Dự báo mùa đông 2017 sẽ hết sức khắc nghiệt, khả năng có mưa tuyết rất lớn. Vậy địa phương này đã làm gì để hạn chế vật nuôi bị chết rét?
Dự trữ rơm khô làm thức ăn cho trâu, bò |
Nhìn lại đợt mưa tuyết trước Tết Nguyên đán năm ngoái, Lào Cai có 50 xã bị băng tuyết bao phủ, hơn 1.100 gia súc bị chết rét, gây thiệt hại nặng nề cho người dân. Đây là bài học sâu sắc với người dân cũng như chính quyền tỉnh Lào Cai trong việc phòng, tránh rét cho vật nuôi.
Theo người dân, dự trữ thức ăn và làm chuồng nuôi nhốt gia súc đảm bảo là những biện pháp hữu hiệu nhất giúp vật nuôi chống chọi với mùa đông. Tại huyện Si Ma Cai, Bát Xát, người Mông, người Hà Nhì áp dụng cách làm nhà trình tường để làm chuồng cho vật nuôi. Với thành tường bằng đất, dày từ 30 – 35cm, loại nhà này có ưu điểm là mát vào mùa hè và ấm vào mùa đông.
Ông Viên Đình Hiệp, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Si Ma Cai cho biết, cách làm này tiết kiệm cho các hộ, không phải mua vật liệu che chắn xung quanh và tường sử dụng được vài chục năm trở lên. Mỗi khu chuồng trại đều được trổ nhiều lỗ thông hơi để đảm bảo thoáng mát trong mùa hè. Khi mùa đông đến, người dân chỉ việc lấy giẻ, đất bịt vào ngăn gió lạnh, sương muối lọt vào.
Chị Thào Thị Mai ở thôn Say Sán Phìn, xã Mản Thẩn (huyện Si Ma Cai) cho biết, trước kia thu hoạch xong các vụ lúa thì đốt bỏ phần lớn rơm rạ. Nay gia đình đã biết giữ lại toàn bộ, phơi cất cẩn thận, làm thức ăn dự trữ cho gia súc trong mùa đông.
Theo chị Mai, bà con địa phương còn tận dụng cả bẹ ngô vụ thu đông, lá dong giềng... phơi khô làm thức ăn dự trữ. Trên gác mái nhà nào cũng thấy rơm rạ, bẹ ngô, thân cây lạc, cây đỗ… được cất giữ cẩn thận.
Si Ma Cai là địa bàn trọng điểm về chăn nuôi của Lào Cai. Ngay sau khi Nghị quyết 22 của Tỉnh uỷ Lào Cai về giảm nghèo bền vững huyện Si Ma Cai đến năm 2020 được ký ban hành, huyện đã hỗ trợ 2 tỷ đồng/năm/xã để trồng cỏ, làm chuồng nuôi nhốt gia súc, làm nhà ủ phân vi sinh... Nhờ đó, hầu hết hộ chăn nuôi gia súc đã có chuồng trại kiên cố đảm bảo chống rét cho vật nuôi.
Theo kết quả điều tra năm 2017, toàn huyện Si Ma Cai có trên 2.000 chuồng nuôi nhốt gia súc được làm mới. Người dân đã trồng thêm 123ha cỏ phục vụ cho việc chăn nuôi trâu, bò. Vì vậy, tốc độ tăng đàn gia súc luôn được duy trì ổn định. Đến nay, toàn huyện có 10.597 con trâu, 2.806 con bò.
Ngoài ra, nhờ được tuyên truyền, vận động tốt, nhân dân địa phương đã chủ động phòng chống đói rét cho đàn gia súc, tập trung vào việc chăm sóc tốt diện tích 551ha cỏ VA06, 11ha ngô dày, tận dụng lá và ngọn cây ngô để ủ thức thức ăn chua cho gia súc, tích trữ rơm khô làm thức ăn.
Tuy vậy, theo thống kê của Phòng NN-PTNT huyện Si Ma Cai, hiện toàn huyện có 3.344 hộ đã tiến hành dự trữ thức ăn cho gia súc trong mùa đông đạt nhu cầu từ 50 – 100%, 1.382 hộ còn lại dự trữ thức ăn cho gia súc trong mùa đông chỉ đạt dưới 50% nhu cầu.
Chuồng trại cho gia súc được làm theo kiểu nhà trình tường |
Tại các huyện Mường Khương, Si Ma Cai, Bắc Hà… người dân đã tận dụng những hang núi dọc theo vách đá ven sông Chảy để biến thành nơi cư trú lý tưởng cho đàn trâu bò trong các đợt rét hại. Các hang tùy rộng hẹp có thể nuôi nhốt từ vài cho tới hàng chục con trâu, bò. Hàng ngày, người dân thay nhau đi cắt cỏ ngay trong thung lũng, đốt lửa sưởi ấm, cho ăn bổ sung cám ngô và thức ăn thô xanh.
Cách làm này đã giúp nhiều gia đình bảo vệ an toàn đàn gia súc mỗi khi giá rét xảy ra. Bên cạnh đó, người chăn nuôi đang nhân rộng mô hình ủ cỏ chua để làm nguồn thức ăn cho gia súc. Cỏ được phơi tái, cắt ngắn khoảng 7 – 10cm, trộn lẫn với bột ngô theo tỷ lệ nhất định, ủ trong tải nilon hoặc đào hố ủ để làm thức ăn dự trữ cho gia súc.
Ngoài ra, từ tháng 10 trở đi, các phiên chợ văn hóa vùng cao Lào Cai có thêm một khu đặc biệt. Đó là nơi tập hợp người dân từ khắp các thôn bản đổ về mua bán cỏ tươi và củi khô. Chợ hình thành tự phát, phục vụ nhu cầu cứu đói, cứu rét cho đại gia súc trong đợt rét sắp tới. Tại chợ phiên Bắc Hà, mỗi bó cỏ to được bán với giá 8.000 đồng, mỗi bó củi 12.000 đồng. Người dân mua bán, trao đổi với nhau như một sự giúp đỡ lẫn nhau, chung sức để cứu lấy đàn trâu bò, đảm bảo sức kéo cho mùa vụ sắp tới.
Được biết, trong thời gian tới, tỉnh Lào Cai sẽ đầu tư một số dự án khuyến nông về phát triển chăn nuôi trâu bò, kết hợp với trồng cỏ làm thức ăn bền vững. Mục đích nhằm chuyển giao biến bộ kỹ thuật, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo, xây dựng NTM. |