| Hotline: 0983.970.780

Lo ngại dịch bệnh trên tôm nuôi, nông dân e dè xuống giống

Chủ Nhật 19/03/2023 , 18:31 (GMT+7)

Điều kiện thời tiết không thuận lợi, nông dân ở Sóc Trăng mang tâm lý e dè khi xuống giống vụ tôm chính do lo ngại dịch bệnh phát sinh trên tôm nuôi.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng kiểm tra nồng độ nước mặn trong tại ao nuôi tôm. Ảnh: Kim Anh.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng kiểm tra nồng độ nước mặn trong tại ao nuôi tôm. Ảnh: Kim Anh.

Hiện nông dân tỉnh Sóc Trăng đang bước vào thời điểm xuống vụ tôm mới năm 2023, nhưng tình hình thời tiết không thuận lợi, dễ phát sinh dịch bệnh trên tôm nuôi.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng, hiện biên độ nhiệt giữa ngày và đêm chênh lệch lớn, ngày nắng nóng, ban đêm và sáng lại lạnh, thỉnh thoảng xuất hiện sương mù, khiến nông dân lo ngại tôm phát sinh dịch bệnh trên tôm nuôi khi xuống giống.

Bên cạnh đó, tại một số vùng nuôi ở huyện Mỹ Xuyên và thị xã Vĩnh Châu độ mặn đang dưới 1 phần nghìn không thích hợp cho việc thả tôm giống. Ngành chuyên môn đánh giá, đây là năm nước mặn về trễ nhất so với các năm trước ở tỉnh Sóc Trăng.

Anh Châu Thanh Nam ở xã An Thạnh 3, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng, cho biết đây là vụ tôm chính trong năm của bà con nông dân. Tuy nhiên, từ tháng 6/2022 đến nay, một số diện tích tôm đã được bà con nông dân xuống giống hiện đang phát sinh dịch bệnh, đa phần là bệnh chậm lớn. Anh Nam đánh giá, tôm nuôi đặc biệt mẫn cảm với thời tiết, trong quá trình nuôi nếu thời tiết biến động sẽ làm giảm tốc độ ăn của tôm, vì thế bản thân anh cũng đang chần chừ chưa xuống giống.

Bà con nuôi tôm tỉnh Sóc Trăng xử lý nước ao nuôi, chờ thời tiết thuận lợi để xuống giống vụ tôm chính năm 2023. Ảnh: Kim Anh.

Bà con nuôi tôm tỉnh Sóc Trăng xử lý nước ao nuôi, chờ thời tiết thuận lợi để xuống giống vụ tôm chính năm 2023. Ảnh: Kim Anh.

Nhớ lại cách đây vài năm, anh Nam chia sẻ, gia đình anh từng đứng ngồi không yên vì dịch bệnh đỏ thân trên tôm nuôi. Từ một ao nhiễm bệnh lây lan ra toàn bộ diện tích thả nuôi, thiệt hại gần như 100%.

Rút kinh nghiệm từ đó, anh Nam đặc biệt chú trọng đến việc xem xét yếu tố thời tiết trước khi thả nuôi. Hiện nay, thời tiết cực đoan cộng với độ mặn về trễ, anh Nam lựa chọn phương án tiếp tục cải tạo, phơi ao.

Hơn nữa, để phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi, trước khi thả giống anh tiến hành diệt tạp, diệt khuẩn, rải vôi ổn định môi trường nước ao nuôi.

Tại HTX thủy sản Hưng Phú, huyện Cù Lao Dung đến thời điểm này diện tích xuống giống tôm của bà con xã viên cũng mới đạt khoảng 50%, tương đương khoảng 50ha. Ông Lâm Thành Lâm, Phó Giám đốc cho rằng, mùa vụ năm nay không khí lạnh kéo dài, phần diện tích tôm nuôi đã xuống giống của xã viên đang xảy ra tình trạng tôm nhiễm bệnh đỏ thân đốm trắng. Ngoài ra, một số diện tích nhỏ bị nhiễm bệnh đường ruột, phân trắng, hoại tử gan tụy cấp, tỷ lệ bệnh chiếm 10 - 20% diện tích thả nuôi.

Trước tình hình đó, HTX đã phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng thực hiện tuyên truyền, khuyến cáo xã viên thực hiện xuống giống theo lịch thời vụ, chọn nguồn giống chất lượng, đặc biệt là khâu quản lý chăm sóc các yếu tố môi trường chặt chẽ để hạn chế phần nào rủi ro dịch bệnh. Đối với những diện tích đã thả tôm, bà con xã viên cần giữ mực nước từ 1,4 - 1,6m để môi trường ổn định nhiệt, tăng cường khoáng chất, vitamin cho tôm, đặc biệt là vitamin C nhằm tăng sức đề kháng cho con tôm.

