| Hotline: 0983.970.780

Liệu Trung Quốc có thể kiểm soát thời tiết?

Thứ Tư 13/01/2021 , 10:33 (GMT+7)

Sau khi cơ bản khống chế các đợt bùng phát của đại dịch Covid-19, Trung Quốc hiện đang đặt mục tiêu đầy tham vọng là kiểm soát thời tiết, bất thuận theo tự nhiên.

Công nghệ gieo hạt đám mây đã phát huy hiệu quả đối với sản xuất nông nghiệp, chữa cháy rừng, đối phó với biến đổi khí hậu cũng như các dạng thức bất thường của thời tiết…Đồ họa: Youtube 

Công nghệ gieo hạt đám mây đã phát huy hiệu quả đối với sản xuất nông nghiệp, chữa cháy rừng, đối phó với biến đổi khí hậu cũng như các dạng thức bất thường của thời tiết…Đồ họa: Youtube 

Vào tháng 12 năm 2020, chính phủ Trung Quốc đã công bố các kế hoạch phát triển hệ thống điều chỉnh, kiểm soát thời tiết toàn diện. Theo đó, Bắc Kinh đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là đến năm 2025 sẽ “phủ sóng” tới hơn 5,5 triệu cây số vuông, tức bằng 60% lãnh thổ của đất nước và gấp hơn 1,5 lần diện tích của Ấn Độ bằng các công nghệ ngăn chặn mưa đá được tích hợp trên 580.000 km vuông.

Làm chủ thời tiết có vẻ là một giấc mơ cao vời đối với nhiều quốc gia, nhưng đến nay Trung Quốc đã sử dụng phương pháp “gieo hạt đám mây” kết hợp với các công nghệ khác trong nhiều thập kỷ để tạo ra nhiều mưa hơn cho các khu vực bị hạn hán, cháy rừng hay ngăn chặn mưa đá gây hại cho sản xuất nông nghiệp hoặc “đuổi mây” khiến bầu trời quang đãng cho các sự kiện quan trọng như hồi Thế vận hội Bắc Kinh 2008.

Công nghệ gieo hạt đám mây đã phát huy hiệu quả đối với sản xuất nông nghiệp, chữa cháy rừng, đối phó với biến đổi khí hậu cũng như các dạng thức bất thường của thời tiết…Ảnh: Quartz

Công nghệ gieo hạt đám mây đã phát huy hiệu quả đối với sản xuất nông nghiệp, chữa cháy rừng, đối phó với biến đổi khí hậu cũng như các dạng thức bất thường của thời tiết…Ảnh: Quartz

Công nghệ gieo hạt đám mây (cloud seeding) hoạt động bằng cách bơm một lượng nhỏ bạc iotua vào các đám mây có nhiều hơi ẩm, sau đó chúng ngưng tụ xung quanh các hạt mới và trở nên nặng hơn rồi rơi xuống dưới dạng kết tủa hơi nước khiến quá trình tạo mưa diễn ra nhanh hơn. Gieo hạt đám mây cũng có thể thúc đẩy tuyết rơi trên diện rộng nếu điều kiện khí quyển thuận lợi. Những hóa chất thường dùng là bạc iodua (AgI), kali iodua (KI), carbon dioxide rắn (đá khô), propane lỏng (C3H8). Chúng được đưa vào đám mây nhờ máy bay không người lái hoặc tên lửa điều khiển từ xa phóng lên từ mặt đất.

Các con số thống kê cho thấy, từ năm 2012 đến năm 2017 Trung Quốc đã chi tới hơn 1,34 tỷ USD cho các chương trình điều chỉnh thời tiết khác nhau. Và đến năm 2015, các dự án gây mưa nhân tạo và ngăn chặn mưa đá đã được trên 30 tỉnh thành ứng dụng.

Mới đây nhất là vào tháng 11 năm ngoái, một quận ở phía nam thủ đô Bắc Kinh đã tạo ra lượng mưa 5 cm để giảm bớt đợt hạn hán cục bộ và cải thiện chất lượng không khí, bằng cách phóng 16 quả "tên lửa tăng cường mưa nhân tạo" từ phía sau một chiếc xe bán tải. Cùng thời điểm, các biện pháp điều chỉnh, kiểm soát thời tiết ở Tân Cương cũng đã giúp bảo vệ tài nguyên đất nông nghiệp của vùng này tránh được thiên tai bằng cách giảm thiệt hại do mưa đá trên toàn khu vực tới 70%.

Theo Hội đồng Nhà nước, mục tiêu để đạt được một hệ thống điều chỉnh, kiểm soát thời tiết trên toàn quốc được áp dụng vào năm 2025 phải coi các nỗ lực nghiên cứu và phát triển chủ yếu là trong nước và hiện chính phủ đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực này nhằm giải quyết hai vấn đề: an ninh lương thực và các hiện tượng thời tiết cực đoan.

Bằng chứng là đại dịch Covid-19 đã giúp củng cố tầm quan trọng của an ninh lương thực đối với quốc gia 1,4 tỷ người bởi Trung Quốc là nước nhập khẩu lương thực lớn nhất thế giới, buộc phải tìm cách giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực từ nước ngoài, đồng thời giảm bớt áp lực do thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp trong nước.

Các nghiên cứu cho thấy, các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt cũng làm tăng chi phí nhân lực đáng kể cho Trung Quốc. Chỉ tính riêng năm 2020, cả nước phải hứng chịu nhiều trận bão lớn chưa từng có và chứng kiến nạn lũ lụt tồi tệ nhất kể từ năm 1998, đã ảnh hưởng đến hơn 63 triệu người ở 26 tỉnh thành với 219 người chết hoặc mất tích. Thiệt hại kinh tế lên tới 179 tỷ nhân dân tệ, xấp xỉ gần 30 tỷ USD và cao gấp 15,5% so với mức trung bình của năm 2019.

Tham vọng kiểm soát thời tiết của Trung Quốc gây lo ngại

Theo các chuyên gia, tham vọng điều chỉnh thời tiết được coi là loại “vũ khí mới” của Trung Quốc nhằm tập trung giải quyết các lo ngại trong nước nhưng nó cũng có thể ảnh hưởng đến các nước khác, đặc biệt là khu vực láng giềng bởi chương trình có khả năng làm thay đổi gió mùa, thu hút lượng mưa mà theo tự nhiên sẽ đổ vào quốc gia khác.

Hình ảnh phóng tên lửa gây mưa nhân tạo tại Bắc Kinh hồi tháng 11/2020. Ảnh: Alamy

Hình ảnh phóng tên lửa gây mưa nhân tạo tại Bắc Kinh hồi tháng 11/2020. Ảnh: Alamy

Như chúng ta đã thấy từ các tranh chấp đang diễn ra trên sông Mekong, các hệ sinh thái không tôn trọng ranh giới lãnh thổ. Một khi Trung Quốc theo đuổi tham vọng thay đổi thời tiết, họ sẽ cần phải xem xét các tác động tiềm tàng đối với các nước láng giềng và cần có sự phối hợp lẫn nhau.

Xem thêm
Người mở đầu cho nông nghiệp công nghệ cao ở Thụy Lâm

Ông Nguyễn Đình Chung (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) năm nay đã gần 70 tuổi nhưng cử chỉ, phong thái còn nhanh nhẹn và giọng nói vẫn mạnh mẽ.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Xử lý triệt đề gian lận trong quản lý mã số vùng trồng dừa

Một trong những vấn đề cần giải quyết triệt để hiện nay là tình trạng mua bán mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trong ngành dừa và nông sản.