| Hotline: 0983.970.780

Làng homestay trên núi: Những tải bông đổi được ruộng, được làng

Thứ Năm 17/03/2022 , 09:59 (GMT+7)

Ở xã Hồng Thái, những cây lê đã mấy chục năm tuổi, những cây chè Shan tuyết thì già hơn với hàng trăm năm tuổi nhưng chưa nhiều bằng tuổi của các bản người Dao.

Những ngôi nhà mái ngói âm dương của người Dao tiền ở Hồng Thái. Ảnh: Đào Thanh.

Những ngôi nhà mái ngói âm dương của người Dao tiền ở Hồng Thái. Ảnh: Đào Thanh.

Người làng tìm về, khách xa tìm đến

Hôm nay nhà ông Bàn Quý Tỉnh ở thôn Khau Tràng, xã Hồng Thái, huyện Na Hang (Tuyên Quang) chật người bên bếp lửa. Những tiếng bước chân thậm thình, tiếng xôn xao ngừng hẳn khi ông Tỉnh cất giọng kể về câu chuyện đổi ruộng, lập làng của bản người Dao.

Khu làng với cánh đồng ruộng bậc thang rộng lớn của người Dao ở Hồng Thái hiện nay vốn gốc là của người Tày. Hơn 200 năm về trước, do tham của, làng người Tày này đã tìm cách cướp thuốc phiện, tiền vàng của các thương lái qua làng. Nhựa thuốc phiện làm cho những người đàn ông sức vóc có thể đốn được cây nghiến, cây lim trên rừng mềm như sợi bún, mặt xanh như tàu lá. Đói thuốc, cộng thêm nỗi sợ hãi bị những thương nhân quay lại trả thù, họ bán ruộng, bán làng cho người Dao để đổi lấy 12 tải bông rồi bỏ làng đi vội trong đêm.

Đổi được làng của người Tày, người Dao tiền khai khẩn cho những thửa ruộng bậc thang thêm rộng lớn tới 80ha, bắc được thật nhiều nước từ trên đỉnh núi về cho nước đầy đồng. Tạo nên hình, nên dạng cho những thửa ruộng mang thế núi hình sông, cứ uốn lượn chạy quanh bản làng người Dao, nuôi sống đời này đến đời khác. Cũng từ đó, người Dao tiền trở thành chủ của núi rừng Kia Tăng.

Dịch vụ homestay phát triển giúp nâng cao thu nhập của người dân ở Hồng Thái. Ảnh: Đào Thanh.

Dịch vụ homestay phát triển giúp nâng cao thu nhập của người dân ở Hồng Thái. Ảnh: Đào Thanh.

Nhận lại làng của người Tày, người Dao chỉ giữ ruộng không giữ nếp nhà sàn bởi trong văn hóa người Dao không cho phép người đàn ông và đàn bà cùng ngồi chung một phản ghế, như thế là vi phạm quy định của tổ tiên. Mà nhà sàn của người Tày thì tất cả người già người trẻ, người trai, người gái cùng ngồi chung trên sàn nhà.

Tháng 3 mùa hoa lê nở rộ, cũng là dịp xã Hồng Thái có lễ hội hoa lê. Nhà ông Tỉnh cũng đón khách gần, khách xa. Ông cũng chuẩn bị giường chăn ga gối đệm sạch tinh tươm.

Trước kia người Dao ở Hồng Thái chưa biết làm du lịch, ông Tỉnh là cán bộ xã được cho đi lên bản người Dao ở Hà Giang học cách họ làm du lịch. Sau chuyến ấy trở về, ông vận động bà con làm cái cổng đá vào làng thật to, những tường rào đá thì được xếp lại ngăn nắp, gọn gàng; những mái nhà ngói âm dương cổ kính rêu phong phải giữ lại và hạn chế làm các mái hiên bằng tôn, bằng sắt thép. Nghe ông, người trong làng, trong xóm bắt tay vào cùng xây dựng làng homestay.

Ông Bàn Quý Tỉnh (đứng) trao đổi về văn hóa của người Dao quê mình. Ảnh: Đào Thanh.

Ông Bàn Quý Tỉnh (đứng) trao đổi về văn hóa của người Dao quê mình. Ảnh: Đào Thanh.

