| Hotline: 0983.970.780

Lo cho vụ mai Tết năm sau

Thứ Tư 16/02/2022 , 19:30 (GMT+7)

BÌNH ĐỊNH Qua Tết, những nhà vườn trồng mai cảnh tất bật thuê nhân công chăm sóc mai chuẩn bị vụ Tết năm sau.

Thời điểm quyết định sự phát triển của cây mai

Đi về những làng mai ở Thị xã An Nhơn (Bình Định) những ngày sau Tết, nhà vườn trồng mai cảnh nào cũng trông như những công trường nho nhỏ với hình ảnh những chiếc xe tải, xe ba gác máy chở đất, chở chậu về đổ. Trong vườn mai người thì lo nhổ cọc, cắt hoa, cắt cành phụ; lao động nữ thì cắm cúi cạo lớp rong đóng trên lớp đất và xới đất trong chậu mai, lao động nam làm những việc nặng nhọc hơn như xúc đất đưa vào vườn để thay đất, thay chậu cho những cây mai.

Ông Phan Bảo ở thôn Háo Đức, xã Nhơn An (Thị xã An Nhơn, Bình Định) chăm sóc mai chuẩn bị cho vụ Tết năm tới. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Phan Bảo ở thôn Háo Đức, xã Nhơn An (Thị xã An Nhơn, Bình Định) chăm sóc mai chuẩn bị cho vụ Tết năm tới. Ảnh: V.Đ.T.

Theo anh Lê Tấn Bộ (SN 1979) ở thôn Háo Đức, xã Nhơn An (Thị xã An Nhơn), người trồng đến hơn 6.000 cây mai cho biết: Tết Nguyên đán Nhâm Dần vừa qua anh bán được hơn 1.000 cây, trong số hơn 5.000 cây còn lại anh phải tích cực chăm sóc để chúng phát triển, nhất là đối với 1.200 cây mai dự kiến sẽ xuất bán trong dịp Tết năm tới. Ngoài 2 vợ chồng, anh Bộ phải thuê thêm hàng chục nhân công để mới có thể chu tất mọi công việc cho kịp tiến độ.

Qua Tết, lao động nữ nhân thời điểm nông nhàn đi làm cho các vườn mai để kiếm thêm thu nhập. Ảnh: V.Đ.T.

Qua Tết, lao động nữ nhân thời điểm nông nhàn đi làm cho các vườn mai để kiếm thêm thu nhập. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Phan Bảo (58 tuổi), chủ vườn mai hơn 1.000 gốc ở thôn Háo Đức (xã Nhơn An) cho hay năm nay, cứ tưởng người trồng mai cảnh ở đây mất Tết do ảnh hưởng dịch Covid-19. Thế nhưng không ngờ mai cảnh bỗng dưng đắt hàng ngoài dự kiến. Những ngày cuối năm, thương lái ở phía Bắc ồ ạt đổ về Thị xã An Nhơn mua sỷ chở đi nườm nượp nên đa số các nhà vườn đều bán hết những chậu mai ra búp đúng dịp Tết. Chỉ những chậu mai ra hoa trước Tết mới còn tồn đọng.

Sau Tết là thời điểm tốt nhất chăm sóc cho cây mai để nó phục hồi 'sức khỏe', Tết năm sau mai sẽ cho hoa nhiều. Ảnh: V.Đ.T.

Sau Tết là thời điểm tốt nhất chăm sóc cho cây mai để nó phục hồi “sức khỏe”, Tết năm sau mai sẽ cho hoa nhiều. Ảnh: V.Đ.T.

Theo ông Bảo, sau Tết, cây mai nào cũng kiệt sức vì đã chắt hết dinh dưỡng cho những đóa hoa khoe sắc trong những ngày Tết. Sau Tết, người trồng phải vào đất mới, thay chậu; rồi tuốt hết hoa, nụ, bấm cành phụ và chăm sóc tích cực để cây mai tích tụ lại dinh dưỡng, chuẩn bị cho vụ hoa mới. Vì vậy, thời điểm đầu năm mới, khi tiết trời mùa xuân đang ấm áp, thuận lợi, ông Bảo thuê thêm nhân công nhổ cọc tre, thay đất, vào chậu mới cho những chậu mai của mình.

“Nếu không kịp tuốt hoa, nụ, cắt tỉa bớt những cành không cần thiết và thay đất, vào chậu mới thì cây mai sẽ bị lụn tàn, ảnh hưởng đến chất lượng nụ, bông vụ Tết năm sau. Nhưng đầu năm mới, việc thuê lao động khó quá, vì nhiều người cả năm làm việc vất vả muốn nghỉ ngơi, chơi xuân, thường phải qua rằm tháng Giêng mới dễ tìm lao động hơn”, ông Bảo cho hay.

