Những năm trước đây, các xã vùng cao của huyện An Lão (Bình Định) như An Toàn, An Nghĩa, An Quang, An Vinh, An Hưng… có hàng trăm trâu, bò chết do đói, rét vào mùa mưa lũ gây thiệt hại cho người chăn nuôi hàng tỉ đồng.
Dự trữ thức ăn cho bò
Nguyên nhân do bà con có tập quán chăn nuôi gia súc thả rông trên núi cao. Họ dựa vào đồng cỏ tự nhiên để chăn thả trâu bò, không dự trữ thức ăn cho gia súc trong mùa mưa. Sự thể này khiến cho trâu bò bị suy dinh dưỡng, dịch bệnh rồi chết.
“Tình trạng chuồng trại tạm bợ, không tránh được gió lùa, bị ẩm ướt, làm cho gia súc dễ phát sinh dịch bệnh”, ông Phạm Minh Tâm, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện An Lão cho biết.
Hiện toàn huyện An Lão có tổng đàn gia súc gần 40.000 con, trong đó đàn trâu có 3.325 con, đàn heo 28.445 con, đàn bò 8.212 con, trong đó bò lai có 4.229 con, chiếm 51,5% tổng đàn. Để đảm bảo an toàn cho đàn trâu bò của bà con, những năm gần đây ngành chức năng huyện này không ngừng nỗ lực tuyên truyền, hướng dân bà con cách bảo vệ tài sản sống của mình.
Nhờ đó đến nay ở An Lão đã có 70% số hộ chăn nuôi xây dựng chuồng trại đảm bảo kỹ thuật; hơn 70% số hộ chăn nuôi có dự trữ thức ăn cho đàn gia súc và hạn chế chăn thả trâu, bò trên vùng núi cao vào những ngày mưa lạnh. Đặc biệt, huyện này đã hoàn thành việc tiêm phòng cho đàn gia súc đạt từ 87% tổng đàn trở lên.
Để đạt được kết quả trên cũng không phải dễ, UBND huyện An Lão đã không ngừng bám sát từng địa phương, chỉ đạo ngành chủ quản phối hợp với các hội đoàn thể vận động, phổ biến các biện pháp kỹ thuật và kinh nghiệm phòng chống đói, rét, dịch bệnh cho trâu, bò đến tận người dân. Thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết, nhất là các đợt rét đậm, rét hại, mưa, bão kéo dài để người chăn nuôi nhằm chủ động phòng tránh và chống đói, rét cho đàn gia súc.
Không chỉ vậy, UBND huyện An Lão còn chỉ đạo Trạm Khuyến nông huyện hỗ trợ kinh phí thực hiện xây dựng mô hình điểm phòng chống đói, rét cho đàn trâu, bò tại xã vùng cao. Các địa phương tự cân đối nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển sản xuất, mua giống cỏ cao sản cấp cho người chăn nuôi trồng, chủ động dự trữ thức ăn quanh năm cho gia súc; hỗ trợ kinh phí, vận động người chăn nuôi xây dựng các cây rơm rạ sau mùa vụ thu hoạch, tận thu các phụ phẩm nông nghiệp để bổ sung thức ăn cho trâu, bò vào những ngày mưa, bão.
Nuôi nhốt trong chuồng, bò tránh được mưa lạnh
“Chúng tôi còn vận động hộ chăn nuôi đưa trâu, bò thả trên núi cao về chăn dắt tại vùng thấp hoặc nhốt trong chuồng trại khô ráo. Tận dụng các vật liệu sẵn có làm tấm che chắn chuồng trại tránh gió lùa và đủ ấm khi nhiệt độ xuống thấp. Ngoài việc dự trữ thức ăn thô, xanh cho trâu, bò trong những ngày mưa lạnh, chúng tôi còn hướng dẫn hộ chăn nuôi bổ sung thêm thức ăn tinh bột, vitamin và chất khoáng để tăng cường sức đề kháng cho đàn vật nuôi. Nhờ đó tình trạng trâu bò bị chết rét, chết đói trong mùa mưa hiện đã thuyên giảm”, ông Phạm Minh Tâm cho hay.
Ở huyện miền núi Vân Canh cũng không ngoại lệ. Những năm trước đây trên địa bàn huyện này cũng thường xảy ra tình trạng bò bị chết đói, chết rét vào mùa mưa. Vân Canh hiện có đàn gia súc gần 28.500 con, trong đó có gần 16.000 con bò, gần 230 con trâu.
Tập quán chăn thả rông, thức ăn phụ thuộc vào đồng cỏ tự nhiên và không có chuồng trại là những khó khăn trong công tác phòng chống đói rét cho gia súc khi mùa mưa đến. Qua công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cách phòng chống... đã làm bà con thay đổi tập quán chăn nuôi thả rông trâu, bò trên núi, biết trồng cỏ, dự trữ phụ phẩm nông nghiệp; làm chuồng nhốt để tiện việc chăm sóc.
Ông Nguyễn Văn Hà, Trưởng Trạm Thú y huyện Vân Canh cho biết: "Rút kinh nghiệm những năm trước, công tác phòng chống đói rét cho gia súc trong mùa mưa năm nay được trạm triển khai lồng ghép với việc tuyên truyền, vận động hộ chăn nuôi phòng trừ dịch bệnh. Đến nay hầu hết bà con đã biết cách phòng chống đói rét cho gia súc, chủ động thực hiện ngay từ đầu mùa mưa".
“Gia đình tui và nhiều hộ nuôi bò trong làng đã tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin cho bò; dự trữ rơm khô, trồng cỏ, làm chuồng nhốt bò để tiện việc vệ sinh chuồng trại và nhốt bò trong những ngày mưa rét. Nhờ đó đàn trâu bò của gia đình và của bà con trong làng trong những năm qua ít bị chết trong những mùa mưa lũ”, anh Đinh Văn Kim ở làng Hà Văn Dưới, xã Canh Thuận (huyện Vân Canh) bộc bạch. |