| Hotline: 0983.970.780

Lặt lá mai, lo ngay ngáy

Thứ Tư 11/01/2012 , 10:25 (GMT+7)

Đây là thời điểm người trồng mai lo nhất, bởi chỉ một trận mưa trái mùa là mai dễ trổ bông sớm, chỉ đem vứt!

* Đã xuất hiện nụ đen do lạnh

Năm nào cũng vậy, trước tết chừng nửa tháng là người trồng mai ở các quận, huyện Thủ Đức, Q.9, 12 (TP HCM) bắt đầu “vặt” hết lá chỉ để lại nụ nhằm kích thích mai trổ bông dịp Tết. Đây là thời điểm người trồng mai lo nhất, bởi chỉ một trận mưa trái mùa là mai dễ trổ bông sớm, chỉ đem vứt!

Được ông Lê Văn Đức, PCT Hội Nông dân phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức (TPHCM) chỉ dẫn, chúng tôi đến thăm vườn mai của ông Trương Văn Dự, người có thâm niên trồng mai vàng. Ông Dự chuyên trồng mai vàng dưới đất, tức trồng bằng hạt. Với người dân trong nghề thì việc quyết định chọn ngày lặt lá mai sớm hoặc muộn sẽ quyết định việc thành bại một vụ mai.

“Theo quy luật, năm nay nhà vườn lặt lá mai vào ngày 15, 16 tháng Chạp (tức ngày 8-9/1/2012) là có thể thành công. Riêng tui quyết định lặt lá mai khi thấy nắng bắt đầu hửng vào ngày 10/1 nhưng chỉ gói thời gian đúng 4 giờ. Bởi năm nay khí hậu Nam bộ khá thay đổi, hết lạnh rồi nóng, mình chỉ cần sơ xẩy một chút là cả vườn mai đi đứt”, ông Dự lý giải.

Nói về việc thuê hơn hai chục lao động chủ yếu là phụ nữ và trẻ em đến vặt tỉa lá cho vườn mai 4.000 m2 của mình hết sức “nhanh, sạch, gọn”, ông than vãn: “Thuê công lặt lá bây giờ khó lắm, 1 ngày trả 110 ngàn/công trong khi năm ngoái có 90 ngàn mà người ta còn chẳng thèm làm, nên phải “tốc hành” mới kịp. Bởi vậy, tui cầu mong sao ông trời đừng mưa, nhất là triều cường đừng có lên bất chợt làm ngập úng, mai không nở hoa đúng tết thì nguy”.

Với ông Dự, việc chăm sóc mai như nuôi em bé, hết canh trời nắng rồi lo trời mưa, thậm chí đêm về còn canh từng giọt sương, sương ít hay nhiều đều ảnh hưởng đến mai nở. Ông yêu mai đến nỗi, chỉ cần nhìn vào nụ cũng biết đó là nụ xanh đen, cây mai sinh trưởng tốt hay không, có ra hoa đều vào ngày tết?

Vì vậy, vườn mai của ông Dự không bán cho khách lẻ mà chuyên  bán cho thương lái gần xa. Thế nên, khi chúng tôi đến đã bắt gặp không ít thương lái đến đặt mua, dù hơn chục ngày nữa mới đến tết.

Ông Dự chỉ vào hàng chục cây mai chỉ còn trơ nút (nụ) được buộc dây màu vàng đánh dấu sau khi vặt hết lá rồi nói giọng oang oang: “Đây là 2 cây mai tui đã bán cho 1 thương lái ở Cần Thơ giá 8 triệu/cây; còn 11 cây này là giá 700 ngàn/cây được một DN đặt cọc mua để chưng ngày tết. Nhưng đó là giá bán với điều kiện thời tiết thuận, chứ tới đây gặp triều cường hoặc mưa xuống thương lái có bỏ chạy, mình cũng đành chịu”. Hiện ông Dự đang trồng là 1 ha mai, bình quân mỗi năm sau khi trừ chi phí ông lãi khoảng 300 triệu đồng.

"Do điều kiện đất đai, thổ nhưỡng ở khu vực này chỉ có cây mai là sống được. Vì thế ngoài trồng mai và một số loại hoa kiểng khác, người dân không biết trồng cây gì. Dù liên tục bị ngập úng do triều cường, chưa kể vật giá, phân bón, công lên giá, người dân vẫn phải bám giữ nghề ông cha để lại. Lo nhất là sau khi lặt lá mai gặp trời mưa hoặc lạnh kéo dài thì mai nở tòe loe, lúc đó chỉ có chào thua", ông Lê Văn Đức.

Tại vườn mai của ông Phạm Văn Tư (KP 6) vừa trồng mai đất vừa trồng mai ghép (chậu). Ông Tư cũng xuất mai chậu cho thương lái gồm nhiều loại, từ cây mai tứ quí ghép gốc (đường kính trên 1,5 tấc) có giá từ 3-10 triệu đồng/chậu đến mai xấu gốc nhỏ giá “bình dân” từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng/chậu.

“Tui có 700 gốc mai, chỉ mong có khoảng 400 gốc đạt yêu cầu để bán là đã thành công và có lãi. Giá một gốc mai trồng đất trung bình khoảng 200-300 ngàn đồng, còn mai ghép trồng chậu thì giá tùy vào từng gốc, loại trung bình từ 1-1,5 triệu đồng”, ông Tư nói.

Ông Trần Văn Mai (KP 6) chuyên trồng mai chậu và mai đất nhận xét: “Năm nay, giá mai tăng khoảng 20% so năm 2011 là nhờ tăng theo các mặt hàng nông sản khác, nhưng chất lượng có thể không đạt. Mọi năm, thời điểm này mỗi ngày tôi xuất từ 20 chậu trở lên cho thương lái thì hiện chỉ có 7-10 chậu. Thương lái đến chê vì gặp mai bắt đầu xuất hiện nụ đen do gặp lạnh”.

Xem thêm
3 đề án bao trùm ngành chăn nuôi bắt đầu đi vào đời sống

Chiều 3/5, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai một số đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc

Ngày 3/5, tại phường Hải Xuân, TP Móng Cái, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện và tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Điều ước của 'tỷ phú mía' xứ Thanh

THANH HÓA Theo ông Trần Ngọc Chế, để nông dân yên tâm gắn bó với cây mía, cần chính sách ưu đãi vay vốn của để mở rộng diện tích và cơ giới hóa đồng bộ.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.