| Hotline: 0983.970.780

Liên kết ‘cộng sinh’ sản xuất, tiêu thụ lúa chất lượng cao

Thứ Ba 27/02/2024 , 06:23 (GMT+7)

Để giảm chi phí, áp lực trong đầu tư, các HTX trên địa bàn TP Hà Tĩnh ‘bắt tay’ nhau xây dựng chuỗi sản xuất, chế biến sâu lúa gạo chất lượng cao.

“Giá trị lúa gạo không chỉ là an ninh lương thực”

Đặc thù sản xuất nông nghiệp nói chung, sản xuất lúa gạo nói riêng ở Hà Tĩnh chừng 10 năm về trước vẫn theo lối mòn truyền thống, manh mún, nhỏ lẻ. Chủ yếu “con trâu đi trước cái cày theo sau”, sức người đổ ra lớn nhưng hiệu quả kinh tế đem lại không đáng kể.

Mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ tai xã Thạch Bình, TP Hà Tĩnh nhận được sự ủng hộ, tham gia tích cực từ người dân. Ảnh: Thanh Nga. 

Mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ tai xã Thạch Bình, TP Hà Tĩnh nhận được sự ủng hộ, tham gia tích cực từ người dân. Ảnh: Thanh Nga. 

Quá trình chuyển đổi tư duy, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất trong khoảng 5 đến 7 năm trở lại đây phần nào đã nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, giúp nông dân nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích. Đặc biệt, trong lĩnh vực lúa gạo, ngoài việc khuyến khích bà con “tự đi trên đôi chân của mình”, không ít địa phương kích cầu bằng các chính sách hỗ trợ như tích tụ đất đai, kêu gọi doanh nghiệp, HTX tham gia bao tiêu, chế biến sâu sản phẩm từ gạo; xây dựng các mô hình sản xuất đa cây, đa con trên một diện tích…

Mới đây nhất, để hiện thực hóa mong muốn của bà con nông dân biến lúa gạo Hà Tĩnh thành một ngành hàng, thành phố Hà Tĩnh ban hành chính sách hỗ trợ xây dựng Dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa chất lượng cao tại các xã Đồng Môn, Thạch Hạ, Thạch Bình và phường Đại Nài. Thời gian thực hiện trong 3 năm (2023 - 2026) với diện tích hơn 21ha, mỗi năm 2 vụ.

Thông qua chính sách kích cầu của chính quyền địa phương và 'bàn tay' đỡ đầu của HTX, đất ruộng bỏ hoang hoặc sản xuất kém hiệu quả ven đô được tích tụ thành cánh đồng lớn, sản xuất cùng giống, cùng thời vụ, giảm thiểu sức lao động cho nông dân. Ảnh: Thanh Nga.

Thông qua chính sách kích cầu của chính quyền địa phương và "bàn tay" đỡ đầu của HTX, đất ruộng bỏ hoang hoặc sản xuất kém hiệu quả ven đô được tích tụ thành cánh đồng lớn, sản xuất cùng giống, cùng thời vụ, giảm thiểu sức lao động cho nông dân. Ảnh: Thanh Nga.

Lãnh đạo UBND TP Hà Tĩnh thông tin, mục tiêu của dự án phấn đấu đưa năng suất lúa bình quân lên đạt 48 tạ/ha/vụ; sản lượng lúa 188 tấn/năm và phụ phẩm sau thu hoạch 9.500 cuộn rơm. Khi dự án thành công sẽ tạo tiền đề mở rộng quy mô liên kết sản xuất, đồng thời góp phần thực hiện cơ giới hóa ở các khâu trên 100% diện tích đất trồng lúa trên địa bàn thành phố.

“Trong tổng kinh phí thực hiện hơn 2,4 tỷ đồng, ngân sách tỉnh, thành phố hỗ trợ hơn 700 triệu đồng, số còn lại do các bên tham gia liên kết thực hiện dự án đối ứng. Hiện đơn vị chủ trì dự án liên kết bà con nông dân đã hoàn thành xuống giống vụ xuân 2024 với diện tích thực tế đạt 23ha. Tất cả các khâu từ sản xuất mạ, làm đất, gieo cấy đều cơ giới hóa 100%, nông dân rất phấn khởi”, vị lãnh đạo nói.

