| Hotline: 0983.970.780

Liên kết sản xuất rau VietGAP, yên tâm đầu ra

Thứ Sáu 24/11/2023 , 07:04 (GMT+7)

BÀ RỊA - VŨNG TÀU Nhiều hợp tác xã ở Bà Rịa - Vũng Tàu liên kết với doanh nghiệp sản xuất rau VietGAP gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị, mở ra hướng phát triển bền vững.

Liên kết sản xuất rau VietGAP, yên tâm đầu ra

Từ sáng sớm, những nông dân trồng rau trên địa bàn xã Châu Pha, thị xã Phú Mỹ và xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã hào hứng vận chuyển những thùng rau tươi đạt chuẩn VietGAP đến lễ thành lập hai HTX Châu Pha và Nghĩa Thành; đồng thời chứng kiến ra mắt trang website thương mại điện tử nhằm quảng bá thương hiệu sản phẩm.

Các đoàn khách tham quan mô hình trồng rau trong nhà kính đạt chuẩn VietGAP của HTX Sản xuất nông nghiệp và Dịch vụ Châu Pha. Ảnh: Minh Sáng.

Các đoàn khách tham quan mô hình trồng rau trong nhà kính đạt chuẩn VietGAP của HTX Sản xuất nông nghiệp và Dịch vụ Châu Pha. Ảnh: Minh Sáng.

Anh Nguyễn Viết Tự, Giám đốc HTX Sản xuất nông nghiệp và Dịch vụ Châu Pha (xã Châu Pha, thị xã Phú Mỹ) vui vẻ chia sẻ: “Trước đây bà con nông dân trên địa bàn xã trồng rau phải tự tìm đầu ra nhưng rất bấp bênh, cứ vụ được vụ thất. Tuy nhiên đến nay, khi tham gia vào HTX, liên kết cùng nhau trồng rau theo quy trình VietGAP thì ai cũng yên tâm sản xuất vì các sản phẩm rau đều được HTX bao tiêu toàn bộ để cung ứng cho các doanh nghiệp thu mua”.

Theo anh Tự, HTX hiện có 15 thành viên, với 20ha rau trồng trong nhà lưới, trong đó có 5ha trồng theo quy trình VietGAP. Tổng sản lượng rau sản xuất hàng năm của HTX khoảng 1.600 tấn. HTX sản xuất rất đa dạng các loại rau như bầu, bí, dưa leo, khổ qua, cải xanh, cải ngọt, cải ngồng, cải nhúng, rau dền, mồng tơi… HTX đang liên kết với các đầu mối để tiêu thụ sản phẩm rau và cung cấp tới tận bàn ăn cho các gia đình. Sắp tới, HTX sẽ mở rộng thêm quy mô sản xuất và tập trung trồng rau theo tiêu chuẩn hữu cơ khép kín.   

Ông Nguyễn Trọng Ngọc ở thôn Bàu Phượng (xã Châu Pha) phấn khởi cho biết, gia đình ông canh tác gần 4.000m2 rau ăn lá, trong đó có 2.000m2 nhà màng áp dụng quy trình VietGAP. Mỗi năm, gia đình ông trồng 8 vụ rau, chủ yếu là cải xanh, năng suất đạt khoảng 2,5 tấn/1.000m2, đầu ra ổn định nhờ được HTX bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá cao, ổn định. Sau khi trừ chi phí, gia đình ông Ngọc thu nhập khoảng 20 triệu đồng/tháng.

Các HTX tham gia dự án đã liên kết được với các đầu mối để tiêu thụ sản phẩm rau. Ảnh: Minh Sáng.

Các HTX tham gia dự án đã liên kết được với các đầu mối để tiêu thụ sản phẩm rau. Ảnh: Minh Sáng.

Anh Phạm Đông Huy, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp - Dịch vụ - Thương mại Nghĩa Thành (huyện Châu Đức) cho biết, HTX hiện có 29 thành viên, với tổng diện tích 16ha rau ăn lá và rau ăn quả, cho sản lượng khoảng 2 tấn rau tươi/tháng.

“Trước kia khi HTX chưa áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên chất lượng và năng suất rất hạn chế, giá bán cũng khá thấp. Tuy nhiên đến nay, nhờ sản xuất theo quy trình bài bản nên sản lượng đã tăng từ 20 đến 30%. Sắp tới, HTX sẽ mở rộng liên kết với nhiều kênh tiêu thụ để mở rộng quy mô sản xuất cho các thành viên HTX”, anh Huy nói.

