| Hotline: 0983.970.780

Trồng ổi trái vụ, làm chơi ăn thật

Thứ Năm 18/04/2019 , 06:45 (GMT+7)

Từ những hộ đầu tiên trồng ổi trái vụ đã lan ra cả huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương với diện tích lên đến hơn 1.500ha. Có xã chuyển đổi toàn bộ diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng ổi. Chẳng lo được mùa, mất giá, ổi là cây làm giàu cho người dân nơi đây.

Cả xã trồng ổi

Xã Liên Mạc xưa kia vốn thuần nông, người dân quanh năm bám lấy củ khoai, cây lúa. Nay đi cả xã tìm mỏi mắt không thấy một thửa ruộng. Hơn 90% diện tích đất nông nghiệp, tương đương 500ha đã được người dân chuyển đổi sang trồng cây ổi trái vụ, chiếm 1/3 tổng diện tích ổi của huyện.

16-02-48_oi_thnh_h_1
Người dân xã Liên Mạc kiểm tra ổi trước khi thu hoạch

Theo bà Nguyễn Thuý Phương, cán bộ nông nghiệp xã Liên Mạc, việc chuyển đổi bắt đầu từ những năm 2000. Ban đầu là vài hộ đi tìm giống ổi Bo về trồng. Lo rơi vào vòng xoáy “được mùa – mất giá, mất mùa – được giá”, họ tìm tòi phương pháp cho cây ổi ra quả trái vụ. Vụ ổi thông thường cho thu rộ trong mùa hè là hết. Nhưng ở Liên Mạc, đây lại là thời gian người dân chăm sóc, dưỡng cây. Tới khoảng tháng 9 âm lịch, ổi bắt đầu cho thu hoạch, kéo dài tới hết tháng 3 âm lịch. Ổi thu đúng vào dịp tết nên được giá.

Cũng theo bà Phương, từ hiệu quả ban đầu, xã ra nghị quyết chuyển đổi cây trồng từ lúa sang ổi trái vụ. Chính quyền xã hướng dẫn, khuyến khích người dân chuyển đổi sao cho hiệu quả, đúng pháp luật.

“Tới nay toàn xã chúng tôi không còn một cây lúa. Mỗi năm thu khoảng 9.500 tấn ổi, đạt giá trị trên 85,5 tỷ đồng, hiệu quả gấp vài chục lần trồng lúa. Do trồng trái vụ nên người dân chưa bao giờ phải lo lắng giá cả hay đầu ra”, bà Phương cho biết.

Tại Liên Mạc, với thâm niên canh tác, mỗi vụ người dân có thể thu hoạch hơn 1 tấn ổi/sào, lãi trên 10 triệu đồng. Không chỉ trồng ổi, người dân tự mua sắm xe ô tô, vận chuyển nông sản tới nhiều tỉnh thành, các siêu thị lớn tại Hà Nội.

Từ việc sản xuất nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm, từ năm 2017 tới nay, 20 hộ dân tại xã Liên Mạc đã thành lập HTX Nông sản sạch Nam Vũ, tích tụ hơn 15ha đất.

16-02-48_oi_thnh_h2
Ổi được bọc túi nilon tránh bị các loại côn trùng đốt

Chị Lương Thị Cúc, thành viên HTX Nam Vũ cho biết, riêng gia đình chị thuê lại và góp vào 5ha đất để trồng ổi. Dù là HTX nhưng không làm việc dạng chia công tập thể. Các hộ vẫn trồng ổi trên chính diện tích đất đóng góp. Những thành viên trong HTX có trách nhiệm chia sẻ khó khăn, giúp đỡ nhau về mặt thu hoạch, kỹ thuật sâu bệnh. HTX sẽ đứng ra hỗ trợ tiền bạt che, bao túi nilon, thuốc BVTV.

Nói về thuốc BVTV, chị Cúc khẳng định, 100% diện tích ổi của HTX Nam Vũ tới nay đã được chứng nhận VietGAP. Chính vì vậy, việc sử dụng thuốc BVTV ra sao bắt buộc phải tuân thủ quy trình hưỡng dẫn nghiêm ngặt. Tuyệt đối không được dùng thuốc hoá học, thuốc diệt cỏ trong quá trình sản xuất.

