| Hotline: 0983.970.780

Lãnh đạo phải chịu trách nhiệm nếu để dân đói

Thứ Hai 14/07/2014 , 17:59 (GMT+7)

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các địa phương trong vùng không được để người dân đói, bệnh tật lớn xảy ra./ Dân nghèo khốn đốn

Sáng 14/7, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm các tháng cuối năm 2014 của Ban chỉ đạo Tây Bắc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban chỉ đạo nêu rõ các địa phương trong vùng cần thực hiện tốt cơ chế phối hợp liên vùng.

Đánh giá cao những kết quả đạt được của các tỉnh trong vùng Tây Bắc, song Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ ra một số tồn tại chậm được khắc phục như tính liên kết vùng giữa các tỉnh còn hạn chế, chưa tạo được cơ hội khai thác tiềm năng, thế mạnh chung của khu vực cũng như của từng địa phương; tính lan tỏa trong kinh tế vùng còn hạn chế.

Phó Thủ tướng cho rằng: đầu tư vào cơ sở hạ tầng còn thấp và không đồng đều trong vùng, nhất là hạ tầng giao thông - động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế Tây Bắc, vì thế ảnh hưởng tới tốc độ phát triển kinh tế của khu vực. Đặc biệt, nhiều tuyến giao thông thi công không đảm bảo chất lượng, hạ tầng xuống cấp nghiêm trọng, trong khi đó công tác kiểm tra, giám sát, duy tu, bảo dưỡng còn nhiều hạn chế. Tình trạng xe quá khổ, quá tải chưa được xử lý, ngăn chặn kịp thời, triệt để.

Các địa phương trong vùng hầu như chưa có chiến lược đào tạo, tuyển dụng và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là đối với các đối tượng là người dân tộc; chưa có chính sách, chế độ đãi ngộ đặc thù đủ mạnh để thu hút, giữ chân cán bộ có trình độ và năng lực, nhất là trong các ngành y tế, kỹ thuật, những người làm công tác nghiên cứu khoa học; đội ngũ cán bộ khoa học-kỹ thuật có trình độ cao còn mỏng.

Phó Thủ tướng chỉ rõ đời sống một bộ phận tương đối lớn nhân dân vùng Tây Bắc còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo ở một số địa phương giảm chưa đáng kể, khả năng tái nghèo vẫn còn. Tình trạng thiếu đói giáp hạt vẫn tiếp tục xảy ra ở nhiều địa phương trong vùng. Tình trạng di cư tự do của đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu xuất phát từ nguyên nhân kinh tế vẫn diễn biến phức tạp, việc ổn định đời sống cho đồng bào di cư tự do còn lúng túng, bất cập. Việc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo truyền đạo trái pháp luật còn tiềm ẩn nhiều nhân tố phức tạp.

Trong khi đó, công tác tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước còn hạn chế, chưa có tính chuyên biệt đối với từng nhóm đối tượng và đối với từng địa bàn cụ thể mà chủ yếu theo quy định chung, rập khuôn, máy móc nên hiệu quả không cao.

Nhấn mạnh những nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương trong vùng không được để người dân đói, bệnh tật lớn xảy ra, đặc biệt quan tâm đồng bào vùng đặc biệt khó khăn. Địa phương nào để dân đói, bệnh tật lớn, lãnh đạo phải chịu trách nhiệm.

Các địa phương, Ban chỉ đạo Tây Bắc và các bộ, ngành cần tập trung tham mưu, đề xuất những giải pháp phù hợp để triển khai Kết luận số 26-KL/TW của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo quốc phòng-an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020. Bên cạnh đó, các địa phương tập trung xóa thôn bản trắng đảng viên, chỉ đạo và triển khai quyết liệt Quyết định 718/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án củng cố, tăng cường đội ngũ cán bộ dân tộc Mông trong hệ thống chính trị cơ sở các xã địa bàn trọng yếu vùng Tây Bắc giai đoạn 2014-2018 để sớm có được đội ngũ cán bộ cơ sở đáp ứng được yêu cầu thực tế.

