| Hotline: 0983.970.780

Thay đổi tập quán canh tác lạc hậu nhờ liên kết

Thứ Năm 30/03/2023 , 21:10 (GMT+7)

Nhờ liên kết với doanh nghiệp trồng các loại rau theo quy trình VietGAP, những người dân nơi đây đã thay đổi cách canh tác cũ, lạc hậu, kém hiệu quả.

Không chỉ thế, mô hình còn góp phần tăng thu nhập, giúp người dân sản xuất an toàn, hiệu quả. Đó là mô hình HTX Nông Nghiệp - Dược Liệu - Dịch vụ thương mại Thịnh Phát, xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, Đắk Nông.

Nói về việc thành lập HTX, bà Nguyễn Thị Toản, Giám đốc HTX Thịnh Phát cho biết: “Là người tiếp xúc nhiều với bà con vùng này, đa số là đồng bào thiểu số, tôi thấy họ có nhiều tâm tư, nguyện vọng muốn canh tác nông nghiệp bền vững, an toàn, sản phẩm có đầu ra ổn định, nên sau khi trao đổi với họ, tôi quyết định thành lập HTX để hỗ trợ nhau cùng làm ăn, phát triển kinh tế.

Vườn cải bắp VietGAP của anh Đỗ Hoàng Hà. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Vườn cải bắp VietGAP của anh Đỗ Hoàng Hà. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Nhận thấy vùng Quảng Sơn có thời tiết, thổ nhưỡng khá phù hợp để phát triển nhiều cây dược liệu, bà Toản cùng các thành viên mạnh dạn chuyển hướng phát triển thêm cây dược liệu bên cạnh các cây trồng khác. Vì vậy, hiện nay HTX Thịnh Phát đang trồng một số cây dược liệu quý, mang lại giá trị cao như nghệ bọ cạp, sâm đương quy, sâm bố chính, đinh lăng…với diện tích khoảng 30 ha.

Đến năm 2022, trước tình hình người dân vẫn canh tác truyền thống, sản phẩm đầu ra không ổn định, thiếu an toàn, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Nông đã hỗ trợ HTX xây dựng mô hình sản xuất rau cải thảo theo tiêu chuẩn VietGAP và liên kết đầu ra trên quy mô ban đầu 18ha, với 36 hộ tham gia. Kinh phí thực hiện chương trình hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh khoảng 471 triệu đồng. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ hơn 356,9 triệu đồng, bao gồm các khoản vật tư nông nghiệp hơn 266 triệu đồng, chứng nhận VietGAP 90 triệu đồng. Phần còn lại hơn 114 triệu đồng người dân đối ứng.

Anh Hà (phải) cho biết, nếu rau đẹp như thế này, 1ha có thể đạt sản lượng 70 tấn, lời khoảng 300 triệu. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Anh Hà (phải) cho biết, nếu rau đẹp như thế này, 1ha có thể đạt sản lượng 70 tấn, lời khoảng 300 triệu. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Nông, mô hình đạt các chỉ tiêu về kỹ thuật. Trong đó, tỷ lệ sản phẩm đồng đều đạt trên 90%; trọng lượng cải thảo trung bình 700gram/cây. Tỷ lệ cải thảo loại 1 đạt 70%, loại 2 là 30%; năng suất trung bình hơn 25 tấn/ha/vụ. Với giá bán 7.000đ/kg, trừ chi phí, nông hộ có lợi nhuận hơn 61 triệu đồng/ha/vụ.

Chúng tôi đến thôn 1B, xã Quảng Sơn, nơi có vườn bắp cải 35 ngày tuổi, anh Đỗ Hoàng Hà, 50 tuổi, thành viên ban lãnh đạo HTX Thịnh Phát, chủ vườn rau cho biết, vườn bắp cải mềm (cải sú mềm) này chăm khoảng 20 này nữa là thu hoạch. Toàn bộ sản phẩm được công ty CJ food Việt Nam - Chi nhánh Long An và công ty Vietfarm ký kết bao tiêu với giá ổn định. Sản phẩm sau đó được xuất sang Hàn Quốc làm kim chi.

“HTX thành lập từ năm 2019, đến nay đã có hơn 200 thành viên. Trong đó, mảng trồng rau xanh ban đầu có 36 thành viên với diện tích 18ha, nay tăng lên khoảng 70ha rồi. Trong số các hộ trồng rau, tôi có diện tích nhiều nhất, tới 20ha, trồng 12 loại rau như cải bắp, cà rốt, cà tím, cà chua, bí ngòi, bí non Thái… tất cả đều theo quy trình VietGAP (đã có chứng nhận) và đều được bao tiêu. Còn các hộ khác, bình quân mỗi hộ vài ha, nhà nào ít nhất cũng 1ha”, anh Hà nói.

