Ngày 19/5, Bộ NN-PTNT phối hợp UBND TP Cần Thơ tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý Đề án thành lập Trung tâm Liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam và Chủ tịch UBND TP Cần Thơ đồng chủ trì hội nghị, với sự tham dự đại diện lãnh đạo các cơ quan thuộc Bộ NN-PTNT, Bộ KH&ĐT, Bộ Công thương, Bộ Tài chính và lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL, TP HCM.
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nhấn mạnh: Tại Nghị quyết số 45/2022/QH15 (11/1/2022) về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ, Quốc hội đã quy định cho thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với thành phố trong đó có Trung tâm Liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ.
Vì vậy, việc xây dựng Đề án thành lập Trung tâm Liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL là cần thiết nhằm khai thác hiệu quả các tiềm năng và thế mạnh của thành phố, thực hiện được các mục tiêu tại Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 45/2022/QH15 của Quốc hội đã đặt ra.
Theo dự thảo Đề án, Trung tâm Liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản vùng ĐBSCL tại Cần Thơ có quy mô 3.300 ha. Trong đó, giai đoạn đầu có quy mô khoảng 450 ha. Tập trung cho sản xuất, chế biến tinh, hệ thống kho bãi, khu phi thuế quan của lĩnh vực nông nghiệp. Lộ trình và tầm nhìn phát triển Trung tâm sẽ thực hiện theo từng giai đoạn.
Trong năm 2022 sẽ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Trung tâm, lựa chọn được nhà đầu tư hạ tầng và triển khai các thủ tục pháp lý về đất đai, xây dựng. Xây dựng và trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt các cơ chế tài chính hỗ trợ hoạt động Trung tâm theo Nghị quyết 45/2022/QH15.
Năm 2023, TP Cần Thơ sẽ hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư và hạ tầng giao thông, điện nước, xử lý nước thải, chất thải khác có liên quan và cung cấp các dịch vụ cơ bản để đưa Trung tâm hoạt động. Đồng thời, trong quá trình này sẽ xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư đối với các doanh nghiệp vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Thời gian này có thể tiến hành các hoạt động xây dựng nhà xưởng, lắp ráp máy móc, trang thiết bị để sẵn sàng đưa vào hoạt động.
Theo Đề án này thì hoạt động sản xuất, chế biến tại đây không phải là những hoạt động tách rời, riêng biệt bên trong Trung tâm mà có vai trò dẫn dắt và thúc đẩy sản xuất, chế biến trong cả vùng ĐBSCL. Vì thế thành phố sẽ mời gọi các nhà đầu tư có năng lực và giải pháp công nghệ để thực hiện sứ mệnh đó.
Cụ thể về sản xuất: Sẽ không tổ chức sản xuất, canh tác nông nghiệp tại Trung tâm vì hoạt động này được thực hiện rộng khắp trong toàn vùng ĐBSCL. Tại trung tâm sẽ thu hút các nhà đầu tư sản xuất các sản phẩm vật tư nông nghiệp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn như: phân bón hữu cơ vi sinh chất lượng cao, phân bón nano, các khoáng vi lượng nano, các chế phẩm bảo vệ thực vật hữu cơ...
Về chế biến: Tại Trung tâm chỉ thu hút các nhà đầu tư có năng lực chế biến sâu có khả năng tạo ra các sản phẩm giá trị gia tăng cao hơn nhiều lần so với giá trị của nguyên liệu đầu vào tầm cỡ quốc tế. Cụ thể như từ các nguyên liệu lúa gạo tạo ra dược phẩm, mỹ phẩm hay những sản phẩm công nghệ cao khác. Những nhà máy chế biến tại Trung tâm là đầu mối của các chuỗi liên kết chế biến sơ cấp ở các địa phương và chế biến cao cấp ở Trung tâm trước khi xuất khẩu hay bán ra thị trường trong nước.
Theo Đề án, cung ứng dịch vụ xuất khẩu nông sản ĐBSCL là hoạt động đặc trưng của Trung tâm vì “Thúc đẩy nâng cao chất lượng sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế” và “Cung ứng dịch vụ chuyên nghiệp xuất khẩu nông sản ĐBSCL ra thị trường quốc tế” là hai nhiệm vụ trọng tâm của trung tâm. Vì thế, Trung tâm sẽ thu hút các nhà đầu tư sở hữu các giải pháp công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ số tham gia cung cấp các dịch vụ này. Các nhà đầu tư nắm giữ chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu là đối tượng đầu tiên cần nhắm đến.
Giải pháp về đầu tư theo Đề án
1. Nguồn vốn đầu tư: 100% vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước, thực hiện hoạt động theo mô hình hoạt động và quản lý tương tự khu công nghiệp theo quy định của pháp luật về khu công nghiệp và khu kinh tế.
2. Hình thức lựa chọn nhà đầu tư hạ tầng: Thủ tướng Chính phủ Quyết định hoặc uỷ quyền UBND Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư thực hiện đầu tư hạ tầng khu Trung tâm.
3. Phân kỳ đầu tư.
a. Giai đoạn 1: 450 ha.
b. Các giai đoạn tiếp theo: 2.850 ha. Việc phân kỳ các giai đoạn tiếp theo phụ thuộc vào kết quả tổng kết tình hình thực hiện Nghị quyết 45/2020/QH15.
4. Lựa chọn nhà đầu tư thứ cấp: Thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư về lựa chọn nhà đầu tư trong khu công nghiệp.