| Hotline: 0983.970.780

Liên kết, xuất khẩu bền vững trái cây Việt

Thứ Năm 20/06/2019 , 14:04 (GMT+7)

Xuất khẩu (XK) rau quả liên tục tăng trưởng mạnh khi đạt đến 3,8 tỷ USD (năm 2018) và phấn đấu lên mức 4,5 tỷ USD vào năm 2020.

Trái xoài ở ĐBSCL vừa được xuất vào thị trường Hoa Kỳ. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.


Thâm nhập thị trường khó tính

Là địa phương có thế mạnh về cây ăn trái, nhiều năm qua tỉnh Đồng Tháp chú trọng phát triển vùng sản xuất cây ăn trái tập trung và xây dựng vườn cây kiểu mẫu. Theo đó, hình thành vùng sản xuất xoài thuộc huyện Cao Lãnh và TP. Cao Lãnh, vùng chuyên canh quýt hồng và quýt đường ở huyện Lai Vung, vùng chuyên canh nhãn XK ở huyện Châu Thành...

Tỉnh tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa nông dân, HTX và DN nhằm đáp ứng nhu cầu XK. Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết, sản lượng trái cây của tỉnh đạt 300.000 tấn/năm, cùng với tiêu thụ nội địa thì được XK sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, New Zealand, Nga, Trung Quốc… và mới đây là lô xoài 8 tấn được xuất vào Hoa Kỳ, đây là lô xoài đầu tiêu của Việt Nam xuất vào thị trường khó tính này.

Theo ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, trái xoài của Việt Nam được XK sang 40 nước trên thế giới, trong đó có nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Úc, Canada… Hiện hàng năm, thị trường Hoa Kỳ đang nhập khẩu gần 400.000 tấn xoài tươi, chủ yếu từ các quốc gia Trung Mỹ và Nam Mỹ, chẳng hạn như Mexico, Peru, Ecuador, Brazil và Guatamala. Xoài nội địa của Hoa Kỳ chủ yếu được trồng tại bang Florida và Hawaii cùng một lượng nhỏ tại bang California và Texas.

Như vậy, tiềm năng của quả xoài Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ là rất lớn. Hiện sản lượng xoài trồng ở Hoa Kỳ mỗi năm chỉ được khoảng 3.000 tấn, bằng 1/100 số lượng họ phải nhập khẩu mỗi năm. Trong khi đó, chất lượng xoài của Việt Nam không hề thua kém các nước ở Trung Mỹ và Nam Mỹ.

Thị trường xuất khẩu trái cây dựng lên nhiều rào cản, đòi hỏi việc sản xuất phải đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Thứ trưởng Doanh nhấn mạnh, hiện xoài Việt đã xuất sang Hoa Kỳ là một kỳ công nỗ lực nhiều năm đàm phán. Để vào được thị trường Hoa Kỳ, thì năm 2009 các ngành chức năng của Việt Nam đã gửi hồ sơ xin mở cửa cho trái xoài. Nhiều năm qua, cơ quan kiểm dịch thực vật của 2 nước đã có nhiều cuộc trao đổi kỹ thuật để thống nhất biện pháp xử lý kiểm dịch thực vật. Sau nhiều nỗ lực, cơ quan kiểm dịch thực vật hai bên đạt thỏa thuận về điều kiện nhập khẩu xoài và kế hoạch xử lý bằng chiếu xạ, khi XK xoài từ Việt Nam.

Ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế (Cục Bảo vệ thực vật), cho biết: Để XK xoài tươi vào Hoa Kỳ, các địa phương và DN phải đáp ứng yêu cầu như: Vườn trồng đạt tiêu chuẩn, an toàn, cơ sở xử lý và đóng gói phải được Cục Bảo vệ thực vật và Cục kiểm dịch động thực vật Hoa Kỳ (APHIS) cấp mã số quản lý và truy xuất nguồn gốc. Mọi lô hàng trước khi xuất khẩu phải được xử lý, kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật... Dù có rất nhiều quy định nhưng nông dân, DN và ngành chức năng đã vượt qua để đưa trái xoài ĐBSCL vào Hoa Kỳ, mở ra hướng đi triển vọng cho trái cây.
 

Ứng phó với rào cản kỹ thuật

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho rằng: Trái xoài thâm nhập vào thị trường khó tính như Hoa Kỳ sẽ góp phần gia tăng lợi nhuận và hiệu quả kinh tế cho nông dân. Tuy nhiên, để XK trái cây được lâu dài, đòi hỏi nông dân trồng xoài duy trì sản xuất đảm bảo chất lượng xuất khẩu, thực hiện mối liên kết bền vững với các DN từ sản xuất, thu hoạch, chế biến, đóng gói… đáp ứng các tiêu chuẩn quy định. Không thể chủ quan hoặc suy nghĩ hôm nay đã vào được thị trường khó tính, rồi ngày mai lơ là, thiếu đầu tư.