Thế rồi từng đoàn khách miền xuôi ghé Hồng Thái để được ngắm nhìn đỉnh núi mờ sương và những cánh đồng ruộng bậc thang ngày một nhiều hơn. Hằng ngày, đặc biệt vào mùa lúa trên ruộng bậc thang chín, mùa hoa lê, hoa cải vàng ruộm người dân chỉ cần đứng trước cửa làng mà đón khách, mà hướng dẫn cho người dưới xuôi đường đi lối lại, phong tục tập quán của bản làng.

Ông Tỉnh bảo rằng, những người Tày trước kia vì lòng tham mà vò nát vùng quê đẹp, yên bình mà họ mất công, mất sức nhọc nhằn tạo ra. Nhưng người Dao tiền đã nhận lại rồi dùng bàn tay, sức người để tạo nên một làng quê Hồng Thái mới, rộng lớn hơn, sinh động hơn và mang đậm đà bản sắc của người Dao. Một làng quê trở thành quê hương thân thuộc của đời đời con cháu người Dao đi xa muốn tìm về. Hơn thế nữa, hôm nay không chỉ người làng tìm về mà nhiều du khách đã tìm đến, ghé thăm, nán lại cùng người Dao nâng ly rượu già hương bắp quyện mùi men lá thơm lừng.

Người Dao ở Hồng Thái rất mến khách, đón được khách người bản vừa đón được thêm bạn, vừa có thêm tiền nhưng quý mấy thì cái nếp truyền thống của người Dao vẫn phải giữ. Ở homestay tại mỗi nhà người Dao thì người trai và người gái phải ngủ riêng giường, không được ngủ chung, đó là điều kiêng kỵ trong văn hóa người Dao mà khách phải tuân thủ. Vì nhà của người Dao phải giữ gìn linh thiêng để thờ cúng tổ tiên.

Tháng 3, những vườn lê ở Hồng Thái bắt đầu nở rộ hoa. Ảnh: Đào Thanh.

Tháng 3, những vườn lê ở Hồng Thái bắt đầu nở rộ hoa. Ảnh: Đào Thanh.

Người nhiều chữ nhất bản Dao ở Hồng Thái

Ở xã Hồng Thái có 3 dòng họ người Dao tiền là họ Bàn, họ Đặng, và họ Đàng. Trong 3 dòng họ ấy, tấm gương về việc học chữ góp phần làm thay đổi làng quê của anh Đặng Đức Toàn, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Hồng Thái nay đã nghỉ hưu luôn được ông Tỉnh và người làng nhắc đến.

Hơn 40 năm về trước khi Toàn còn là đứa trẻ, người bản Dao vẫn quan niệm rằng, học nhiều chữ cũng không làm cây bắp trên nương nhiều hạt, cây lúa dưới ruộng thêm bông. Học nhiều chữ sau này có là thằng trai lực lưỡng mà không biết trồng cây lúa, gieo hạt bắp thì cũng chẳng đứa gái nào dám theo.

Nếu nghe theo người làng sẽ chẳng thể học được nhiều chữ của cô giáo miền xuôi, rồi cũng chỉ là thằng trai tay cầy, tay nương lẽo đẽo theo cái khổ, cái nghèo. Nghĩ vậy anh Toàn quyết tâm xuống tận phố huyện học chữ.

Anh Đặng Đức Toàn (ngoài cùng bên trái) cùng người dân Hồng Thái bàn cách làm du lịch homestay. Ảnh: Đào Thanh.

Anh Đặng Đức Toàn (ngoài cùng bên trái) cùng người dân Hồng Thái bàn cách làm du lịch homestay. Ảnh: Đào Thanh.

18 tuổi, bố mẹ anh Toàn bảo anh về Hồng Thái hỏi vợ. Chẳng hiểu những nhà có con gái mới lớn sợ Toàn không biết làm ruộng làm nương thật hay Toàn chưa có duyên với những người con gái ấy mà bố mẹ nhờ người già trong dòng họ đi hỏi đều bị từ chối.

