| Hotline: 0983.970.780

Linh Sơn, ngày nào cũng mùa ổi chín

Thứ Hai 18/11/2019 , 13:15 (GMT+7)

Tháng 10/2019, xã Linh Sơn (TP Thái Nguyên) tổ chức lễ công bố nhãn hiệu tập thể “Ổi Linh Nham”. Với tổng diện tích trên dưới 70ha ổi, mỗi năm người dân trong xã thu nhập không dưới 50 tỷ đồng.

10-38-08_1
Vườn ổi đường Đài Loan 5 năm tuổi của gia đình bà Nguyễn Thị Huyền (xóm Làng Phan, xã Linh Sơn) hàng năm cho thu nhập hơn 200 triệu đồng.

Điều đáng nói nhất ở đây là người dân đã làm chủ kỹ thuật chăm sóc, chủ động thời gian thu hái, không phụ thuộc vào mùa vụ, quanh năm đều có sản phẩm, giá bán lên tới 50 nghìn đồng/kg.
 

Hữu duyên

Ông Nguyễn Chu Việt, Chủ tịch UBND xã Linh Sơn cho biết, cách trung tâm thành phố Thái Nguyên 3km, Linh Sơn là xã có diện tích đất nông nghiệp lớn. Hiện tại, xã Linh Sơn có thu nhập bình quân 30 triệu đồng/người/năm. Nguồn thu chủ yếu của các hộ dân từ cây rau màu và cây ăn quả, trong đó cây ổi là chủ lực.

Về nguồn gốc cây ổi, ông Nguyễn Chu Việt thẳng thắn nói, đây không phải là giống bản địa mà do dân lấy giống từ khắp nơi về trồng. Từ năm 2001, có vài hộ gia đình xin cây giống trồng tự phát mục đích để có hoa quả cải thiện cuộc sống.

Thật bất ngờ là cây ổi hợp với thổ nhưỡng, đất đồi sỏi cơm, quả ổi ngọt đậm, giòn, thơm được nhiều người ưa chuộng, vì thế đã có thêm nhiều hộ trồng ổi.

Năm 2008, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đồng Hỷ mời Học viện Nông nghiệp Việt Nam về hướng dẫn trồng thử nghiệm 10 ha ổi tại xã, thấy được giá trị kinh tế cao từ mô hình, từ đó hằng năm Đảng bộ xã xây dựng chỉ tiêu phát triển diện tích trồng ổi vào nghị quyết. Bởi vậy trong những năm qua, diện tích trồng ổi tại xã tăng nhanh, đến nay có hơn 70ha.

Có đến cả chục giống ổi được trồng tại Linh Sơn, song nhiều nhất là giống ổi đường Đài Loan, ngoài ra còn ổi lê Đài Loan, ổi đào, ổi Thanh Hà… tập trung nhiều ở các xóm Làng Phan, Tân Lập, Linh Chử, Thông Nhãn, Khánh Hòa… Cây ổi đã giúp nhiều hộ dân có thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm.

Chúng tôi đến thăm vườn ổi của gia đình bà Nguyễn Thị Huyền, xóm Làng Phan. Năm 2014, thấy một số hộ trong xã trồng ổi hiệu quả kinh tế cao, bà Huyền quyết định phá bỏ đồi tạp để đầu tư trồng 200 cây ổi trên diện tích khoảng 8 sào đất.

Đến nay, vườn ổi 5 năm tuổi cho thu hái liên tục quanh năm, cao điểm mỗi ngày có thể cắt bán cả tạ quả. Giá bán bình quân tại vườn từ 15-20 nghìn đồng/kg. Có thời điểm lên tới hơn 30 nghìn/kg.

Đặc biệt, tại Hội chợ triển lãm “Mỗi xã phường một sản phẩm tỉnh Thái Nguyên năm 2019” được tổ chức tháng 9 vừa qua, lần đầu tiên ổi Linh Sơn được dán tem nhãn, bán với giá 50 nghìn đồng/kg vẫn được người tiêu dùng hồ hởi đón nhận.