Theo anh Huy, sau khi áp dụng trồng rau theo quy trình VietGAP, đầu ra cho các sản phẩm rau của bà con đã được mở rộng. Hiện HTX đang hợp tác với các chuỗi siêu thị vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh để tiêu thụ hết rau cho bà con.    

Hỗ trợ duy trì chuỗi giá trị bền vững

Những năm qua, nhiều đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và công nghệ đã được các viện, trường, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu triển khai và được chuyển giao, ứng dụng hiệu quả ra sản xuất.

Điển hình là dự án “Xây dựng mô hình chuỗi giá trị rau đạt chuẩn VietGAP tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu” do Phân hiệu Trường Đại học Lâm nghiệp tại tỉnh Đồng Nai phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu - Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp (Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam) thực hiện.

TS Mai Hải Châu, Phó Giám đốc Phân hiệu Trường Đại học Lâm nghiệp tại tỉnh Đồng Nai - Chủ nhiệm Dự án cho biết, đây là dự án trọng điểm được thực hiện từ năm 2022, thu hút được hàng trăm hộ dân tham gia. Dự án đã hỗ trợ đầu tư, trang bị máy móc, thiết bị cho việc sơ chế, đóng gói, bảo quản sản phẩm rau đạt chuẩn VietGAP, đồng thời xây dựng được quy trình sản xuất cho 6 loại rau đạt chuẩn VietGAP.

Dự án đã thu hút được hàng trăm hộ dân tham gia và được trang bị máy móc, thiết bị cho việc sơ chế, đóng gói, bảo quản đạt tiêu chuẩn VietGAP cho các HTX. Ảnh: Minh Sáng.

Dự án đã thu hút được hàng trăm hộ dân tham gia và được trang bị máy móc, thiết bị cho việc sơ chế, đóng gói, bảo quản đạt tiêu chuẩn VietGAP cho các HTX. Ảnh: Minh Sáng.

Ông Ngô Xuân Chinh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu - Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp (Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam) cho biết: Hiện các đơn vị triển khai Dự án đang phối hợp hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật cho người dân trên địa bàn huyện Châu Đức và thị xã Phú Mỹ tham gia Dự án, giới thiệu vào chuỗi giá trị trong tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đồng thời hướng tới phân phối sản phẩm rau an toàn vào những thị trường cao cấp.

Theo ông Chinh, khi kết thúc dự án này, với nguồn kinh phí tài trợ của Câu lạc bộ Đổi mới Sáng tạo do Đại sứ quán Úc tài trợ, các bên sẽ tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật canh tác rau theo quy trình để người dân duy trì được chất lượng sản phẩm đạt chuẩn VietGAP. Đến nay, dự án đã thực hiện được ¾ nội dung và đã đánh giá được toàn bộ các điều kiện đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP, đồng thời thành lập mới được 2 HTX với hàng trăm hộ dân tham gia dự án…

Tham gia Dự án, các hộ trồng rau của HTX Sản xuất nông nghiệp và Dịch vụ Châu Pha (xã Châu Pha, thị xã Phú Mỹ) và HTX Nông nghiệp – Dịch vụ - Thương mại Nghĩa Thành (huyện Châu Đức) được tập huấn về kỹ thuật, quy trình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.

Sau khi áp dụng quy trình VietGAP, các mô hình sản xuất rau của hai HTX đã tăng năng suất từ 10 - 15% và hiệu quả kinh tế tăng 10% so với không áp dụng VietGAP, đồng thời được các doanh nghiệp ký kết bao tiêu sản phẩm với giá cao, ổn định cho các nông hộ tham gia dự án.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Xuất khẩu lô thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo

BẮC NINH Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ sinh học Visakan, thuộc Hùng Nhơn Group vừa tổ chức Lễ xuất khẩu lô hàng thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo.

Năng suất sắn tăng 30 - 50% nhờ tưới tiết kiệm

Tại Tây Ninh, áp dụng tưới tiết kiệm đã giúp cây sắn tăng năng suất từ 30 - 50% (đạt 40 - 50 tấn/ha), giảm 40% lượng nước tưới so với tưới tràn.