Kế hoạch năm 2019, Hải Dương sẽ tiếp tục chuyển đổi đất lúa sang trồng cây ăn quả thêm 833,62 ha. Ngoài vải và ổi, trong cơ cấu cây ăn quả, tỉnh phát triển diện tích cây na sẵn có lên khoảng 1.000ha, phấn đấu sản lượng đạt 13.000 tấn/năm.

Cũng theo chị Cúc, vai trò lớn và hiệu quả nhất của HTX cho tới nay là luôn thu mua, tìm đầu ra cho người trồng ổi. Vào vụ HTX sẽ đứng ra thu mua, phân loại, sơ chế rồi đưa đi tiêu thụ tại siêu thị, chợ đầu mối ở nhiều tỉnh thành.

“Riêng hệ thống siêu thị, một năm HTX cung ứng khoảng 80 tấn ổi trái vụ. Nhưng họ yêu cầu chất lượng cao lắm, thường xuyên cho người về lấy mẫu kiểm tra đột xuất. Nhưng chúng tôi SX bài bản, theo quy trình VietGAP nên tự tin để họ kiểm tra bất cứ lúc nào. Vụ này, HTX đã đứng ra thu mua cho các xã viên 275 tấn ổi”.
 

Xây dựng thương hiệu ổi Thanh Hà

Bà Nguyễn Thị Lan, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Thanh Hà cho biết, nếu xét về giá trị kinh tế, cây ổi trái vụ đang vượt cả cây vải thiều, đạt từ 230 – 300 triệu/ha/năm. Nhiều xã chuyển đổi tới 90 diện tích đất nông nghiệp sang trồng loại cây này như: Liên Mạc 500ha, Thanh Xuân 300ha, Cẩm Chế 100ha…

Bà Lan khẳng định, việc chuyển đổi xuất phát từ chính những người nông dân cần cù, sáng tạo. “Phải nói là việc này xuất phát từ một vài hộ dân ban đầu, sau thì lan ra cả huyện, chúng tôi không bao giờ tranh công của người dân. Nhưng chúng tôi có trách nhiệm định hướng, quy hoạch vùng SX. Đồng thời đưa nhiều tiến bộ kỹ thuật để SX đạt hiệu quả cao hơn”.

16-02-48_oi_thnh_h5
Hải Dương đang tích cực xây dựng thương hiệu ổi Thanh Hà

Tới nay, toàn huyện Thanh Hà đã có 350ha ổi trái vụ được cấp chứng nhận VietGAP. Bà Lan cho biết, ổi trái vụ Thanh Hà đã được tiêu thụ cả ở 64 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Lượng ổi được tiêu thụ nhiều nhất tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và TP Hồ Chí Minh. Hiện đã là cuối vụ thu hoạch, nhưng ổi trái vụ Thanh Hà vẫn xuất bán ổn định ở mức 8 nghìn đồng/kg. Như vậy, người trồng ổi vẫn lãi khoảng 5 – 7 triệu đồng/sào.

Đại diện Phòng NN-PTNT huyện Thanh Hà cũng cho biết, địa phương đang cùng người dân, Sở ngành liên quan xây dựng thương hiệu, tiến tới chỉ dẫn địa lý cho vùng ổi trái vụ Thanh Hà.

Sở NN-PTNT tỉnh Hải Dương đánh giá, bên cạnh vải, ổi trái vụ Thanh Hà vẫn là cây trồng mang lại giá trị cao cho người dân. Toàn tỉnh trồng khoảng 1.840 ha ổi, sản lượng 45,2 nghìn tấn/năm. Do giá cả ổn định, giá trị kinh tế do ổi trái vụ đem lại trung bình khoảng 250 triệu đồng/ha.

Theo tính toán của HTX Nam Vũ, sau khi trừ chi phí, mỗi sào ổi người dân thu về khoảng 8 – 9 triệu đồng. Dự tính tới đây, chị Cúc cùng các thành viên sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng ổi trái vụ.

 

Xem thêm
Chăn nuôi Bắc Kạn vượt khó: [Bài 1] Cứu cánh từ đàn đại gia súc

Trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi hoành hành gây thiệt hại lớn, chăn nuôi đại gia súc trở thành cứu cánh của nhiều người dân, hợp tác xã ở tỉnh Bắc Kạn.

Biên Hòa phát hiện, xử lý các lò mổ lậu

Đồng Nai Lực lượng liên ngành thành phố Biên Hòa đang tăng cường kiểm tra, xử lý các điểm giết mổ không phép trên địa bàn, nhất là trong giai đoạn cuối năm.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.