| Hotline: 0983.970.780

Sản xuất rau trái vụ thu tiền tỷ

Thứ Ba 14/04/2020 , 14:10 (GMT+7)

Sản xuất rau trái vụ không khó và thấy rõ hiệu quả, nhưng để thành công thì phải giải quyết được bài toán đầu ra.

Ông Phạm Tiến Lâm (phải), Trưởng phòng NN- PTNT Mù Cang Chải trao đổi kỹ thuật trồng rau với ông Phạm Quang Thọ, Chủ nhiệm HTX T&D. Ảnh: HĐ.

Ông Phạm Tiến Lâm (phải), Trưởng phòng NN- PTNT Mù Cang Chải trao đổi kỹ thuật trồng rau với ông Phạm Quang Thọ, Chủ nhiệm HTX T&D. Ảnh: HĐ.

Khí hậu phù hợp rau trái vụ

Mù Cang Chải nằm khuất bên sườn phía tây của dãy Hoàng Liên Sơn, hầu như quanh năm mát mẻ. Ông Phạm Tiến Lâm, Trưởng phòng NN- PTNT Mù Cang Chải (Yên Bái) cho biết, thổ nhưỡng cũng như khí hậu địa phương rất phù hợp với việc sản xuất rau xanh trên diện tích lớn, nhất là rau trái vụ.

Cũng theo ông Lâm, ở Mù Cang Chải quanh năm duy trì 19 – 23 độ C phù hợp với trồng các loại rau xứ lạnh như su hào, cải bắp, khoai tây… Các loại rau này mùa hè cũng vẫn trồng bình thường. Ở Mù Cang Chải nhiệt độ cao nhất trong năm là 33 độ C nhưng chỉ kéo dài 2 giờ và 5 năm gần đây mới có một ngày nhiệt độ đạt mức này.

Cũng chính vì vậy, huyện có hướng phát triển rau trái vụ tại địa phương để cung cấp cho các vùng lân cận và cả thị trường ở Hà Nội. Điển hình của mô hình trồng rau trái vụ và sản xuất an toàn tại đây là Hợp tác xã T&D do ông Phạm Quang Thọ làm chủ nhiệm.

Ông Phạm Quang Thọ trước là cán bộ kỹ thuật của ban quản lý rừng phòng hộ, sau một thời gian dài cống hiến ông quyết định xin thôi việc ra ngoài để theo đuổi đam mê của mình với lĩnh vực nông nghiệp.

Sau khi trồng thử nghiệm nhiều loại rau từ năm 2017, tới năm 2019 thì ông Thọ thành lập hợp tác xã và bắt đầu thuê đất của các hộ dân. Số vốn ban đầu để gây dựng hợp tác xã chủ yếu là tiền tích cóp nhiều năm của hai vợ chồng ông Thọ. Ban đầu trồng rau với diện tích nhỏ rồi tiêu thụ được, ông Thọ mở rộng quy mô để đáp ứng nhu cầu thị trường.

“Trước đây, tôi trồng thử nghiệm ở Háng Gàng, rau trái rất tốt, sản lượng cao. Tuy nhiên, do đường xá đi lại khó khăn nên chi phí vận chuyển từ Háng Gàng tới các nơi rất cao. Vì vậy, tôi quyết định chuyển ra thuê đất ngoài thị trấn tốn khoảng 50 triệu đồng cho một hécta mỗi năm nhưng lại hiệu quả hơn”, ông Thọ nói.

Người dân địa phương tới mua rau của HTX T&D. Ảnh: HĐ.

Người dân địa phương tới mua rau của HTX T&D. Ảnh: HĐ.

Chắc đầu ra sẽ thắng lớn

Ông Phạm Quang Thọ cho biết, hợp tác xã hiện trồng nhiều loại rau xen canh, mùa nào rau đấy nhưng thời tiết ở Mù Cang Chải trồng rau trái vụ rất phù hợp và mang lại hiệu quả cao.

“Chúng tôi có 15 loại rau củ, quả như cải chíp, cải ngồng, cải ngọt, cải mông, cải thảo, cải Đông Dư, su su, đỗ, cà chua, ớt, su hào, bắp cải, rau cần... đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng thay đổi hằng ngày của người tiêu dùng”, ông Thọ nói.

Tuy nhiên, bước đầu phải đầu tư khá nhiều để hợp tác xã có thể vận hành trơn tru. Hiện Hợp tác xã đầu tư hệ thống tưới tự động khoảng 200 triệu đồng, mua máy cày bừa đất, thuê 5 lao động… Tuy nhiên, số tiền đầu tư lớn không phải là trang thiết bị máy móc, mà là phân chuồng để duy trì chất lượng của đất.

“1m2 đầu tư ban đầu tốn 50 nghìn đồng, vụ đầu làm đất chỉ có hoà hoặc lỗ nhưng những năm về sau sẽ có lãi. Từ khi thành lập hợp tác xã tới giờ, tôi bỏ ra khoảng 500 triệu đồng tiền phân trâu, cứ 3 ngày một xe 20 tấn phân trâu chở từ Ngọc Chiến về chừng 500 bao, mỗi bao 20 - 25 nghìn đồng”, ông Thọ cho biết.

Ông Phạm Tiến Lâm, Trưởng phòng NN- PTNT Mù Cang Chải cho biết, để hỗ trợ các hợp tác xã trồng rau hữu cơ, phòng NN- PTNT huyện tư vấn về kỹ thuật và hỗ trợ một phần giống, hạt ban đầu cũng như định hướng cho các hợp tác xã phấn đấu đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Song cũng theo ông Thọ, việc đầu tư mang lại hiệu quả ngay tức thì, chỉ trong 7 tháng hợp tác xã có doanh thu khoảng 1,2 tỷ đồng. Tuy vậy, tiền thu về lại tiếp tục tái đầu tư, mở rộng thị trường chứ không phải bỏ túi.

“Thu về bao nhiêu thì lại đầu tư vào bấy nhiêu, khó khăn nhất là đầu ra. Khi giải quyết được việc này thì sẽ siêu lợi nhuận và đầu ra quyết định 80% thành công của hợp tác xã”, ông Thọ nói.

Hiện nay, Hợp tác xã T&D cung cấp rau xanh hữu cơ cho các trường học trường trên địa bàn huyện Mù Cang Chải. Giá rau rẻ hơn thị trường do không mất cước vận chuyển. Khi cung cấp cho các trường, hợp tác xã cũng ký kết về an toàn thực phẩm.

Mặt khác, việc sản xuất rau xanh của hợp tác xã mọi người cũng trực tiếp nhìn thấy quy trình nên khá tin tưởng.

Ngoài ra, rau của Hợp tác xã T&D còn cung cấp cho các công trường lao động, Khu công nghiệp Thuỵ Vân (Phú Thọ) và một số đại lý rau ở các chung cư tại Hà Nội…

Xem thêm
Người dân Vĩnh Phúc viết đơn xin dừng chăn nuôi trong khu dân cư

Tính đến cuối năm 2024 đã có 332 hộ chăn nuôi ở tỉnh Vĩnh Phúc làm đơn đề nghị hỗ trợ dừng chăn nuôi ở khu vực không được phép chăn nuôi.

Kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm

KHÁNH HÒA Lực lượng thú y sẽ tăng cường kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm, nhất là cao điểm tết nhằm đảm bảo nguồn cung thịt sạch cho người dân.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.