| Hotline: 0983.970.780

Liên kết sản xuất hồ tiêu hữu cơ

Thứ Tư 29/03/2017 , 14:10 (GMT+7)

Tại xã Nhân Cơ, huyện Đăk R’lấp, tỉnh Đăk Nông, HTX Hồ tiêu hữu cơ Đồng Thuận đang liên kết với các hộ dân sản xuất hồ tiêu sạch theo tiêu chuẩn quốc tế.

Thay vì sử dụng phân, thuốc hóa học, bà con chỉ sử dụng phân chuồng, phân hữu cơ nên giảm đáng kể lượng chi phí sản xuất...

Liên kết sản xuất hồ tiêu hữu cơ đang là hướng đi đúng đắn của HTX Đồng Thuận

Ông Đặng Tấn Huynh, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Hồ tiêu hữu cơ Đồng Thuận chia sẻ, đa số thành viên trong HTX của ông vốn là những nông dân sản xuất hồ tiêu giỏi trong vùng, năng suất luôn đạt trên 8 tấn/ha, thậm chí có hộ đạt 12 tấn/ha.

Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ép năng suất, ông và xã viên sớm nhận ra là nếu không chấn chỉnh lại quy trình sản xuất thì vườn tiêu sớm muộn cũng nhiễm bệnh rồi chết hàng loạt. Bởi vậy, sau một thời gian vận động, ông Huynh cùng 11 nông dân trong thôn sản xuất hồ tiêu hữu cơ, với mong muốn nâng cao giá trị sản phẩm và hướng đến sản xuất bền vững.

HTX Hồ tiêu hữu cơ Đồng Thuận được thành lập chính thức đầu tháng 9/2016 với 11 thành viên. Ngay từ đầu, HTX đã khoanh vùng 50ha liền kề nhau của các hộ thành viên để tạo thành một vùng nguyên liệu. Những thành viên phải tuân thủ nghiêm ngặt sự chỉ đạo của Hội đồng quản trị, sự hướng dẫn của bộ phận kỹ thuật và sự giám sát chặt chẽ của ban kiểm soát môi trường của HTX.

HTX khuyến khích các hộ bảo tồn giống hồ tiêu của địa phương thông qua các mô hình vườn ươm và chăm sóc theo tiêu chuẩn sản xuất bền vững. Xã viên phải đáp ứng các tiêu chí chất lượng, thực hành nông nghiệp tốt, thân thiện môi trường; quy trình chăm sóc, thu hoạch cà phê tuân thủ nghiêm ngặt theo chương trình sản xuất hữu cơ, được chứng nhận theo tiêu chuẩn GlobaGAP.

Anh Đào Duy Hải, GĐ HTX Hồ tiêu hữu cơ Đồng Thuận cho hay, việc sản xuất hồ tiêu tiêu theo hướng hữu cơ không thể cho năng suất cao như trước. Tuy nhiên đổi lại, cây rất ít bệnh, năng suất được giữ mức ổn định, trung bình đạt từ 3 - 4 tấn, chăm sóc tốt đạt từ 5 tấn trở lên. Khi thu hoạch, tỷ lệ trái chín chiếm trên 70% và được phơi, sấy, đóng bao bì bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Các thành viên còn được công ty thu mua với giá cao hơn thị trường từ 10.000 - 15.000 đồng/kg.

Theo anh Hải, trước khi thành lập HTX, anh cùng một số xã viên đã có hơn 7 năm sản xuất tiêu theo hướng hữu cơ. “Nhiều năm nay, tôi không lạm dụng phân bón hóa học và thuốc BVTV để chăm sóc vườn tiêu nữa mà chủ yếu sử dụng chế phẩm sinh học của các viện nghiên cứu, giúp phòng trừ tuyến trùng, nấm bệnh hại rễ. Cũng từ khi sản xuất theo hướng hữu cơ, nguồn nước giếng không còn bị ô nhiễm như trước đây. Tỷ lệ cây bị chết trong vườn chỉ còn từ 3 - 5%, giảm 20% so với bón phân hóa học, chi phí thấp hơn từ 30 - 50% tùy từng loại...”.

Các thành viên của HTX Hồ tiêu hữu cơ Đồng Thuận từ khi tham gia trồng tiêu theo hướng hữu cơ đã thu được hiệu quả cao. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất của HTX là việc tìm đầu ra tương xứng với chất lượng sản phẩm.

Theo ông Huynh, cách làm của HTX có phần khác lạ. Thay vì tìm được khách hàng thì nông dân mới bắt tay vào sản xuất thì HTX lại sản xuất, xây dựng thương hiệu rồi mới tìm khách hàng. Bởi đây là xu hướng sản xuất tất yếu, không thể chậm trễ kéo dài thêm. Hiện sản phẩm của HTX đã được một số các công ty thu mua và xuất khẩu, còn nội địa khó tiêu thụ hoặc tiêu thụ được nhưng bằng giá với tiêu được trồng theo quy trình thông thường.

“Mình sản xuất ra sản phẩm tốt nhưng khó quá, vì nếu bán với giá như tiêu thường, tiêu bẩn được bán lẫn lộn trên thị trường thì không hiệu quả. Việt Nam cũng chưa có một bộ chứng nhận cho các sản phẩm hữu cơ, nên vẫn có sự nhập nhằng. Sản phẩm tiêu hữu cơ của tôi được một số công ty thu mua và xuất khẩu sang nước ngoài dưới thương hiệu và nhãn mác của công ty. Để người nông dân tự mình lấy được chứng chỉ của nước ngoài tốn kém và không thể thực hiện được”, ông Huynh chia sẻ.

* Bạn đọc có quan tâm, liên hệ HTX Hồ tiêu hữu cơ Đồng Thuận. Địa chỉ: Thôn 6, xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’Lấp, Đắk Nông; điện thoại: 0932.748.100

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.