| Hotline: 0983.970.780

Lao động tại gia, cũng giàu

Thứ Hai 11/04/2011 , 09:13 (GMT+7)

Chỉ cần tư vấn giúp bà con học đúng nghề, đúng sở trường thì lao động tại gia cũng trở nên giàu có...

Dẫn chúng tôi đi thăm một số trang trại chăn nuôi khá thành công trên địa bàn thành phố Hải Phòng, cán bộ của Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐTB-XH) nói rằng, đây là kết quả của việc tư vấn đúng nghề, học đúng sở trường của người nông dân mà cán bộ dạy nghề tại Hải Phòng đã triển khai theo Đề án 1956 QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án đào tạo nghề cho hơn 11 triệu lao động nông thôn đến hết năm 2020.

Với hơn 40 trang trại nuôi gà, vịt trên địa bàn thành phố Hải Phòng, thu nhập hơn 40 tỉ đồng/năm là con số "khủng" của Công ty cổ phần Giống gia cầm chăn nuôi Lượng Huệ (thôn Hoàng Lâu, xã Hồng Phong, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng) do nông dân Phạm Văn Lượng làm Giám đốc. Tuy nhiên, thành quả này đến với gia đình anh Lượng không dễ dàng. Anh tâm sự, bắt đầu xây dựng trại từ năm 1990, quy mô nhỏ khoảng hơn nghìn con gà. Nhưng do thiếu kỹ thuật chăm sóc nên thu nhập rất bấp bênh, gà hay bị chết.

Quyết chí làm giàu, anh tự bỏ tiền đi học tập kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi gia cầm ở Thái Lan. Kể từ đó việc chăn nuôi gà, vịt của gia đình anh có nhiều thuận lợi, kinh tế gia đình phát triển hẳn lên. Thấy được hiệu quả từ mô hình của anh Lượng, nhiều người trong xã đã đến học tập, làm việc tại trang trại để lấy kinh nghiệm và phát triển trang trại cho riêng mình.

Còn tại xã Hồng Phong, huyện An Dương chủ yếu là đất cát pha nên rất khó khăn trong trồng trọt. Từ năm 2010, UBND xã đã quyết định đào tạo nghề chăn nuôi gà, lợn cho bà con, rất sát thực với điều kiện địa phương. Hiện nay Hồng Phong có trên 20 trang trại và gia trại chăn nuôi gà, lợn, vì vậy đời sống của bà con được nâng lên rõ rệt. Điển hình phải kể đến trang trại của anh Đoàn Văn Tư (thôn Hoàng Lâu). Mặc dù không có quy mô trang trại hoàng tráng như gia đình Lượng Huệ, chỉ một trại với hơn 1.000 con gà đẻ trứng nhưng gia đình anh Tư cũng có thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm. Anh Tư tâm sự: Sau khi được đào tạo nghề nuôi gà, lại được nhà nước cho vay vốn để phát triển kinh tế từ gia trại thành trang trại nên anh không gặp nhiều khó khăn.

Theo ông Cao Văn Sâm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề thì bà con nông dân cần tìm đúng nghề sở trường mới nhanh chóng giàu được. Chính vì vậy đội ngũ tuyên truyền dạy nghề phải biết nắm bắt tâm lý, nhu cầu của bà con, từ đó có cách thức tuyên truyền phù hợp, sát thực tế. Việc tuyên truyền là hoạt động lâu dài và liên tục, có thời gian và thời lượng nhất định.

“Chương trình dạy nghề ở xã Giao Tiến, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định được truyền tải trên loa phát thanh liên tục trong 3 ngày, mỗi ngày 3 lần (sáng - trưa - tối) để bà con nông dân có thông tin đầy đủ và khách quan trước khi tiến hành đăng ký đào tạo nghề. Vì vậy đã có tới 1.159 trên tổng số gần 1.300 lao động chưa có việc làm ở xã đã đi đăng ký học nghề, dẫn đầu là học nghề nông nghiệp (chiếm hơn 42%)" - ông Sâm dẫn ví dụ.

Tuy nhiên, đại diện lãnh đạo Tổng cục Dạy nghề cũng thừa nhận, hoạt động tuyên truyền dạy nghề nhìn chung vẫn chưa có thông điệp cụ thể cho từng nhóm đối tượng, đội ngũ tuyên truyền, nhất là cơ sở chưa được đào tạo cơ bản, thiếu kỹ năng lập kế hoạch thực hiện…

Xem thêm
100 tấn cá chết ở hồ Sông Mây: 'Nước cạn đáy, mật độ nuôi quá dày nên thiếu oxy'

ĐỒNG NAI Nguyên nhân cá chết hàng loạt ở hồ Sông Mây là do nước hồ cạn đáy, mật độ cá nuôi quá dày nên thiếu oxy và đơn vị nuôi thủy sản còn chủ quan.

Hải Phòng phát hiện hơn 100 tàu cá mất kết nối VMS trong 4 tháng

Những trường hợp tàu cá bị phát hiện mất kết nối, nếu không khắc phục kịp thời, cơ quan chức năng thành phố Hải Phòng đều xử lý nghiêm.

Nghêu sạch vào nhà máy, ra siêu thị

Năm 2023, HTX thu hoạch nghêu thịt hơn 950 tấn, trong đó cung cấp nghêu sạch cho nhà máy đạt 120 tấn, tổng doanh thu gần 19 tỷ đồng.

Ruốc biển xuất hiện dày đặc, ngư dân thu tiền triệu mỗi ngày

QUẢNG NGÃI Sau vài giờ ra khơi đánh bắt, các tàu thuyền trở về với hàng tạ ruốc, mang lại thu nhập tiền triệu mỗi ngày cho ngư dân ở vùng biển Quảng Ngãi.