Bùi Chí Vinh là một nhà thơ cá tính, một nhà văn có bút lực dồi dào, một biên kịch sắc sảo. Giờ đây ở tuổi 58, anh ra mắt giới yêu nghệ thuật trong vai trò họa sĩ.
Điều gì đã góp phần tạo nên cá tính trong tác phẩm và con người của Bùi Chí Vinh? Mang câu hỏi ấy gặp nhân vật, sau khi kết thúc cuộc triển lãm tranh “Ngày sinh của Ngựa”, nhà thơ, họa sĩ tuổi Ngọ Bùi Chí Vinh đã trò chuyện với NNVN về điều này.
"Lãng tử" Bùi Chí Vinh
ĐÁNH GIÀY, BÁN VÉ SỐ
Vốn sống từ đâu để anh có thể “phóng tay” đến vậy?
Từ cuộc sống đầy biến động và sôi động của mình. Tôi từng tưởng mình sinh ra trong nghèo khó vì khi bắt đầu hiểu biết thì quanh tôi, chỉ có mẹ và 2 đứa em. Mẹ làm thợ may. Cuộc sống rất lam lũ, di chuyển nhà thuê hết chỗ này đến chỗ khác. Thỉnh thoảng có một số người lớn đến nhà rì rầm. Té ra mẹ là “hộp thư” của đặc khu ủy Gia Định. Bà tên Nguyễn Thị Mùi và từng bị giam trong bót Catinat với bí danh Mỹ chung phòng tù với bà Nguyễn Thị Bình. Cho đến năm tôi được 7 tuổi thì trong nhà bỗng xuất hiện một ông mặc đồ màu đen ở tù ra, xuất hiện trong nhà.
Đó là cha tôi - Bùi Văn Trình, chủ tiệm giày Tàn Tật ở mặt tiền đường Yên Đỗ (nay là đường Lý Chính Thắng, TP HCM). Sau này tôi mới biết cha là cán bộ Tuyên truyền thực hiện Hiệp định Genève trong Ban của ông Mai Văn Bộ (năm 1954, ông Mai Văn Bộ là thành viên của phái đoàn quân sự Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cùng với Ủy ban Quốc tế giám sát đình chiến ở Sài Gòn theo tinh thần Hiệp định Genève -PV). Hoạt động bị lộ, cha bị bắt, tiệm giày bị chính quyền tịch thu nên cuộc sống mẹ con tôi mới vất vả. Đến 1971, cha lại bị bắt và chết trong tù vì những vết thương tra tấn.
Tuổi thơ Bùi Chí Vinh hẳn sẽ thay đổi nhiều sau khi nhà có đàn ông?
Việc đầu tiên sau khi trở về là cha dạy tôi học. Sau đó, bằng quan hệ của mình, cha đưa tôi vào trường tiểu học Tân Định. Thầy hiệu trưởng sau khi kiểm tra đã đồng ý cho tôi vào thẳng lớp 2, không phải qua lớp 1. Từ lớp 2 cho đến hết lớp 5, hết bậc tiểu học, tôi luôn đứng hạng nhất trong lớp. Sau đó, nộp hồ sơ thi vào trường công lập Trần Lục, tôi đậu hạng 7/10.000 người dự thi và đoạt học bổng suốt cho đến hết trung học đệ nhất cấp (hết cấp 2).
Nghĩa là Bùi Chí Vinh đã có thời gian rất chăm ngoan “gạo” bài?
Tuổi thơ tôi rất phong phú với các trò chơi bụi đời. Tuy không quá vất vả như xưa nhưng nhà vẫn rất nghèo. Tôi sớm có ý thức phụ giúp cha mẹ nên đã lén dấn thân ra vỉa hè với các nghề bán vé số, bán báo, đánh giày, bắt dế để…bán. Tôi kiếm tiền mọi cách mà phải hết sức bí mật, giấu diếm cha mẹ. Cha mà biết chắc tôi bị phạt nên dù làm gì cũng hết sức cố gắng xong bài vở ở trường. Có lẽ cuộc sống vỉa hè giai đoạn này đã tạo nên tính “ngựa chứng” của tôi.
