| Hotline: 0983.970.780

Liên kết sản xuất cây ăn quả

Thứ Ba 25/02/2014 , 11:02 (GMT+7)

Mặc dù có quỹ đất khá lớn để phát triển cây ăn quả đặc sản, mang lại giá trị kinh tế cao, song thống kê cho thấy, Thanh Hóa mới chỉ trồng được hơn 14.000 ha cây truyền thống...

Mặc dù có quỹ đất khá lớn để phát triển cây ăn quả đặc sản, mang lại giá trị kinh tế cao, song thống kê cho thấy, Thanh Hóa mới chỉ trồng được hơn 14.000 ha cây truyền thống như dứa, cam, xoài, nhãn, chuối… Trong đó, diện tích dứa giảm mạnh từ 3.789 ha (2005) xuống 1.910 ha (2011) do thị trường tiêu thụ không ổn định.

Để phát huy hết tiềm năng đất đai, tỉnh Thanh Hóa đã giao cho Hội Làm vườn & trang trại của tỉnh xây dựng một số mô hình trồng cây ăn quả mới như bưởi da xanh, bưởi Diễn, thanh long ruột đỏ... để nhân ra diện rộng. Đồng thời, tổ chức các buổi tạo đàm liên kết SX cây ăn quả với các chuyên gia khu vực phía Nam, nhằm từng bước hình thành các vùng cây ăn quả tập trung, áp dụng tiến bộ kỹ thuật kết hợp các loài cây đặc sản.


Mở rộng diện tích trồng bưởi là định hướng phát triển hàng đầu của SX cây ăn quả ở Thanh Hóa

Ông Lê Xuân Len, Chủ tịch Hội Làm vườn & trang trại Thanh Hóa cho biết, toàn tỉnh có khoảng 20.000 ha đất phù hợp phát triển cây ăn quả. Trong đó, tập trung nhiều ở các huyện Như Xuân, Như Thanh, Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Thạch Thành, Thọ Xuân, Yên Định, Hà Trung, Tĩnh Gia, Nga Sơn… Việc liên kết với doanh nghiệp và các chuyên gia miền Nam để đưa các giống cây ăn quả mới, đặc sản vào SX là rất cần thiết.

Theo phân tích của ông Len, từ nay đến năm 2020, Thanh Hóa chủ yếu tập trung phát triển cây cam, nhãn, vải, chuối, dứa và một số cây ăn quả khác. Tuy nhiên những cây trồng trên hầu hết là cây truyền thống, chất lượng và sản lượng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Vì thế, vừa qua Hội phối hợp với Cty CP Công nông nghiệp Tiến Nông đã mời các chuyên gia chuyên về cây ăn quả ở miền Nam ra cùng phối hợp với các hộ dân định hướng phát triển trong thời gian tới.

Một chuyên gia đến từ huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang chia sẻ: “Qua một vài mô hình trồng thí điểm cho kết quả khá tốt, tôi nghĩ bưởi da xanh có thể trở thành cây trồng chủ lực ở Thanh Hóa. Sắp tới đây nếu hộ dân nào muốn phát triển loại cây này tôi sẵn sàng cung ứng giống và ra Thanh Hóa để hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật”.

Cũng theo chuyên gia này, việc trồng bưởi da xanh thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào việc lựa chọn giống. Bên cạnh đó, kỹ thuật chăm sóc cũng phải tuân thủ theo quy trình kỹ thuật từ chọn đất, trồng, chăm sóc, bao chụp chùm hoa…

Ngoài du nhập, phát triển các loài cây ăn quả mới từ miền Nam, Thanh Hóa cũng đã và đang tập trung liên kết từ SX đến bao tiêu sản phẩm bưởi Diễn. Nông dân Đỗ Công Bưu, xã Yên Ninh, huyện Yên Định nhận định: “Việc phát triển, nhân rộng diện tích trồng bưởi Diễn ở Yên Ninh nói riêng, Yên Định nói chung là rất phù hợp bởi loài cây đặc sản này có thị trường tiêu thụ rất ổn định sẽ góp phần giúp nông dân chúng tôi thoát nghèo, vươn lên làm giàu nhanh chóng”.

Gia đình ông Bưu có 2 sào bưởi Diễn với hơn 60 gốc, được trồng từ năm 1993. Quá trình theo dõi cho thấy đây là loại cây phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng ở xã Yên Ninh. Bình quân mỗi cây cho thu hoạch 80 quả, trọng lượng 1,2 kg (quả lớn nhất 1,5 kg).

“1 sào bưởi đầu tư hết khoảng 4 - 5 triệu đồng, đến kỳ thu hoạch thương lái từ Hà Nội về mua tại vườn với giá 35.000 đ/quả. Tính sơ sơ thì tổng thu nhập cũng đạt trên dưới 40 triệu đồng/sào, cao gấp hàng chục lần trồng các cây trồng khác”, ông Bưu chia sẻ. Được biết, xã Yên Ninh hiện có khoảng 20 hộ dân trồng bưởi Diễn, trong đó có 10 hộ trồng với số lượng lớn, một số hộ thu nhập hàng tỷ đồng/năm từ loại cây ăn quả này.

Tại buổi tọa đàm liên kết SX cây ăn quả được tổ chức gần đây, ý kiến của hầu hết các địa phương và nông dân đều mong muốn Thanh Hóa sẽ sớm chủ động được các sản phẩm cây ăn quả đặc sản như thanh long ruột đỏ, bưởi da xanh, nhãn chín muộn, bưởi Diễn, mít Thái, chuối tiêu hồng… phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Ông Nguyễn Hồng Phong, TGĐ Cty CP Công nông nghiệp Tiến Nông:

Để SX cây ăn quả trở thành cây mũi nhọn ở Thanh Hóa thì Nhà nước và doanh nghiệp phải cùng vào cuộc làm "bà đỡ" cho nông dân. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ bà con cải tạo vườn tạp; xây dựng quy hoạch và quy trình cho từng cây ở từng vùng. Còn doanh nghiệp sẽ hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho sản phẩm và khâu chế biến sau thu hoạch.

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Áp dụng IPHM, 5 sào bưởi cho lợi nhuận tăng thêm hơn 16 triệu đồng

Khánh Hòa Không chỉ giảm chi phí vật tư đầu vào, áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây bưởi còn giúp nông dân tăng lợi nhuận và chất lượng sản phẩm.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.