Phó Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo với những giải pháp cụ thể và phù hợp, trong đó tập trung thực hiện tốt Chỉ thị 01/2005/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số công tác đối với đạo Tin lành. Trước mắt, Ban chỉ đạo Tây Bắc phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Dân tộc, Ban chỉ đạo Tây Nguyên và các bộ, ngành liên quan cùng các tỉnh thống nhất giải pháp khắc phục tình trạng di dân tự do, ổn định sản xuất và đời sống; phối hợp với các tỉnh tập trung chuẩn bị nội dung Hội nghị biểu dương Bí thư chi bộ thôn, bản tiêu biểu khu vực Tây Bắc.

Ban chỉ đạo Tây Bắc chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan và một số địa phương trong vùng Tây Bắc có tỷ lệ hộ nghèo cao tổ chức hội thảo tìm nguyên nhân và tìm giải pháp khắc phục tình trạng đói nghèo.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương trong vùng nắm chắc tình hình, chủ động giải quyết những vụ việc từ khi mới phát sinh, không để xảy ra bị động, bất ngờ; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền các cấp đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự. Các tỉnh tăng cường phòng chống buôn lậu gian lận thương mại, kiểm soát tốt thẩm lậu ma túy; chủ động tấn công trấn áp các loại tội phạm, bài trừ tệ nạn xã hội.

Phó Thủ tướng lưu ý các địa phương tạo mọi thuận lợi thúc đẩy quan hệ thương mại, bảo vệ công dân, nhà đầu tư nước ngoài, coi lợi ích của họ như lợi ích của mình, xây dựng khu vực biên giới hòa bình, hữu nghị, đoàn kết.

Đánh giá tình hình 6 tháng qua của Ban chỉ đạo Tây Bắc cho thấy, kinh tế trong vùng tiếp tục phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của 12 tỉnh, chưa tính các huyện khu vực Tây Nghệ An và Tây Thanh Hóa đạt 8,03%, thu ngân sách nhà nước đạt trên 8.950 tỷ đồng, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước. Chi ngân sách nhà nước được quản lý, sử dụng hiệu quả, chi cho đầu tư phát triển đạt trên 3.700 tỷ đồng.

Các địa phương đã triển khai tích cực Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; duy trì phổ cập trung học cơ sở, tiểu học và mầm non; tỷ lệ học sinh bỏ học giảm. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng, toàn vùng không xảy ra dịch bệnh lớn. Tình hình nhân dân và các dân tộc trong vùng cơ bản ổn định.

Các địa phương tích cực triển khai trên 40 chương trình, dự án lớn, trong đó có một số dự án xóa đói, giảm nghèo cho các vùng dân tộc miền núi; thực hiện tốt chính sách dân tộc và an sinh xã hội; tiếp tục hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn. Công tác quốc phòng, an ninh toàn vùng được đảm bảo, chủ quyền quốc gia được giữ vững. Công tác dân tộc, quản lý nhà nước về tôn giáo và đấu tranh với các thủ đoạn lợi dụng tôn giáo được tăng cường.

Các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương tiếp tục quan tâm đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành như Lào Cai triển khai mô hình “Tuyên vận” tại 85 xã, phường; Tuyên Quang triển khai mô hình “Hội đồng công tác quần chúng”...

Cấp ủy các cấp đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, triển khai nhiều cuộc giám sát đến các tổ chức cơ sở Đảng, tăng cường nắm tình hình và giải quyết các vấn đề xã hội, an ninh tại các địa bàn vùng cao biên giới.

Theo Vietnam+

Xem thêm
Thủ tướng: Kiểm tra, giám sát từ đầu, tránh tích tụ vi phạm

Họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng lưu ý tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ lúc bắt đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ lại thành sai phạm lớn.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Nghề cói Kim Sơn được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định 1150/QĐ-BVHTTDL đưa nghề thủ công truyền thống nghề cói Kim Sơn vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.