Theo vị này, địa bàn thành phố có hơn 2.400ha đất trồng lúa nhưng giá trị thu hoạch đem lại mới chỉ đạt trên dưới 137 tỷ đồng (theo giá hiện hành năm 2022). Thực hiện Nghị quyết 06 ngày 18/11/2021 của BCH đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh, Chỉ thị 19 ngày 10/8/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy, từ năm 2022 đến nay, các đơn vị, tổ chức, cá nhân trên địa bàn TP Hà Tĩnh đã tích tụ, tập trung ruộng đất; phá bỏ bờ vùng, ô thửa nhỏ, hình thành ô thửa lớn, sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn được gần 100ha. Đây là tiền đề áp dụng tiến bộ kỹ thuật mạ khay - máy cấy vào sản xuất nhằm tạo vùng sản xuất lúa tập trung cùng giống, cùng thời vụ, khắc phục được tình trạng thiếu nhân lực trong giai đoạn thời vụ cấp bách.

Xứ Đồng Tùng rộng 4,5ha ở phường Đại Nài đã xây dựng thành công mô hình lúa rạm, lúa rươi trong nhiều năm qua. Trong vụ xuân 2024 tiếp tục đưa dịch vụ mạ khay - cấy máy vào canh tác nhằm nâng cao giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích. Ảnh: Thanh Nga.

Xứ Đồng Tùng rộng 4,5ha ở phường Đại Nài đã xây dựng thành công mô hình lúa rạm, lúa rươi trong nhiều năm qua. Trong vụ xuân 2024 tiếp tục đưa dịch vụ mạ khay - cấy máy vào canh tác nhằm nâng cao giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích. Ảnh: Thanh Nga.

“Trước mắt, ngay vụ đầu sản xuất chúng tôi thấy diện tích lúa áp dụng mạ khay - cấy máy không chỉ giảm được áp lực thời vụ, tăng sự chủ động cho người sản xuất mà đồng ruộng có sự đồng đều, giảm lượng giống và công dặm tỉa cho người nông dân”, ông Trần Trọng Dũng, Bí thư Đảng ủy phường Đại Nài chia sẻ trong buổi ra quân chỉ đạo chăm sóc lúa đầu năm 2024.

Mỗi HTX là một mắt xích trong chuỗi ngành hàng

Câu chuyện liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm lúa gạo tuy không còn mới nhưng thực tế lâu nay vẫn thường xảy ra tình trạng một trong hai bên liên kết “bội tín” khiến mô hình “đứt gánh giữa đường”.

Để tránh giẫm lên “vết xe đổ” của các địa phương khác, TP Hà Tĩnh quán triệt quan điểm, giao HTX Nông nghiệp Đồng Tiến đảm nhiệm vai trò chủ trì, được hưởng lợi từ ngân sách hỗ trợ, hiệu quả hoạt động sản xuất nhưng cũng phải chịu trách nhiệm trong việc liên kết, chia sẻ lợi ích với các hộ dân, sản xuất lúa đảm bảo chất lượng. Tổ chức thu mua và liên kết với HTX Hạnh Cường chế biến thành phẩm, cung ứng nguyên liệu cho Cơ sở OCOP rượu sim Tùng Việt và rượu sen Hào Thành...

Cây giống được sản xuất, cung ứng bởi HTX Nông nghiệp Đông Tiến. Ảnh: Thanh Nga.

Cây giống được sản xuất, cung ứng bởi HTX Nông nghiệp Đông Tiến. Ảnh: Thanh Nga.

“Nói dễ hiểu, các HTX trên địa bàn thành phố là một mắt xích trong chuỗi ngành hàng, được tự chủ liên kết với nhau theo hướng “cộng sinh” nhằm giảm chi phí, áp lực đầu tư, từ đó cùng thu lợi nhuận, nhân rộng dự án phát triển bền vững”, lãnh đạo TP Hà Tĩnh nhấn mạnh.

Cánh đồng 7ha ở xứ đồng Đội Tuyệt, thôn Đông Nam, xã Thạch Bình sau khi được tích tụ, phá bỏ ô thửa nhỏ đã hình thành cánh đồng lớn. Nông dân ở đây vốn có truyền thống sản xuất lúa thâm canh nên khi chính quyền vận động liên kết sản xuất lúa theo hướng an toàn, bà con mạnh dạn tham gia.

Sau khi ký kết hợp đồng, HTX Nông nghiệp Đồng Tiến cung cấp toàn bộ đầu vào theo giá thị trường cho nông dân. Hiện nay, diện tích lúa cấy trong Tết đang phát triển mơn mởn. Một số diện tích trà xuân muộn, kết hợp nuôi cá, lúa, cua đồng vừa xuống giống trong tuần vừa qua.

