Sở NN-PTNT An Giang vừa tổ chức tọa đàm về “Giải pháp quản lý các dịch hại quan trọng trên cây lúa hè thu 2023” nhằm tìm ra các giải pháp thông minh trong canh tác, quản lý dịch hại trên cây lúa.
Ông Nguyễn Văn Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV An Giang cho biết: Tính đến nay, toàn tỉnh An Giang đã cơ bản thu hoạch dứt điểm vụ lúa đông xuân 2023. Vụ đông xuân 2023, nông dân An Giang rất phấn khởi vì lúa được mùa, trúng giá. Hiện nay, nông dân An Giang tiếp tục xuống giống vụ hè thu, đạt 95% trên tổng diện tích toàn tỉnh là 230 ngàn ha.
Hiện tại, hình hình thời tiết bất thường, nắng nóng đang tạo điều kiện cho bệnh đạo ôn cổ bông, vàng lá chín sớm, rầy phấn trắng có điều kiện phát triển. Trong khi đó, tỷ lệ sản xuất theo liên kết vẫn còn khá khiêm tốn so với kỳ vọng. Đến nay, các doanh nghiệp tại An Giang đã triển khai ký hợp đồng bao tiêu lúa cho nông dân trong vụ hè thu thông qua các HTX, tổ hợp tác với diện tích trên 40 ngàn ha (đạt 27,8%).
Cùng với đó, tỷ lệ diện tích sản xuất đạt các tiêu chuẩn và có chứng nhận chất lượng vẫn còn khá thấp. Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng chưa bền vững, các địa phương vẫn còn chuyển đổi theo phong trào. Riêng diện tích cây ăn trái nhỏ lẻ, chưa đáp ứng đủ điều kiện để cấp mã số vùng trồng và liên kết với doanh nghiệp.
Để đảm bảo nông dân sản xuất lúa có lãi tốt trong vụ lúa hè thu năm nay, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV An Giang, ông Nguyễn Văn Hiền lưu ý bà con nông dân, các HTX, tổ hợp tác cần ưu tiên đầu tư phát triển kỹ thuật canh tác, nhất là các biện pháp quản lý dịch hại như IPM, “3 giảm 3 tăng” và “1 phải 5 giảm” nhằm giảm chi phí và nâng cao chất lượng hạt gạo.
TS Vũ Như Pháp, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL (Trường Đại học Cần Thơ) cho rằng: Sản xuất lúa gạo ở Việt Nam thời gian qua đã có bước tiến vượt bậc. Tuy nhiên, tay nghề của bà con nông dân lại chưa ngang tầm với những vị thế của ngành lúa gạo Việt Nam. Hàm lượng chất xám tạo nên giá trị gia tăng trong nông sản làm ra chưa cao. Chi phí sản xuất cao do kỹ thuật canh tác chưa tiên tiến, còn lạm dụng phân, thuốc hóa học, từ đó ảnh hưởng đến môi trường sống nên chưa mang tính bền vững.
Theo TS Pháp, mặc dù xuất khẩu nông sản Việt Nam nói chung, lúa gạo nói riêng thời gian qua liên tục tăng trưởng, nhưng lại bộc lộ những yếu kém trong quy trình sản xuất như khâu sử dụng giống, phân bón, nông dược... Chưa chú trọng đầu tư kỹ thuật canh tác, công nghệ sau thu hoạch. Đặc biệt, thiếu nước ngọt, xâm nhập mặn đã gây thất thu hàng trăm ngàn ha lúa ở các tỉnh ven biển như Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, Hậu Giang.
TS Vũ Như Pháp khẳng định, bên cạnh cải thiện năng suất, chất lượng, cần sử dụng hợp lý tài nguyên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Do đó, việc phát triển kỹ thuật canh tác lúa bền vững là yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.
Để có một vụ hè thu 2023 bội thu, TS Pháp khuyến cáo bà con nông dân cần thực hiện việc vệ sinh đồng ruộng sau khi thu hoạch lúa ít nhất từ 2 - 3 tuần trước khi chuẩn bị gieo sạ. Chủ động phòng ngừa ngộ độc phèn, ngộ độc hữu cơ, né khô hạn; quản lý nước và tưới nước tiết kiệm, sử dụng phân bón phù hợp và hiệu quả...
Bên cạnh đó, bà con nông dân cần sử dụng giống lúa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, gạo ngon, được thị trường chấp nhận. Sử dụng các giống lúa chống chịu tốt với hạn, mặn, phèn như OM16, OM48, OM49, OM52, OM 6976, OM 5451, Jasmine 85, Đài thơm 8, nhóm ST, nếp CK, nếp An Giang.
Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, việc chọn giống phù hợp sẽ giúp đáp ứng khả năng thích nghi với thời tiết khắc nghiệt, TS Vũ Như Pháp khuyến cáo nông dân ĐBSCL cần chọn những giống lúa có thời gian sinh trưởng dưới 90 ngày như MTL 560, OMCS 2000, OM 5451 để bố trí mùa vụ, né hạn, mặn. Không nên trồng lúa quá 2 vụ/năm để đất có thời gian nghỉ ngơi và phục hồi dinh dưỡng.