn tự hào khi giới thiệu về quê hương mình với du khách: “Quê hương tôi Thổ Hà tên gọi/ Nghề cang sành gốm có từ xưa/ Nói đến cang sành thì ai cũng phải mê/ Từ hòn đất mà nặn thành chum, vại, ngói”. 

Mặc dù nghề gốm đã mai một, nhưng dân làng Thổ Hà vẫn còn lưu truyền câu chuyện ông tổ nghề gốm. Vào thời Lý, ba ông Đào Trí Tiến, Hứa Vĩnh Cảo và Lưu Phong Tú cùng làm quan trong triều và được cử đi sứ Bắc Tống. Sau khi hoàn tất sứ mệnh, trên đường trở về nước qua Thiều Châu, tỉnh Quảng Đông gặp bão, phải nghỉ lại. Ở đây có lò gốm nổi tiếng, ba ông đến thăm và học được kỹ thuật làm gốm. Về nước ông Đào Trí Tiến truyền nghề làm gốm sắc đỏ thẫm cho Thổ Hà, Hứa Vĩnh Cảo truyền nghề gốm sắc trắng cho Bát Tràng, Lưu Phong Tú truyền nghề gốm sắc vàng thẫm cho Phù Lãng... Hiện nay, dù nghề truyền thống không phát triển, nhưng ngày mùng 7 tháng Giêng âm lịch hàng năm, cả làng Thổ Hà vẫn làm lễ cúng tổ nghề gốm là cụ Đào Duy Tiến. 

2. Đến Thổ Hà hôm nay, nhìn vào những nền móng còn sót lại, du khách có thể thấy vẫn còn khoảng 70% những lò cổ ngày xưa. Nhưng lò đỏ lửa thì hiện chỉ có lò nung của gia đình ông Trịnh Đắc Tân. Để có thể tìm lại lửa cho gốm Thổ Hà, ông Tân đã phải chịu rất nhiều gian nan và áp lực.

Ông Tân chia sẻ: “Hợp tác xã của tôi bắt đầu “có tên, có tuổi” từ ngày 16/6/2006. Thực ra, tôi định làm gốm từ năm 1994, nhưng lúc đó mình không đủ nghị lực. Tôi đã đi tìm hiểu, hỏi nhiều người và đi đến kết luận: Gốm Thổ Hà hoàn toàn có thể phục hồi được ở quy mô một nhóm gia đình (lúc đấy tôi chưa nghĩ đến mô hình hợp tác xã). Và người ta cũng hoàn toàn có thể giữ được nghề gốm và sống tốt được với nghề truyền thống. Tôi chia sẻ ý nghĩ của mình với một số người và rủ họ làm, nhưng không ai tin. Nhiều người cho rằng không thể.

Tôi còn nhớ trong cuốn “Vân Hà xưa nay” (tức Lịch sử Vân Hà) có ghi: “Phục hồi gốm Thổ Hà trong gia đình hiện nay là điều gần như không thể”. Nhưng tôi vẫn tin rằng chắc chắn có thể. Và phải mất hơn chục năm thai nghén tôi mới dám ra lò. Khi tôi làm, cũng có một người cao tuổi khác trong làng bắt tay vào phục hồi nghề gốm nhưng không thành, nên tôi càng bị dư luận “soi”. Phải nói rất thật lòng, cho đến tận bây giờ tôi mới kết thúc giai đoạn mày mò”.  

Khi nghe chúng tôi hỏi về đầu ra cho những sản phẩm, ông Tân không ngại ngần tâm sự: “Thực ra đây là nỗi đau của tôi. Đầu ra là quan trọng, nhưng tôi biết còn lâu gốm Thổ Hà mới thỏa mãn được nhu cầu của thị trường. Khi tham gia một số triển lãm như: Hội ngộ gốm sông Hồng đương đại tại TP. Đà Nẵng; triển lãm gốm chào mừng Hội nghị APEC, Festival làng nghề Huế... gốm Thổ Hà đã nhận được sự quan tâm của nhiều khách hàng trong và ngoài nước. Có nhiều người đã đặt hàng chúng tôi, nhưng vì năng lực hàng hóa yếu, tôi đành bỏ lỡ mất ba hợp đồng trị giá lên đến gần 1 tỷ VNĐ. Khách nước ngoài họ đòi đặt hàng bằng container, nhưng quy mô sản xuất của mình còn nhỏ quá nên không thể đáp ứng được”. 