TÀI NĂNG SỚM NỞ
Làm thơ và vẽ tranh từ 9 tuổi. Khi nào thì anh phát hiện năng khiếu văn học?
Năm 15 tuổi, tôi tham gia phong trào đấu tranh Học sinh sinh viên. Lúc đó tôi tham gia với vai trò là người làm thơ, viết văn cho tờ báo Học sinh (tiền thân của báo Tuổi trẻ TPHCM sau này) cùng với các anh Lê Văn Nuôi, Trương Minh Nhựt, Nguyễn Văn Vĩnh… Hoạt động công khai nhưng lại phải lén lút với cha mẹ mình. Vì cả gia đình cùng hoạt động nên ba mẹ không muốn tôi tham gia phong trào Học sinh sinh viên để khỏi gây chú ý. Cũng trong năm này tôi đoạt giải thưởng truyện ngắn “Viết trên quê hương điêu tàn” của báo Tin Sáng - tờ báo do ông Ngô Công Đức làm chủ biên, nhà báo Lý Quý Chung làm thư ký tòa soạn. Khi đến nhận giải, tôi bị BTC đuổi ra ngoài vì… trẻ con. Lúc đó tôi rất còi chứ chưa cao to được như bây giờ. Không ai tin tôi là… nhà văn. Và vì hầu hết những người đoạt giải thưởng này đều là những tên tuổi hoặc người lớn.
Sau giải phóng, anh là một trong những cán bộ đầu tiên của báo Tuổi trẻ. Khởi đầu tốt đẹp vậy nhưng sau đó lại lận đận chốn giang hồ là tại sao?
Trước 1975, tôi bị bắt. Xin ý kiến tổ chức cho rút vô “R” nếu không bị đi lính. Các anh muốn tôi đi lính để “náu thân”. Thế là tôi thành lính ngụy, đứt liên lạc. Sau giải phóng, các đồng chí “cũ” là anh Nguyễn Văn Vĩnh, Lê Văn Nuôi đến tận nhà mời tôi về Thành đoàn TP HCM, sau đó cơ cấu tôi phụ trách chuyên mục Thơ của trang Văn nghệ báo Tuổi trẻ.
Chiến tranh biên giới bùng nổ. Tôi tình nguyện đi bộ đội nhưng không được chấp nhận. Quậy, đánh “sếp”. Và thế là đơn tình nguyện được duyệt. Vào quân đội không được ra chiến trường mà đưa về Phòng chính trị làm tờ báo Quyết Thắng. Để làm báo thì tôi ở lại Tuổi trẻ cho rồi! Lại quậy. Rồi cũng được đưa ra chiến trường Campuchia. Chuẩn bị kết nạp Đảng thì tôi lại uýnh lộn với chỉ huy vì cứ bắt tôi đi cuốc đất trong khi đồng đội ra chiến trường. Thế là… phục viên sớm! Về nhà. Ngày đạp xích lô, tối đọc thơ cho các sinh viên nghe. Cho đến ngày các anh Phạm Chánh Trực, Nguyễn Châu Trung, Dương Đình Thảo biết chuyện. Các anh thu xếp cho tôi về làm tờ tin của vùng duyên hải Cần Giờ. Sau một thời gian thì về Sở Văn hóa Thông tin TP HCM. Thời gian này, kinh tế cả nước đang khó khăn. Cuộc sống công chức với đồng lương cơ bản khiến tôi lại lao ra đường kiếm tiền phụ mẹ. Đang bán ve chai thì anh Huỳnh Bá Thành bắt gặp. Anh thương mà đầu tư cho tôi viết kịch bản phim cùng ông. Tôi trở thành phóng viên văn nghệ của báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh và sau đó làm việc cho Hãng phim Người Bảo vệ.
