| Hotline: 0983.970.780

Liên kết phát triển vùng nguyên liệu lúa xuất khẩu

Thứ Ba 16/07/2013 , 10:19 (GMT+7)

Là tỉnh có diện tích và sản lượng lúa đứng đầu cả nước hiện nay, nhưng khâu liên kết SX lúa của Kiên Giang hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, nhất là trong khâu tiêu thụ.

Ruộng đất manh mún, quy trình canh tác mỗi hộ một kiểu, có quá nhiều giống nhưng không có giống nào đột phá, sản lượng làm ra nhiều nhưng chất lượng thấp…

Đó là những tồn tại, yếu kém trong SX lúa ở ĐBSCL đã được hơn 500 đại biểu là nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân mổ xẻ tại Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp với chuyên đề “Phát triển vùng nguyên liệu lúa XK” do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN-PTNT Kiên Giang vừa tổ chức tại TP Rạch Giá.

Vấn đề đặt ra hiện nay là phải liên kết để tạo ra vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao, đáp ứng tốt nhu cầu XK để giải quyết bài toán đầu ra cho nông dân.

Khai mạc diễn đàn, PGS.TS Mai Thành Phụng, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, Việt Nam là nước XK gạo nhiều nhưng lại không có thương hiệu. Doanh nghiệp chưa chú trọng phát triển vùng nguyên liệu. Còn nông dân không nắm được thông tin nên thường chọn giống SX theo cảm tính, sản phẩm làm ra không đáp ứng được nhu cầu thị trường.

“Vì vậy để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển SX, Bộ NN-PTNT đang đẩy mạnh việc tái cấu trúc lại ngành theo hướng chuyển từ số lượng sang chất lượng, từ chiều rộng sang chiều sâu, nâng cao chuỗi giá trị hàng hóa để tăng thu nhập cho nông dân”, ông Phụng phát biểu.

Là tỉnh có diện tích và sản lượng lúa đứng đầu cả nước hiện nay, nhưng khâu liên kết SX lúa của Kiên Giang hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, nhất là trong khâu tiêu thụ.


Liên kết và đẩy mạnh cơ giới hóa trong SX góp phần làm tăng giá trị lúa gạo 
của Việt Nam

Ông Mai Anh Nhịn, GĐ Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, diện tích SX lúa năm 2013 của tỉnh dự kiến đạt 733.000 ha, sản lượng trên 4,4 triệu tấn. Ngành nông nghiệp Kiên Giang đã xây dựng nhiều chương trình hỗ trợ nông dân như cho vay ưu đãi mua máy cơ giới phục vụ SX, xã hội hóa công tác giống, thành lập Tổ kinh tế kỹ thuật phủ kín 100% xã nông nghiệp, tiến tới thành lập Ban nông nghiệp xã. Tỉnh cũng quy hoạch 100.000 ha lúa chất lượng cao phục vụ XK…

Tuy nhiên, khâu liên kết “4 nhà” vẫn chưa thật sự hiệu quả. Năm 2012, toàn tỉnh xây dựng được 22 cánh đồng mẫu lớn (CĐML) với diện tích trên 3.000 ha nhưng chỉ liên kết tốt ở khâu đầu vào (giống, phân bón, thuốc BVTV), còn đầu ra vẫn chưa có DN ký kết hợp đồng tiêu thụ lúa cho nông dân. Mặc dù trên địa bàn tỉnh có gần 10 DN kinh doanh lúa gạo, mỗi năm XK gần 1 triệu tấn gạo.

Theo kết quả của Nhóm nghiên cứu thuộc Viện Kinh tế Việt Nam về “Mô hình liên kiết trong SX và tiêu thụ lúa gạo ở vùng ĐBSCL” thì diện tích SX lúa bình quân của nông dân khu vực này là 1,29 ha/hộ, tuy lớn hơn các vùng khác (chỉ có 0,44 ha) nhưng diện tích này vẫn là nhỏ, gây khó khăn cho cơ giới hóa và các biện pháp canh tác thống nhất ở quy mô lớn nhằm đạt được sự đồng đều của chất lượng nông sản.

Nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, chuỗi giá trị SX lúa truyền thống ở ĐBSCL có quá nhiều thành phần tham gia, lợi nhuận bị phân tán và phân chia không đồng đều. Riêng việc tiêu thụ lúa, phần lớn nông dân đều lệ thuộc vào thương là và “cò” tiêu thụ lúa.

Vì không có tính liên kết chặt chẽ giữa các khâu nên việc kiểm soát chất lượng lúa gạo trở thành bài toán khó. Trên thị thường có quá nhiều giống nhưng việc xử lý lúa gạo sau thu hoạch bị thả nổi đã dẫn đến hệ lụy là chất lượng gạo tiêu thụ nội địa và XK của Việt Nam thấp và không ổn định.

“Điều này cho thấy mấu chốt của vấn đề chất lượng lúa gạo nằm ở khâu liên kết trong chuỗi SX lúa gạo. Muốn phát triển thì trước hết nông dân và DN phải liên kết một cách tích cực, bền vững; SX và tiêu thụ theo hợp đồng liên kết là hình thức tổ chức tiên tiến, là hướng đi đúng để đưa nông nghiệp đến một tầm phát triển cao mới”, nhóm nghiên cứu đề xuất.

Nông dân Nguyễn Thành Phố ở xã Mỹ Hiệp Sơn, Hòn Đất, Kiên Giang nêu thực trạng: “Hiện nay giá lúa rất thấp nhưng nông dân muốn bán cũng rất khó khăn. Các chính sách hỗ trợ như thu mua tạm trữ không mang lại hiệu quả như mong muốn, nông dân vẫn bị thiệt”.

Vấn đề này được ông Nguyễn Thọ Trí, Phó TGĐ TCty Lương thực miền Nam (VINAFOOD II) lý giải: “Thị trường XK lúa gạo đang bị cạnh tranh khốc liệt bởi số nước tham gia XK ngày nhiều, ngược lại nước NK giảm do họ tự túc SX được lương thực dẫn đến nhu cầu giảm.

Các nước nhập khẩu gạo nhiều phần lớn là nước nghèo, tình hình kinh tế khó khăn nên ít nhiều đã ảnh hưởng đến các nguồn viện trợ, nên chưa có tiền để mua… Vì vậy, việc XK gạo của Việt Nam đang gặp khó khăn, gây ảnh hưởng đến quá trình tiêu thụ lúa của nông dân”.

Ông Lê Thanh Sơn, nông dân xã Thạnh Đông B, Tân Hiệp, Kiên Giang thì cho rằng việc triển khai thu mua tạm trữ còn chưa hợp lý về thời điểm, DN tham gia tạm trữ thì bị tồn kho nên không thu mua tiếp cho nông dân dẫn đến giá không tăng.

Theo ông Sơn, mô hình CĐML sẽ góp phần giải quyết những khó khăn cho nông dân nhưng việc triển khai nhân rộng ở các địa phương quá chậm dẫn đến nông dân vẫn phải tự bơi. Vì vậy, nông dân mong muốn các cơ quan quản lý của nhà nước sẽ trở thành cầu nối để liên kết họ với DN, định hướng lại việc phân chia lợi nhuận trong chuỗi SX…

Kết thúc diễn đàn, PGS. TS Mai Thành Phụng khẳng định việc liên kết SX để tạo ra vùng nguyên liệu lúa hàng hóa lớn đáp ứng nhu cầu XK là rất bức thiết. Vì vậy, các địa phương cần đẩy mạnh việc phát triển CĐML, tạo sự liên kết “4 nhà” thật sự hiệu quả, bền vững.

Định hướng cho nông dân SX theo nhu cầu thị trường, nâng cao chất lượng lúa gạo bằng các giống đặc sản, quy trình SX hữu cơ…

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Xuất khẩu lô thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo

BẮC NINH Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ sinh học Visakan, thuộc Hùng Nhơn Group vừa tổ chức Lễ xuất khẩu lô hàng thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.