Bà Huyền chia sẻ kinh nghiệm trồng ổi không đòi hỏi đầu tư lớn về tiền vốn, kỹ thuật lại rất đơn giản. Giá cây giống ở mức 15 nghìn đồng/cây, tỷ lệ sống gần như 100%, cây ít khi mắc sâu bệnh, hầu như hàng chục năm nay chưa thấy năm nào bị mất mùa.
 

Nâng tầm chất lượng

Cây ổi để tự nhiên thường cho quả theo 2 mùa. Chính vụ vào khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 9; trái vụ vào dịp cuối năm Dương lịch.

10-38-08_2
Trồng ổi không đòi hỏi đầu tư lớn về tiền vốn, kỹ thuật lại rất đơn giản. 

Song, nhờ học hỏi kỹ thuật và rút kinh nghiệm từ thực tế, đến nay người dân đã hoàn toàn chủ động chăm sóc để ổi cho thu hái quanh năm và cả thời gian “bắt ổi chín đúng dịp” để bán được giá cao. Bí quyết đó chỉ đơn giản là bấm ngọn, tỉa bỏ bớt hoa, bón phân chuồng để cây đủ dinh dưỡng.

Người dân Linh Sơn còn dùng bao nylon và túi xốp bọc ổi từ sau khi đậu khoảng 10 ngày cho đến tận khi thu hái, vừa nhằm bảo vệ quả tránh ruồi vàng đục làm thối ruột, đồng thời giữ cho màu sắc quả đều đẹp, bắt mắt. Ổi chớm chín cắt từ cây xuống, để ở điều kiện bình thường trong vòng một tuần vẫn giữ nguyên chất lượng, dễ dàng vận chuyển đi xa và đưa ra thị trường tiêu thụ.

Khẳng định quả ổi là món quà ngọt lành của vùng đất ven bờ sông Cầu, người dân Linh Sơn đang tích cực ứng dụng các biện pháp tiên tiến vào sản xuất. Đáp ứng nguyện vọng của người dân về xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho ổi Linh Sơn, UBND thành phố Thái Nguyên, chính quyền xã Linh Sơn đã tích cực tiến hành các thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể Ổi Linh Sơn.

Ông Nguyễn Chu Việt tâm sự, quá trình đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho quá ổi mất khá nhiều thời gian. Năm 2016, được sự giúp đỡ của Sở Khoa học và Công nghệ, xã đã hoàn thiện hồ sơ đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ. Nhưng do “Ổi Linh Sơn” trùng với nhãn hiệu của Công ty TNHH đầu tư và phát triển Thiên Sơn (trụ sở tại TP Hồ Chí Minh) đã đăng ký và được công nhận trước đó nên Cục đã có văn bản từ chối bảo hộ nhãn hiệu này đối với quả ổi của xã Linh Sơn.

Sau khi lấy ý kiến của nhân dân trong xã, đã thống nhất lấy tên địa danh cũ của xã để đặt tên nhãn hiệu “Ổi Linh Nham xã Linh Sơn - Thành phố Thái Nguyên”. Tháng 8/2019, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp chứng nhận bảo hộ cho nhãn hiệu “Ổi Linh Nham xã Linh Sơn”.

Nguyễn Thị Huyền phấn khởi: Từ khi có nhãn mác, ổi Linh Sơn không còn sợ bị lẫn với các loại ổi chất lượng thấp hơn của các địa phương khác, nhờ vậy tiêu thụ rất dễ dàng, dù bán tại vườn hay mang ra thị trường thì người mua cũng rất yên tâm.

Xem thêm
Cây dâu khỏa lấp cây tiêu ở vùng biên

BÌNH PHƯỚC Từng là thủ phủ hồ tiêu của tỉnh Bình Phước, sau thời kỳ hồ tiêu suy thoái, mô hình trồng dâu nuôi tằm đã mở ra hướng đi mới cho người dân nơi đây.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.