Đồng tình với quan điểm này, bà Nguyễn Thị Hồng Thu, GĐ Cty TNHH xuất khẩu trái cây Chánh Thu (đơn vị xuất khẩu lô xoài đầu tiên vào Hoa Kỳ) tâm sự: Mỗi khi mở thị trường xuất khẩu trái cây luôn rất khó, rất tốn kém thời gian và kinh phí.  Song, khi đã mở được rồi thì việc giữ thị trường càng khó hơn, nó đòi hỏi sự quyết tâm cao của doanh nghiệp, nông dân, HTX, ngành chức năng nhằm cùng bảo vệ, phát triển; bởi rào cản kỹ thuật ở các thị trường luôn phức tạp.

Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) lưu ý, các nước thành viên WTO khi XK trái cây tươi phải tuân thủ các qui định về kiểm dịch thực vật của Hiệp định SPS và Công ước quốc tế Bảo vệ thực vật – IPPC. Trong đó yêu cầu mặt hàng trái cây tươi phải có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do cơ quan thẩm quyền cấp. Ở các nước EU xây dựng bộ quy định đối với từng mặt hàng và họ có hệ thống kiểm soát chặt chẽ hàng hóa nhập khẩu qua biên giới, các trường hợp vi phạm sẽ bị cảnh cáo và tùy mức độ để áp dụng trả về nơi xuất xứ, tiêu hủy hoặc tạm ngưng nhập khẩu. Đối với Trung Quốc được coi là dễ tính trước đây, thì nay cũng có nhiều rào cản khắt khe hơn về kiểm dịch thực vật; do đó việc xuất khẩu theo hình thức biên mậu bị hạn chế dần.

Sản Xuất trái cây ĐBSCL đang hướng đến liên kết giữa nông dân và DN XK nhằm có nền sản xuất và XK trái cây bền vững. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Hiện Trung Quốc đã cho phép nhập khẩu chính ngạch 8 loại trái cây tươi của Việt Nam gồm thanh long, xoài, nhãn, chôm chôm, vải, chuối, mít và dưa hấu; với yêu cầu kiểm dịch đầy đủ. Do xu hướng các nước đang nâng cao rào cản kiểm dịch thực vật về an toàn thực phẩm sẽ khiến việc mở cửa thị trường XK trái cây khó khăn hơn. Bên cạnh đó, chúng ta cũng thiếu nghiên cứu, dự báo có chiều sâu và toàn diện về nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng ở các thị trường trọng điểm. Đặc biệt là thiếu thông tin về các đối thủ cạnh tranh. Đây là những thách thức không nhỏ cho XK trái cây về lâu dài.

Các nhà chuyên môn cho rằng, nhu cầu tiêu thụ trái cây trên thế giới ngày càng cao và Việt Nam có tiềm năng đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này trong thời gian tới. Vấn đề cấp bách hiện nay là xây dựng chiến lược mở cửa thị trường XK phù hợp, tập trung vào các thị trường lớn, vận chuyển thuận lợi và các sản phẩm mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh (như thanh long, nhãn, chôm chôm, bưởi, xoài…). Tiến hành quy hoạch và phát triển các vùng sản xuất trái cây tập trung phục vụ XK, gắn với cấp mã số vùng trồng.

Tại các vùng này sẽ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, tuân thủ nghiêm ngặt theo yêu cầu của nước nhập khẩu. Song song đó, có chính sách đầu tư cho công nghệ xử lý kiểm dịch thực vật và công nghệ bảo quản sau thu hoạch, chế biến sâu đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu. Đồng thời, thúc đẩy sự liên kết giữa nông dân và DN XK nhằm hướng tới nền sản xuất và XK trái cây bền vững.

Theo số liệu thống kê của Cục Trồng trọt, diện tích cây ăn trái vùng Nam bộ 431,4 ngàn ha, chiếm 46,84% diện tích cây ăn trái của cả nước; những năm gần đây, diện tích cây ăn trái vùng Nam bộ tiếp tục xu hướng tăng. Tỉnh có diện tích trồng cây ăn trái lớn ở vùng Nam bộ là Tiền Giang 74,9 ngàn ha, Đồng Nai 51,4 ngàn ha, Vĩnh Long 44,2 ngàn ha, Hậu Giang 34,9 ngàn ha, Sóc Trăng 29,2 ngàn ha, Bến Tre 28,4 ngàn ha, Đồng Tháp 25,6 ngàn ha, Tây Ninh 17,7 ngàn ha.

10 loại cây ăn trái có diện tích lớn của vùng là xoài 60,5 ngàn ha, chuối 52,2 ngàn ha, cam 40,4 ngàn ha, nhãn 34,4 ngàn ha, bưởi 37,8 ngàn ha, dứa 28,7 ngàn ha, chôm chôm 23,3 ngàn ha, sầu riêng 22,5 ngàn ha, thanh long 17,9 ngàn ha, quýt 12,7 ngàn ha.

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Cargill tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu ngành chăn nuôi Việt Nam

Gần 30 năm gắn bó với Việt Nam, Cargill luôn khẳng định vị thế dẫn đầu về dinh dưỡng và sức khỏe vật nuôi...

Hà Nội công bố bảng giá đất mới, cao nhất gần 700 triệu đồng/m2

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký Quyết định 71 sửa đổi, bổ sung Quyết định 30 về quy định và bảng giá đất trên địa bàn thành phố.