Xưa, thời hưng thịnh Thổ Hà có khoảng 80 lò nung, mỗi lò từ 20 - 30 m3 cao khoảng 2,3m. Đến thời bao cấp chỉ còn một xí nghiệp và một hợp tác xã sản xuất gốm, mỗi bên khoảng 350 người. Hiện lò nung của gia đình ông Tân có khoảng 13 thợ. Ông Tân cũng đang ấp ủ phục chế lại được lò cổ có kích cỡ như xưa. Lò ngày xưa cao tương ứng với 23 tiểu, nhưng lò hiện nay mới cao 11 tiểu. Có điều năng lực tài chính của hợp tác xã do ông Tân làm chủ không có điều kiện kinh tế đầu tư tốt ngay từ đầu nên việc khôi phục gốm Thổ Hà trở nên gian nan hơn... 

3. Trước nguy cơ mai một của nghề gốm truyền thống, Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Giang cũng đã có dự định khôi phục gốm Thổ Hà. Cách đây khoảng 3 tháng, Sở đã cử cán bộ về Thổ Hà để nghiên cứu. Với mong muốn khôi phục nghề gốm trên quê hương Thổ Hà, ông Trịnh Đắc Tân đã trình lên các cấp lãnh đạo dự án mới của mình. Vốn của dự án sẽ được huy động từ các cổ đông (vốn cố định: 2,8 tỷ VNĐ và vốn lưu động khoảng 1 tỷ VNĐ). Dự án này đòi hỏi trong 5 năm mới hoàn thành được. Tuy nhiên, do mặt bằng chưa có nên, ông Tân cũng đang xin diện tích mới để triển khai dự án.  

Ông Tân cũng cho biết, ngoài tỉnh Bắc Giang, các cấp bộ Đảng, Chính quyền ở địa phương cũng rất quan tâm đến việc khôi phục gốm Thổ Hà. Vì vậy, ông luôn tâm niệm: “Làm sao mình phải xứng đang với niềm tin ấy. Mình phải làm tốt mới có niềm tin được”. Ông Tân nói thêm: “Quyết tâm của chúng tôi rất cao nhưng chắc sẽ gặp không ít khó khăn. Điều thuận lợi là HTX đã làm ra và chứng minh được sản phẩm của mình. Đã cơ bản nắm được đầu ra. Chẳng hạn, có khách trong nước đặt tôi 700 bộ sản phẩm, nhưng với năng lực hiện tại thì cả năm chúng tôi cũng không thể làm xong.”. 

Cũng là một người con của quê hương Thổ Hà, tuy không trực tiếp làm gốm như ông Tân, nhưng anh Bộ Quế - một trong những cổ đông chiến lược của dự án phục hồi gốm Thổ Hà sắp tới, cũng rất trăn trở với nghề tổ. Khi chúng tôi hỏi anh về số tiền đầu tư, cũng như dự án mới, anh chỉ mỉm cười khiêm tốn. Nhưng hễ hỏi về gốm và quê hương Thổ Hà, giọng anh hào hứng hẳn. Anh bày cho chúng tôi cách nhận biết gốm Thổ Hà: “Ưu điểm của gốm quê tôi là để nghìn năm vẫn giữ được màu. Gốm Thổ Hà rất sắc nên mảnh vỡ có thể thay dao, cắt, cứa. Đặc biệt, chum, lọ Thổ Hà khi để thóc giống, chè... không bao giờ bị mốc.

Vại của Thổ Hà muối dưa cà không sợ bị khú, vì ruột bên trong của gốm “cứng như thép” nên nước không ngấm được. Ở Thổ Hà có những cái chum, 2 - 3 người ngồi trong uống rượu được. Ngoài ra còn một cách phân biệt dễ nhất đó chính là âm thanh. Âm thanh kêu như chuông chùa...”. Yêu gốm quê hương là thế, nên ông Trịnh Đắc Tân, anh Bộ Quế, cũng như nhiều người đang quan tâm đến dự án mới phát triển nghề gốm truyền thống đều mơ lắm một khung cảnh làm ăn tấp nập và sầm uất trong bài thơ “Làng gốm Thổ Hà” của Vũ Quần Phương: “Làng gốm cữ này đang độ lửa/ Khói cỏ de thơm khắp cả làng/ Thuyền đinh khoang nặng đang rời bến/ Thanh Nghệ xuôi vào, Tuyên Thái sang...” 

Xem thêm
Mỹ Tâm xin lỗi fan

Mỹ Tâm đã phải livestream xin lỗi khán giả sau khi hệ thống bán vé của concert 'My soul 1981' sập chỉ sau một vài phút mở bán.

Bayern Munich vs Arsenal: Hùm xám giành vé?

Trận tứ kết Champions League 2023/2024 giữa Bayern Munich vs Arsenal sẽ diễn ra vào lúc 2h00 ngày 18/04/2024 trên sân vận động Alianz Arena.

Hơn 1.400 vận động viên tham gia Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc khu vực IV

13 đoàn với 1.468 vận động viên tham gia Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ X, khu vực IV năm 2024 được tổ chức tại tỉnh Đắk Lắk.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.