| Hotline: 0983.970.780

Lên phương án vụ đông xuân 2021 - 2022 vùng Nam Trung Bộ, Tây Nguyên

Thứ Ba 26/10/2021 , 00:11 (GMT+7)

Bộ NN-PTNT sớm có phương án cho sản xuất vụ đông xuân 2021 - 2022 vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên

Không phát triển cây trồng ngoài vùng quy hoạch

Tại Hội nghị “Sơ kết sản xuất trồng trọt vụ hè thu, vụ mùa năm 2021, triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2021-2022 tại các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên” ngày 25/10, Cục trồng trọt cho biết trong vụ đông xuân 2021 - 2022, các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ (DHNTB) và Tây Nguyên tập trung đẩy mạnh thực hiện đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tổ chức triển khai mạnh mẽ việc giảm giá thành trong sản xuất lúa và các cây trồng khác.

Các khu vực trồng lúa khó khăn về nước tưới, cần đẩy mạnh chuyển đổi sang các cây trồng cạn có giá trị cao hơn. Ảnh: TL.

Các khu vực trồng lúa khó khăn về nước tưới, cần đẩy mạnh chuyển đổi sang các cây trồng cạn có giá trị cao hơn. Ảnh: TL.

Bên cạnh đó, cần theo dõi chặt chẽ tình hình khí tượng thủy văn, diễn biến nguồn nước để chủ động bảo vệ sản xuất. Xây dựng kế hoạch phòng chống hạn và xâm nhập mặn, kịp thời ứng phó khi có hạn, mặn thiếu nước tưới xảy ra vào mùa khô.

Về cơ cấu giống, đẩy mạnh sử dụng cấp giống xác nhận, giống ngắn ngày có năng suất cao, cứng cây, chống đổ ngã, chống chịu khô hạn tốt. Vùng có nguy cơ thiếu nước bố trí giống có thời gian sinh trưởng ngắn. Các địa phương căn cứ vào tình hình cụ thể để khuyến cáo cơ cấu giống lúa cho phù hợp.

Đối với cây rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày, khu vực DHNTB tập trung phát triển mở rộng sản xuất ngô, vừng, lạc vụ đông xuân trên đất phù sa ven sông, đất xám bạc màu, đất cát pha ven biển. Khu vực Tây Nguyên, cần tập trung sản xuất cây rau màu ngắn ngày tận dụng nguồn nước tưới đầu vụ.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh kiểm tra tình hình dịch bệnh sâu keo mua thu tại Gia Lai. Ảnh: TL.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh kiểm tra tình hình dịch bệnh sâu keo mua thu tại Gia Lai. Ảnh: TL.

Đối với cây công nghiệp dài ngày và cây ăn quả, các tỉnh tiếp tục rà soát, xác định các đối tượng cây ăn quả chủ lực, có lợi thế phát triển phù hợp với đất đai, điều kiện sinh thái, trên cơ sở đó đưa ra các chính sách, giải pháp phát triển bền vững. Đặc biệt, không phát triển các đối tượng cây trồng ngoài vùng quy hoạch đã được phê duyệt, không trồng tái canh hồ tiêu đối với diện tích già cỗi, đất đai không phù hợp.

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt lưu ý các địa phương: Hiện tượng La Nina từ khoảng tháng 10/2021 và duy trì cường độ yếu đến hết năm 2021 với xác suất 70%. Mật độ bão, ATNĐ hoạt động trên Biển Đông trong những tháng cuối năm nhiều hơn trung bình nhiều năm (TBNN).

Tổng lượng mưa ở khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên trong những tháng cuối năm ở mức cao hơn đến xấp xỉ TBNN, nên việc gieo sạ các trà lúa sớm cần cập nhật thường xuyên thông tin khí hậu, thời tiết. Đảm bảo an toàn cho việc gieo sạ, tránh trường hợp mưa lũ gây thiệt hại phải gieo sạ lại nhiều lần và mất giống trong quá trình ngâm ủ không gieo sạ được.

Tiết kiệm nước, đẩy mạnh canh tác tiên tiến

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết: Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Nam Trung Bộ và Tổng cục Thủy lợi, trong vụ đông xuân 2021 - 2022, điều kiện khí hậu, nguồn nước cho sản xuất diễn ra tương đối thuận lợi.