“Từ một thi sĩ bỗng dưng trở thành họa sĩ. Thơ từ trong tranh vụt ra những vùng ký ức. Tranh mang phong cách phóng đạt, nhìn tranh để cảm nhận được những tự sự rất đời… Những nhân vật xuất hiện trong tranh Bùi Chí Vinh là cả một thời ký ức. Màu sắc rất bạo. Tạo hình rất văn”, họa sĩ Trịnh Thanh Tùng. |
Năm 1992, anh Huỳnh Bá Thành mất. Tôi buồn. Bỏ việc và sau đó thành cây bút tự do. Có lẽ cũng nhờ vậy mà thành công với những bộ truyện best sellers. Thời gian đó, tôi giàu nhất trong các nhà văn. Tiền kiếm được đủ xây nhà cho gia đình, giúp bạn nghèo… Nhưng như người đời vẫn nói, của cải là phù du. Rồi cũng hết. Khi hết tiền bán sách tôi lại… đi buôn bán chợ trời. Tôi không câu nệ công việc. Việc gì cũng được miễn lương thiện và lo được cho vợ con thì thôi. Cũng là duyên may khi đang bán ở chợ trời thì tôi gặp lại nghệ sĩ Nguyễn Chánh Tín. Trong cuộc ra mắt phim Dòng máu anh hùng, anh Tín mời tôi về làm Chủ tịch hội đồng biên tập kiêm biên kịch phim cho hãng phim của anh.
Là họa sĩ “trẻ” nhưng dám triển lãm tranh ở nơi đắt nhất TP Hồ Chí Minh (1.000 USD/ngày), nhưng tranh “mang đến lại mang về”?
Sau diễn viên Ngô Thanh Vân chỉ có tôi dám thuê Bảo tàng TP.HCM để làm triển lãm. Tôi chỉ bán được 5 bức trong tổng số 45 bức tranh của mình. Một số chủ phòng tranh đề nghị tôi giảm giá 50% thì họ sẽ mua hết toàn bộ tranh. Mặc dù được bạn bè thân hữu báo động sẽ có tranh nhái của Bùi Chí Vinh khi có nhiều người đến xem triển lãm chụp hình tranh tôi nhưng tôi quyết không giảm giá. Tôi tin tranh của mình sớm muộn gì cũng bán hết và được bán với đúng giá trị của nó.
Sau triển lãm tranh, còn gì mới của Bùi Chí Vinh dành cho người hâm mộ?
Vừa qua đạo diễn Lê Văn Duy có làm 5 bộ phim tài liệu về 5 nghệ sĩ. 2 trong 5 bộ phim đã được một nhà đầu tư đặt hàng là phim về Trịnh Công Sơn và Bùi Chí Vinh. Tháng 12 tới đây sẽ có buổi ra mắt đêm nhạc với 10 bài thơ hay của Bùi Chí Vinh được 2 nhạc sĩ Nguyễn Hiệp và Nguyễn Lâm phổ nhạc.
Bùi Chí Vinh nổi tiếng với: Yểu điệu thục nữ; Tóc tiên; Cỏ ven đường; Luật nhân quả; Tiểu thư; Anh hùng tứ xứ; Ba trong một; Hải Đại Bàng (bộ truyện tranh màu gồm 15 cuốn);Tứ quái TKKG (bộ truyện phóng tác của nhà văn Stefan Wolf người Đức, gồm 70 cuốn); Ngũ quái Sài Gòn (tức Năm Sài Gòn) gồm 40 tập phát hành từ năm 1997 và được tái bản nhiều lần… Kịch bản phim nhựa đã chiếu rạp: Ngôi nhà bí ẩn; Suối oan hồn; Chết lúc nửa đêm; Bốn thí nghiệm trong đêm tân hôn; Lệnh xóa sổ… |