Ông Hồ Gấm (giữa), Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Đắk Nông: Mô hình góp phần thay đổi mạnh mẽ nhận thức canh tác lạc hậu của bà con. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Ông Hồ Gấm (giữa), Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Đắk Nông: Mô hình góp phần thay đổi mạnh mẽ nhận thức canh tác lạc hậu của bà con. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Trả lời câu hỏi về nguồn giống các loại rau, anh Hà cho biết: “Công ty Vietfarm họ tự ươm giống sẵn rồi bán cho mình với giá rẻ, ví dụ cây bắp cải mềm họ bán từ 170-200 đồng/cây. Ngoài ra, họ còn cung cấp chế phẩm cho mình, cử cán bộ đến tư vấn hướng dẫn kỹ thuật cho mình luôn. Còn công ty CJ food Việt Nam thì họ lại không cung cấp cây giống cho mình, nhưng yêu cầu mình phải trồng đúng cây họ yêu cầu. Còn kỹ thuật thì họ nhờ khuyến nông tỉnh đến tư vấn cho mình”.

Anh Hà cho biết, mô hình trồng rau cho thu nhập khá. Chu kỳ của rau khoảng 2 tháng, bình quân mỗi ha sau khi trừ chi phí còn lời khoảng 50 triệu đồng, một năm có thể trồng được 4 vụ. “Nếu bắp cải đẹp như ô ruộng này thì sản lượng có thể đạt 70 tấn/1ha. Với giá 6 ngàn đồng/kg thì doanh thu đạt 420 triệu, trừ chi phí khoảng hơn 100 triệu. Nhưng không phải lúc nào cũng đạt như thế này, nhất là vào mùa mưa, sâu bệnh nhiều hơn nên rau không thể đẹp thế này. Nên bù trừ qua lại, tôi tính bình quân mỗi ha thu lời 50 triệu đồng thôi. Như vậy mỗi năm cũng thu khoảng 200 triệu/1ha. Mức thu nhập này cao hơn cà phê, tiêu, cao hơn trồng lúa nhiều lần”, anh Hà nói.

Thời điểm chúng tôi tham quan mô hình rau VietGAp của HTX Thịnh Phát, ở Quảng Sơn đang “ế” một lượng lớn củ cải của nhiều hộ trồng không liên kết, không theo quy trình. Nên nhiều ruộng củ cải đến tuổi nhưng không ai thu hoạch. Vì thế, việc liên kết bao tiêu đầu ra luôn là yếu tố quan trọng hàng đầu trước khi làm.

Anh Đỗ Hoàng Hà cho biết, mô hình rau cho thu nhập cao hơn nhiều lần so với cà phê, tiêu, lúa. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Anh Đỗ Hoàng Hà cho biết, mô hình rau cho thu nhập cao hơn nhiều lần so với cà phê, tiêu, lúa. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Anh Hà cho biết, liên kết với doanh nghiệp giá bán không cao, nhưng ổn định, không lo thị trường. “Ngoài thị trường nhiều khi giá lên đến 18-20 ngàn đồng/kg, nhưng cũng có khi giá 1 ngàn đồng/kg mà không có người mua. Trong khi bao tiêu thì giá thấp hơn, sản phẩm phải sạch, đều, đúng quy cách. Nhưng tính ra thì được bao tiêu vẫn tốt hơn, an toàn, ổn định. Không chỉ ổn định đầu ra, mà khi tham gia liên kết, mình còn phải tuân thủ quy trình canh tác đúng, rồi nắm bắt thêm nhiều kiến thức về khoa học kỹ thuật nữa.

Trước đây khi chưa tham gia mô hình, người dân trồng rau phun thuốc có khi chưa hết thời gian cách ly đã thu hoạch mang đi bán. Nhưng bây giờ mọi người phải tuân theo quy trình, chỉ sử dụng những chế phẩm sinh học và bán sinh học an toàn. Từ khi tham gia HTX, các thành viên đều thu nhập cao hơn, ổn định hơn, nên diện tích ngày càng tăng”, anh nói tiếp.

“Ngày xưa đến mấy vườn rau kiểu này là nồng nặc mùi thuốc trừ sâu, luộc lên ăn không nổi. Còn bây giờ có thể nhổ lên ăn ngay tại ruộng cũng được. Những mô hình như thế này từng bước tác động làm thay đổi tập quán sản xuất của người dân, từ phương pháp truyền thống, hiệu quả kinh tế thấp sang áp dụng các biện pháp kỹ thuật đạt hiệu quả cao hơn, có tính thuyết phục, đủ điều kiện để phổ biến nhân rộng”, ông Hồ Gấm, Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Đắk Nông.

Xem thêm
Màu đỏ may mắn của giống gà Mía số 1

Trong lịch sử mảng gà lông màu tại Việt Nam, chưa khi nào gam màu xám dài đến vậy, người chăn nuôi hy vọng, thất vọng rồi hy vọng và lại thất vọng...

Còn 400 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, Bình Định lên lộ trình nâng cấp

Ngành chức năng Bình Định yêu cầu các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ phải đảm bảo vệ sinh thú y để cung cấp nguồn thịt sạch cho thị trường ngày Tết.

Nhức nhối tình trạng gian lận mã số vùng trồng trái cây xuất khẩu

TIỀN GIANG Đó là một trong nhiều vấn đề được nêu ra tại buổi làm việc của Bộ NN-PTNT với UBND tỉnh Tiền Giang 7/1/2025.

Triển vọng kinh tế xanh từ phế phụ phẩm ngành sắn

TÂY NINH Tây Ninh là thủ phủ cây sắn của cả nước, các phế phụ phẩm ngành sắn đang được địa phương này tận dụng triệt để, hướng tới kinh tế xanh và tuần hoàn, bền vững.