Tuy nhiên, vẫn có hiện tượng hạn, thiếu nước cục bộ tại một số điểm. Vì vậy, các địa phương cần sớm có thống kê, đánh giá về nguồn nước theo từng vùng, từng khu vực để đưa ra phương án sản xuất phù hợp dựa trên nguyên tắc đảm bảo đủ lượng nước cho thời gian sinh trưởng của cây trồng.

Các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên cần bố trí cơ cấu thời vụ hết sức linh hoạt vì đây là khu vực có rất nhiều tiểu vùng với điều kiện khí hậu… Ảnh: TL.

Các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên cần bố trí cơ cấu thời vụ hết sức linh hoạt vì đây là khu vực có rất nhiều tiểu vùng với điều kiện khí hậu… Ảnh: TL.

Cũng theo ông Cường, với thời tiết mưa nhiều như hiện nay, chưa có ảnh hưởng đến lịch thời vụ và sản xuất vụ đông xuân 2021 - 2022 của vùng DHNTB và Tây Nguyên. Tuy nhiên, các địa phương cần tranh thủ huy động các hồ chứa để trữ nước, nắm bắt tình hình, xây dựng ngay phương án tiêu thoát nước ở khu vực hay bị ngập, úng, để có sự chuẩn bị tốt nhất khi vụ đông xuân đang tới gần.

Đối với sản xuất lúa, những vùng an toàn về nguồn nước, tập trung canh tác đúng lịch thời vụ, tăng cường thâm canh. Vùng có nguy cơ hạn, không đủ lượng nước cho sản xuất, cần tập trung bố trí chuyển từ cơ cấu sản xuất 3 vụ sang 2 vụ hoặc bố trí lại thời vụ sản xuất phù hợp, nhằm né tránh hạn, mặn và áp dụng kỹ thuật canh tác tiến bộ, để hạn chế tác động của hạn, mặn đến sản xuất. Đẩy mạnh chuyển đổi những vùng thiếu nước tưới sang cây trồng cạn ngắn ngày để tăng hiệu quả sản xuất và tiết kiệm nước tưới.

Về việc giảm giá thành sản xuất trong bối cảnh giá vật tư đầu vào tăng cao, Cục Trồng trọt khuyến cáo với các địa phương cần đẩy mạnh áp dụng gói kỹ thuật “1 phải 5 giảm” một cách đồng bộ. Tăng cường bón lót phân hữu cơ, sử dụng các dạng phân ure chậm tan để chống thất thoát đạm. Gieo sạ thưa hợp lý (lúa thuần gieo từ 80-100 kg/ha, lúa lai từ 40-50 kg/ha). Tưới theo phương pháp “nông - lộ - phơi” và theo sổ tay hướng dẫn tưới tiết kiệm nước của Tổng cục Thủy lợi ban hành.

Đối với cây rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày, trên cơ sở điều kiện thổ nhưỡng riêng biệt, các địa phương cần sử dụng giống phù hợp với nhu cầu thị trường, có tính chống chịu và đầu tư thâm canh hợp lý để tăng năng suất, chất lượng, mang lại giá trị kinh tế cao.

Đối với cây công nghiệp dài ngày và cây ăn quả, tăng cường bón phân hữu cơ, phân vô cơ theo nguyên tắc “4 đúng”. Áp dụng kỹ thuật canh tác tiến bộ vào sản xuất, tưới nước tiết kiệm, sử dụng bộ giống mới có khả năng kháng sâu bệnh, thích nghi với biến đổi khí hậu…

Xem thêm
Người dân Vĩnh Phúc viết đơn xin dừng chăn nuôi trong khu dân cư

Tính đến cuối năm 2024 đã có 332 hộ chăn nuôi ở tỉnh Vĩnh Phúc làm đơn đề nghị hỗ trợ dừng chăn nuôi ở khu vực không được phép chăn nuôi.

Kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm

KHÁNH HÒA Lực lượng thú y sẽ tăng cường kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm, nhất là cao điểm tết nhằm đảm bảo nguồn cung thịt sạch cho người dân.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.