Trong khi nhiều vùng sản xuất rau đang gặp khó khăn về đầu ra thì tại các hộ sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP của HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Đắk Ha luôn được tiêu thụ hết ngay tại đồng ruộng.
Giá bán gấp đôi nhờ sản xuất theo hướng hữu cơ
HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Đắk Ha (xã Đắk Ha, huyện Đắk G’long, Đắk Nông) được thành lập từ tháng 4/2021. Hiện nay, HTX có 13 thành viên chính, 25 hộ sản xuất và 25 hộ liên kết với vùng nguyên liệu rộng hơn 70ha. HTX đang sản xuất nhãn hương chi, sầu riêng, cà tím, bí đỏ, bắp cải, củ cải…
Mỗi tháng, HTX đưa ra thị trường từ 150 - 170 tấn rau, củ, quả các loại. Toàn bộ sản phẩm đều được ký kết cung ứng cho nhiều đối tác trong, ngoài tỉnh. Trong đó, gần 30% sản lượng rau, củ, quả của HTX đã được bán vào hệ thống SaigonCo.op với giá cao gấp đôi so với thị trường. Các sản phẩm rau, củ quả còn lại của HTX đã liên kết được 15 tiểu thương ở 3 chợ đầu mối tại TP.HCM để tiêu thụ.
Có được thành công trên là bởi HTX đã quy hoạch và triển khai sản xuất nông nghiệp bài bản theo chuỗi khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ.
Gia đình bà Vũ Thị Nhung (ngụ thôn 3, xã Đắk Ha) là một trong những xã viên được HTX hướng dẫn trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP. Trong quá trình sản xuất, gia đình bà luôn tuân thủ chặt chẽ các quy trình canh tác. Theo bà Nhung, toàn bộ diện tích cây trồng của gia đình đều không sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng.
“Khi tham gia HTX, gia đình được hỗ trợ nhập giống từ Đà Lạt, các kỹ sư hướng dẫn cách canh tác theo quy trình theo hướng hữu cơ. Các xã viên chỉ sử dụng phân hữu cơ đã được ủ hoai mục, không sử dụng phân trước khi thu hoạch. Từ khi tham gia HTX, 2 năm nay, gia đình tăng được lợi nhuận, mua được đất, trả được hết nợ”, bà Nhung phấn khởi chia sẻ.
Để trồng rau theo hướng hữu cơ theo tiêu chuẩn VietGAP được thuận lợi, HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Đắk Ha đã chọn khu vực sản xuất có vùng đệm cách xa khu dân cư và quốc lộ. HTX Đắk Ha tiến hành xây dựng hệ thống quản lý chất lượng VietGAP và phân công rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của từng thành viên theo dõi, giám sát ở từng khu vực cây trồng khác nhau.
Trong đó, tất cả các thành viên của HTX phải thực hiện quy trình sản xuất tuân thủ nghiêm ngặt từ làm đất, chọn giống, chăm sóc. Đối với khâu thu hoạch, bảo quản, đều phải tuân thủ theo quy trình và được giám sát chặt chẽ về chất lượng.
Bà Tiều Thị Ghi (thành viên HTX) cho biết, các giống rau được nhập từ Đà Lạt về phù hợp với khí hậu cũng như thổ nhưỡng ở đây. Các sản phẩm canh tác theo hướng hữu cơ nên được khách hàng phản hồi tích cực. Từ đó, sản phẩm của HTX luôn được thu mua với giá cao hơn thị trường.
Tuy nhiên, theo bà Ghi, HTX cũng còn khó khăn về pháp lý đất canh tác, đường giao thông. Ngoài ra, xung quanh HTX bà con chưa nhận thức được nhiều về lợi ích của việc sản xuất nông nghiệp sạch nên cũng phần nào ảnh hưởng đến các hộ dân.
Hướng đến xây dựng vùng nguyên liệu lớn
Ông Đặng Ngọc Hương, Giám đốc HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Đắk Ha cho biết, đơn vị đang hợp tác với một doanh nghiệp ở Đà Lạt để trồng các loại rau của địa phương này theo quy trình VietGAP.
Dự kiến thời gian tới, đơn vị sẽ sản xuất, đưa vào các siêu thị 3.000 tấn rau các loại theo tiêu chuẩn VietGAP. Theo ông Hướng, định hướng của HTX sẽ tiếp tục chú trọng sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, tạo ra vùng nguyên liệu lớn về rau, củ, quả đạt tiêu chuẩn VietGAP để cung cấp cho thị trường như siêu thị, chợ đầu mối ở các tỉnh, thành phố lớn…
Đến nay, HTX đã tạo việc làm cho 20 lao động thường xuyên với thu nhập 7 - 8 triệu đồng/người/tháng, mang lại doanh thu hàng tỷ đồng/năm.
“Trong khi sản xuất rau, củ, quả theo hướng VietGAP còn nhiều khó khăn, vất vả thì việc đưa sản phẩm tiếp cận với kênh phân phối hiện đại sẽ giúp rau, củ, quả của các xã viên của HTX có đầu ra ổn định và giá thành tốt hơn.
Việc này cũng sẽ góp phần khích lệ và giúp bà con yên tâm sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn nhằm bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng và ngay chính bản thân người sản xuất”, ông Hương thông tin.
Vị giám đốc cho biết thêm, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP sẽ là hướng đi giúp người dân khai thác hiệu quả hơn nữa tiềm năng, thế mạnh của địa phương để tạo ra các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa giá trị cao, góp phần thúc đẩy kinh tế trên địa bàn có những bước phát triển mới.
Tuy nhiên, hiện nay HTX cũng gặp khó khăn lớn trong việc thay đổi nhận thức của người dân từ sản xuất truyền thống sang canh tác VietGAP. Ngoài ra, HTX cũng gặp khó khăn trong viêc tuyên truyền cho người dân hướng tới phát triển kinh tế tập thể.
Đất tại xã Đắk Ha đa số là đất lâm trường trả về cho địa phương quản lý nên chưa quy hoạch được mã vùng trồng, chỉ số địa lý. “Nếu giải quyết được những vấn đề trên, chúng tôi tin tưởng HTX sẽ hình thành được vùng nguyên liệu rau theo tiêu chuẩn VietGAP rộng lớn. Từ đó từng bước khẳng định chất lượng rau của tỉnh nhà”, ông Hương nói thêm.