Hiện nay, các vùng nuôi tôm ở Sóc Trăng đang phát sinh 3 loại dịch bệnh trên tôm phổ biến là đốm trắng (WSSV), hội chứng tôm chết sớm (EMS) và vi bào tử trùng (EHP). Ảnh: Kim Anh.

Hiện nay, các vùng nuôi tôm ở Sóc Trăng đang phát sinh 3 loại dịch bệnh trên tôm phổ biến là đốm trắng (WSSV), hội chứng tôm chết sớm (EMS) và vi bào tử trùng (EHP). Ảnh: Kim Anh.

Ông Đào Văn Bảy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng cho biết, hiện nay tại các vùng nuôi phát sinh 3 loại dịch bệnh trên tôm nuôi phổ biến là đốm trắng (WSSV), hội chứng tôm chết sớm (EMS) và vi bào tử trùng (EHP). Vài năm gần đây dịch bệnh EHP có chiều hướng gia tăng, bà con nông dân tuy đã có quy trình phòng bệnh nhưng lại chưa phát huy hiệu quả.

Một trong những yếu tố làm phát sinh dịch bệnh trong tôm nuôi được ông Bảy đưa ra là do điều kiện về môi trường nuôi ngày càng xuống cấp, chất lượng nước phục vụ nuôi trồng thủy sản ngày càng bị ô nhiễm do hệ thống thủy lợi trước đây được thiết kế phục vụ sản xuất lúa. Bên cạnh đó vùng nuôi thâm canh nhiều năm khiến dịch bệnh lưu hành nhiều trong vùng nuôi dẫn đến tăng nguy cơ thiệt hại do bệnh.

Để quản lý chặt chẽ, chủ động trong công tác phòng chống và ứng phó kịp thời với dịch bệnh trên tôm, ông Bảy nhấn mạnh, ngay từ đầu năm 2023, chi cục đã tổ chức thực hiện các chương trình giám sát dịch bệnh trên tôm nước lợ. Điển hình như thu mẫu quan trắc tại 20 điểm ở các kênh, với tần suất 2 lần/tháng để kịp thời phát hiện dịch bệnh ngoài môi trường để khuyến cáo cho vùng nuôi.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng khuyến cáo bà con nông dân xuống giống theo lịch thời vụ, chọn nguồn giống chất lượng, đặc biệt là khâu quản lý chăm sóc các yếu tố môi trường. Ảnh: Kim Anh.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng khuyến cáo bà con nông dân xuống giống theo lịch thời vụ, chọn nguồn giống chất lượng, đặc biệt là khâu quản lý chăm sóc các yếu tố môi trường. Ảnh: Kim Anh.

Đối với công tác giám sát dịch bệnh trên tôm giống cũng được ngành chuyên môn thực hiện thu mẫu ngẫu nhiên định kỳ hàng tuần tại các cơ sở ương dưỡng tôm giống trên địa bàn tỉnh để xét nghiệm các loại bệnh thường gặp trên tôm. Song song đó, ngành chuyên môn cũng thực hiện công tác giám sát dịch bệnh tại vùng nuôi và trên tôm thương phẩm tại các doanh nghiệp phục vụ xuất khẩu.

Trong trường hợp khi lấy mẫu xét nghiệm phát hiện dịch bệnh phát sinh tại các ao nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng sẽ thực hiện cấp phát hóa chất để xử lý. Tính riêng trong năm 2022, ngành đã dự phòng trên 41 tấn hóa chất Chlorine cho 4 huyện nuôi tôm trọng điểm trên địa bàn tỉnh để phòng chống dịch bệnh.

Tính đến ngày 9/3/2023, diện tích thả nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đạt trên 1.570 ha. Trong đó, diện tích bị thiệt hại chiếm 0,63% diện tích thả. Nguyên nhân thiệt hại chủ yếu là do bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp, tập trung chủ yếu tại huyện Cù Lao Dung và thị xã Vĩnh Châu.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Lão nông tự tạo chế phẩm tăng độ bám dính thuốc bảo vệ thực vật

Trong bối cảnh nhiều hộ trồng cam tại Cao Phong, Hòa Bình đang lao đao vì dịch bệnh thì vườn cam của ông Phạm Văn Cường lại xanh tốt, gây ấn tượng mạnh cho tôi.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.