Các khâu từ làm đất, cấy, phòng trừ sâu bệnh, bao tiêu sản phẩm đều được cam kết bằng hợp đồng trước sự giám sát của chính quyền địa phương. Ảnh: Thanh Nga.  

Các khâu từ làm đất, cấy, phòng trừ sâu bệnh, bao tiêu sản phẩm đều được cam kết bằng hợp đồng trước sự giám sát của chính quyền địa phương. Ảnh: Thanh Nga.  

Anh Ngô Hà Phương ở thôn Đông Nam chia sẻ, gia đình anh có 1,7ha đất ở xứ đồng Đội Tuyệt. Diện tích này, Hội Nông dân xã bàn giao cho gia đình anh phát triển trồng lúa kết hợp nuôi cá diếc, cua đồng; trong đó, diện tích trồng lúa khoảng 1ha.

“Cuối năm 2023 chúng tôi đã thử nghiệm thành công nuôi cua đồng sinh sản, hiện đã thả cá và cũng vừa cấy máy toàn bộ diện tích lúa. Trước mắt, tôi thấy việc kết hợp nuôi trồng thủy sản và sản xuất lúa phù hợp điều kiện đồng đất ở địa phương, sau nữa đưa mạ khay - máy cấy vào cũng đỡ công lao động và giảm chi phí giống hơn gieo cấy truyền thống”, anh Phương nói. Đồng thời đặt niềm tin, sau 3 tháng nữa mô hình sẽ đem lại lợi nhuận cao cho gia đình.

Chung kỳ vọng, anh Nguyễn Văn Dương ở phường Đại Nài có 3 ha đất (thuê lại của các hộ dân trong phường) tham gia dự án cho rằng, sau thu hoạch, việc đảm bảo thu mua lúa với giá cam kết là vấn đề người dân quan tâm nhất.

Trong tương lai gần, việc thực hiện cơ giới hóa ở các khâu trên 100% diện tích đất trồng lúa của TP Hà Tĩnh sẽ giúp người nông dân thoát cảnh 'bán mặt cho đất, bán lưng cho trời' tỉa dặm, phun thuốc BVTV. Ảnh: Thanh Nga.

Trong tương lai gần, việc thực hiện cơ giới hóa ở các khâu trên 100% diện tích đất trồng lúa của TP Hà Tĩnh sẽ giúp người nông dân thoát cảnh "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" tỉa dặm, phun thuốc BVTV. Ảnh: Thanh Nga.

“Trong quá trình chúng tôi liên kết với HTX luôn có sự đồng hành, giám sát, hỗ trợ của chính quyền thành phố và phường. Hiện nay hợp đồng bao tiêu cũng đã ký kết đầy đủ, HTX Nông nghiệp Đồng Tiến đang tích cực hỗ trợ kỹ thuật về sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, hạn chế phun thuốc BVTV cho chúng tôi nên dân khá an tâm và tin tưởng kết quả thu hoạch sẽ khả quan”, anh Dương bày tỏ.

Ông Nguyễn Bằng Tấn, Giám đốc HTX Nông nghiệp Đồng Tiến cho hay: Để đáp ứng yêu cầu sản xuất của bà con nông dân, HTX đã đầu tư xây dựng hệ thống nhà xưởng, nhà sản xuất mạ; hệ thống khay, dây chuyền sản xuất mạ; hệ thống máy cấy, máy gặt đập liên hợp, máy cuộn rơm và các loại máy móc, phương tiện, thiết bị khác.

Trong vụ xuân năm 2024, HTX chịu trách nhiệm cung ứng cây giống nếp 98 (làm nguyên liệu sản xuất rượu) và giống Hương Cốm 4, Lai Thơm 6 (xây dựng thành thương hiệu gạo chất lượng cao của TP) thông qua dịch vụ mạ khay - cấy máy; vật tư, thuốc BVTV; tập huấn quy trình kỹ thuật, theo dõi, phòng trừ sâu bệnh và tiêu thụ sản phẩm vào cuối vụ.

Xem thêm
Tiêu thụ điện lập kỷ lục mới trong những ngày đầu nghỉ lễ

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), sản lượng tiêu thụ điện ngày cả nước và công suất cực đại hệ thống điện đã đạt kỷ lục mới.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.

Bình luận mới nhất