Liên hoan phim quốc tế TP.HCM 2024 (viết tắt HIFF 2024) có thời gian chuẩn bị khá ngắn ngủi, sau khi họp báo công bố vào tháng 9/2023 thì chỉ có 8 tháng để hoàn tất mọi công tác tổ chức. Tuy nhiên, kết quả thu được khá bất ngờ từ sự kiện điện ảnh quy mô lần đầu tiên của đô thị phương Nam.
Theo tính toán của những người thực hiện, liên hoan phim quốc tế TP.HCM 2024 thu hút 260 ngàn khán giả tham gia vào các hoạt động trong khuôn khổ chương trình. Trong đó nổi bật nhất là sự hứng thú của công chúng với những bộ phim được công chiếu ngoài trời.
Liên hoan phim quốc tế TP.HCM có tổng kinh phí 80 tỷ đồng. Ngân sách Nhà nước hỗ trợ 20 tỷ đồng, còn 60 tỷ đồng huy động từ các nguồn lực xã hội.
Có lẽ do quá áp lực về tính “quốc tế”, nên Liên hoan phim quốc tế TP.HCM 2024 đưa ra “kịch bản” quá rườm rà mà chưa chú trọng giám sát chất lượng. Với 73 sự kiện, 14 phiên hội thảo, tọa đàm và 10 lớp học chuyên môn thì nhân sự đủ khả năng quán xuyến gần như bất khả thi.
Với tư cách Giám đốc điều hành Liên hoan phim quốc tế TP.HCM 2024, ông Phạm Minh Toàn chia sẻ: “Các chương trình không chỉ là cơ hội để giao lưu, học hỏi mà còn là cầu nối để thúc đẩy hợp tác sản xuất và phát triển điện ảnh giữa Việt Nam và bạn bè quốc tế. Liên hoan phim quốc tế TP.HCM 2024 cũng thu hút các chuyên gia là kiều bào đang sinh sống tại một số quốc gia trên thế giới. Họ là nhà sản xuất, đạo diễn có nhiều thành công trên lĩnh vực điện ảnh, đã trở về quê hương để tìm hiểu về cách thức hợp tác sản xuất, trao đổi chuyên môn. Những chuyên gia này đóng góp nhiều ý kiến quý báu để phát triển điện ảnh TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung”.
Việc chọn lựa những đại sứ chưa tiêu biểu, đã khiến sức lan tỏa của Liên hoan phim quốc tế TP.HCM 2024 tương đối hạn chế về mặt truyền thông. Lẽ ra, những đại sứ của Liên hoan phim quốc tế TP.HCM phải mạnh dạn xuất hiện trước đám đông để thuyết trình giá trị điện ảnh hoặc chia sẻ tình yêu với nghệ thuật thứ bảy, thay vì chỉ đon đả xiêm áo dạo gót thảm đỏ.
Không có ứng viên phim Việt tham gia tranh tài, nên sự quan tâm của người yêu điện ảnh nước nhà chủ yếu dành cho hai buổi ra mắt phim “Đóa hoa mong manh” của đạo diễn Mai Thu Huyền và “Lật mặt 7” của đạo diễn Lý Hải.
Tuy nhiên, cũng nhờ Liên hoan phim quốc tế TP.HCM 2024 mà nhiều nghệ sĩ điện ảnh được dịp thưởng thức trọn vẹn vài tác phẩm nổi tiếng của Việt Nam. Ví dụ, bộ phim tài liệu “Những đứa trẻ trong sương” của đạo diễn Hà Lệ Diễm từng đoạt giải thưởng phim quốc tế xuất sắc tại Liên hoan phim Docaviv và giải thưởng đạo diễn xuất sắc tại Liên hoan phim Tài liệu Amsterdam năm 2021 và lọt vào danh sách rút gọn 15 phim tài liệu xuất sắc của Oscar 2023, nhưng ít được chú ý ở trong nước.
Sau khi xem “Những đứa trẻ trong sương” phản ánh tệ nạn tảo hôn vẫn tồn tại ở một ngôi làng vùng núi Sa Pa, nghệ sĩ ưu tú Chiều Xuân bày tỏ: “Tôi cứ nghĩ mãi không biết làm sao đạo diễn Hà Lệ Diễm và toàn ekip có thể làm được bộ phim tài liệu vô cùng chân thực và nhân văn đến thế. Phim tuyệt vời”.
Dù chưa mời được những ngôi sao lớn, nhưng Liên hoan phim quốc tế TP.HCM 2024 cũng có sự góp mặt của nhiều nhà sản xuất đến từ Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc để tham gia trò chuyện và kết nối trực tiếp các nhà làm phim trẻ Việt Nam. Có thể khẳng định, chợ dự án và vườm vươm kịch bản đã mở ra nhiều triển vọng cho những ý tưởng sáng tạo, với 15 dự án và 10 kịch bản được chọn để hướng dẫn và tài trợ.
Bằng thái độ khách quan, nhà sản xuất phim Kim Dong Ho (sáng lập Liên hoan phim quốc tế Busan, Hàn Quốc) đánh giá về Liên hoan phim quốc tế TP.HCM 2024 vừa khép lại: “Nền điện ảnh TP.HCM đang phát triển và nhận được sự quan tâm của nhiều người. TP.HCM cũng là cái nôi thu hút các nhà làm phim trẻ, nhà sản xuất phim làm việc. Đây là điểm mạnh để nhà sản xuất trẻ có tác phẩm hay, có thể quảng bá ra thế giới để mọi người nhìn và thấy được sự thành công. Tôi nghĩ sau này, điện ảnh TP.HCM sẽ thành công nhờ tiềm lực của hiện tại”.