Nhưng rồi Toàn cũng lấy được vợ. Đó là Bàn Thị Khé, một cô gái có nước da trắng, đôi má lúc nào cũng đỏ hây hây như vừa được cời ra ở bếp than hồng. Để cưới được Khé về làm vợ của Toàn, bố mẹ anh đã bỏ ra 100 đồng bạc trắng, 2 tạ lợn hơi, cùng nhiều rượu, gạo…

Sau ngần ấy bạc, cả đời Toàn và người con gái ấy gắn bó với nhau. Sau này khi Toàn đi học hay đi công tác xa nhà, mỗi lần về thấy mảnh ruộng nhà mình xanh tốt nhất làng, đàn lợn chẳng mấy khi gầy ốm do bị bỏ đói, bố mẹ già thì được chăm sóc chu đáo, anh bảo, như vậy có mất thêm nhiều đồng bạc, thêm nhiều con lợn béo mà đổi được người vợ tốt như thế mình vẫn lãi.

Năm 1983, học xong phổ thông, Toàn quay về xã làm việc và được phân công làm cán bộ đoàn, cán bộ khuyến nông được cấp trên giao phải chuyển đổi tư duy làm kinh tế của bà con người Dao tiền ở quê mình. Từ ngày nhận nhiệm vụ, anh ăn không ngon miệng. Sợ cấp trên cho rằng không có năng lực, nhưng điều khiến anh lo lắng hơn cả là sợ dân mất niềm tin. Anh đến từng nhà tỷ lê, vận động để bà con hiểu để chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tăng gia sản xuất, thay những giống lúa, giống ngô mới năng suất, chất lượng cao.

Du khách trải nghiệm hoạt động sao chè Shan tuyết ở Hồng Thái. Ảnh: Đào Thanh.

Du khách trải nghiệm hoạt động sao chè Shan tuyết ở Hồng Thái. Ảnh: Đào Thanh.

Khi anh được bầu làm Phó Chủ tịch, rồi Chủ tịch, Bí thư Đảng ủy xã Hồng Thái, thấy đồng đất quê mình có thể trồng được cây lê, anh đã mời cán bộ của Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Tuyên Quang lên nghiên cứu và đưa cây lê phát triển kinh tế tại quê mình. Ý tưởng ấy của anh khiến không ít người dân e ngại bởi lý lẽ, đến trồng cây lúa, cây ngô nhiều khi còn chẳng đủ ăn giờ lại trồng lê chẳng biết thế nào. Vài năm sau khi cây lê cho thu hoạch, tiền bán quả lê có thể làm cho bồ thóc trong góc bếp mỗi nhà đầy lên, người làng thật sự đặt niềm tin vào cái đầu của anh.

Cũng vì thế mà sau này, khi anh đưa ra ý tưởng mở rộng diện tích chè Shan tuyết, trồng các giống chè đặc sản Ngọc Thúy, Phúc Vân Tiên được người dân đồng lòng hưởng ứng. Giờ thì cây lê ở Hồng Thái đã lên tới 50ha, có nhà thu cả trăm triệu đồng từ trồng lê. Còn cây chè cũng lên đến cả trăm ha, có loại chè búp khô đặc sản giá đạt 500.000 đến 1.000.000 đồng/kg.

Nhiều năm sau này, chuyện phản đối việc học chữ của Toàn chẳng được người trong làng nhắc lại. Chỉ thấy rằng, trong làng, trong xã số gia đình cho con em đi học ngày một nhiều hơn. Nhiều đứa trẻ còn được về tận thủ đô Hà Nội học tập, học nhiều chữ hơn gấp nhiều lần so với Toàn.

Anh Toàn bảo rằng, khi tư duy của bà con người Dao thay đổi cũng là lúc các nhà ở Hồng Thái không sợ hết thóc, hết ngô trong bồ ngày giáp hạt. Bởi thóc ngô vụ trước chưa kịp làm cạn bồ thì đã chuẩn bị đến vụ thu hoạch mới. Đàn gia súc, gia cầm quanh năm đầy chuồng, đầy sân vườn.

Xem thêm
Việt Nam chưa đủ thông tin đánh giá tác động của dự án Funan Techo

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng khẳng định Việt Nam chưa đủ thông tin để có thể đánh giá tác động của dự án Funan Techo.

Bắc Kạn cần hướng đến sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững

FAO tại Việt Nam đánh giá, các hợp tác xã, tổ hợp tác tại tỉnh Bắc Kạn đã cải thiện năng lực tổ chức sản xuất, có nhiều mô hình hiệu quả, thân thiện với môi trường.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Diêm dân buồn nhìn muối trắng trên đồng

Quảng Bình Năm nay, đầu vụ hè nắng nóng kéo dài cho bà con diêm dân được mùa nhưng không có lãi vì rớt giá…

Bình luận mới nhất