Các nhà vườn làm cỏ, xới đất cho những cây mai còn lại để mai phát triển tốt. Ảnh: V.Đ.T.

Các nhà vườn làm cỏ, xới đất cho những cây mai còn lại để mai phát triển tốt. Ảnh: V.Đ.T.

Mức đầu tư tăng cao

Theo những người trồng mai cảnh ở Thị xã An Nhơn, nơi được mệnh danh là vựa mai cảnh lớn nhất miền Trung, trong 2 năm gần đây, do ảnh hưởng dịch Covid-19, tất cả các loại vật tư đều tăng giá. Thuốc sâu, thuốc cỏ đều tăng, nhất là phân bón, mức giá tăng gấp đôi; đất phù sa, cát, xơ dừa cũng tăng giá cao hơn nhiều so với những năm trước đây. Năm ngoái, nếu trong Tết, 1 xe đất phù sa 3 khối có giá 300.000 đ thì sang tháng Giêng có giá đến 700.000 - 800.000 đ/xe. Đất phù sa ven sông Kôn ngày càng hiếm, trong khi các nhà vườn trồng mai đồng loạt thay đất cho những chậu mai nên đất ngày càng tăng giá, năm nay tăng đến 1,1 triệu đồng/xe 3 khối.

Đến mùa thay đất cho mai, các cơ sở đúc chậu cũng ăn nên làm ra. Nhiều cơ sở đúc chậu làm ra mỗi ngày 200 - 300 cái chậu nhưng vẫn không kịp cung ứng cho các nhà vườn. Hầu hết các cơ sở đúc chậu phải đúc trước từ trong Tết để ra Giêng bán, đồng thời dự trữ trước xi măng để chủ động trong sản xuất trong thời cao điểm.

Qua Tết, các nhà vườn đồng loạt thay đất cho những chậu mai nên đất phù sa ven sông tăng giá. Ảnh: V.Đ.T.

Qua Tết, các nhà vườn đồng loạt thay đất cho những chậu mai nên đất phù sa ven sông tăng giá. Ảnh: V.Đ.T.

“Các chủ nhà vườn trồng mai đều có những lao động là “bạn hàng ruột”. Trước Tết họ về nhà vườn lặt lá mai, sau Tết thì làm những việc xới xáo đất trong những chậu mai, đưa đất vào thay đất, thay chậu. Lao động nam làm những công việc nặng, lao động nữ làm những công việc nhẹ”, ông Phan Bảo nói.

Bà Phan Thị Định (54 tuổi) ở phường Nhơn Thành (Thị xã An Nhơn) đến thôn Háo Đức (xã Nhơn An) làm công cho những vườn mai, cho biết: “Phụ nữ chúng tôi thường làm công việc nhẹ hơn như nhổ cọc, lặt lá, làm cỏ. Mỗi ngày công, chủ vườn trả 150.000 đ. Còn đàn ông khỏe mạnh thì khiêng chậu, thay đất, công việc nặng nhọc hoặc bấm cành, đòi hỏi kỹ thuật thì ngày công được trả cao hơn, khoảng 200.000 - 250.000 đ/công. Nhà nông tranh thủ thời điểm nông nhàn đi làm kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Trước Tết, chúng tôi đi lặt lá mai, có thương lái thuê thì khiêng mai, còn sau Tết thì đi nhổ cọc, làm cỏ”.

Những cây mai nở sớm nhiều nhà vườn giữ lại lấy hạt ươn mai con để bán. Ảnh: V.Đ.T.

Những cây mai nở sớm nhiều nhà vườn giữ lại lấy hạt ươn mai con để bán. Ảnh: V.Đ.T.

Năm nay, do thời tiết bất thường nên nhiều vườn mai nở sớm bán không được trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, các chủ nhà vườn giữ những cây mai nở sớm lấy hạt gieo để bán giống cây con cho những nhà vườn trồng mai khác. Có nhà vườn mỗi năm bán đến vài ba chục nghìn cây mai giống, giá 3.000 đồng/cây, thu nhập từ bán mai giống cả gần trăm triệu đồng.

Xem thêm
Nghề nuôi đà điểu gặp khó khăn chưa từng có

Hà Nội Trong trang trại của ông Tài, đàn đà điểu vục đầu ăn ở máng xong một con co chân chạy là tất cả các con khác cùng chạy theo, bụi cuốn bay mù mịt.

Mua heo không được lại gần chuồng xem heo

BÌNH ĐỊNH Một thợ chuyên mua heo thịt tại Bình Định chia sẻ, hiện người dân không còn cho thương lái vào chuồng như trước để tránh lây lan dịch bệnh từ ngoài vào trang trại.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.