Đầu tư hạ tầng mở rộng vùng nuôi
Kiên Giang là tỉnh ven biển vùng ĐBSCL, có lợi thế rất lớn về phát triển nuôi tôm nước lợ, nhất là sản xuất luân canh tôm - lúa.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang cho biết, nghề nuôi tôm phát triển mạnh mẽ ở Kiên Giang thời gian qua, trong đó phương thức canh tác tôm - lúa chiếm ưu thế. Với mô hình canh tác luân canh 1 vụ tôm, 1 vụ lúa, trung vụ nuôi, nông dân thả giống tôm nhiều đợt, thường là 2 - 3 lần/vụ, chủ yếu là tôm sú.
Từ năm 2012, tôm thẻ chân trắng được một số hộ đưa vào nuôi dưới hình thức 2 vụ tôm thẻ - 1 vụ lúa. Cũng có hộ nuôi 1 vụ tôm sú, 1 vụ tôm thẻ và 1 vụ lúa. Sau đó, con tôm càng xanh (tôm nước ngọt) được đưa vào nuôi xen canh trong vụ lúa góp phần nâng cao đáng kể hiệu quả của mô hình.
Với hệ thống sản xuất tôm - lúa phát triển mạnh mẽ ở Kiên Giang và được xác định là mô hình đặc trưng và quan trọng trong cơ cấu nuôi tôm của địa phương. Ngành nông nghiệp Kiên Giang đã và đang khuyến khích, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ mô hình canh tác tôm - lúa.
Theo đó, tỉnh tập trung đầu tư hạ tầng, tiếp tục chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang mô hình tôm - lúa, nuôi đa canh kết hợp nhiều loài thủy sản có giá trị khác.
Nghề nuôi tôm nước lợ tập trung tại các huyện vùng Tứ giác Long Xuyên và vùng U Minh Thượng, với những loại hình khác nhau, phù hợp từng vùng sinh thái, thích ứng biến đổi khí hậu. Đối với diện tích đất trồng lúa bị ảnh hưởng xâm nhập mặn trong năm từ 3 tháng trở lên chuyển sang phát triển sản xuất tôm - lúa.
Trong đó, nuôi tôm - lúa tập trung ở các huyện vùng U Minh Thượng và phía Nam quốc lộ 80 thuộc vùng Tứ Giác Long Xuyên, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, các hình thức liên kết sản xuất theo hướng phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh phát triển mô hình tôm - lúa ở khu vực ven biển thuộc thành phố Rạch Giá, huyện Hòn Đất và Kiên Lương.
Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang hàng năm triển khai từ 500 - 1.000 ha xây dựng các mô hình tôm - lúa quản lý cộng đồng, để hướng dẫn nông dân áp dụng các quy trình canh tác, tuyên truyền và nhân rộng các mô hình hiệu quả. Ngoài ra, trên những vùng sinh thái này còn tập trung phát triển nuôi tôm càng xanh trên cơ sở ứng dụng kỹ thuật, công nghệ nuôi mới vào sản xuất và thu hoạch sản phẩm, tổ chức liên kết việc tiêu thụ sản phẩm tôm thu hoạch.
Theo quy hoạch, diện tích nuôi tôm nước lợ của tỉnh Kiên Giang đến năm 2030 khoảng 145.500ha, với 3 loại hình nuôi công nghiệp - bán công nghiệp, nuôi quảng canh - quảng canh cải tiến và luân canh tôm - lúa, sản lượng thu hoạch trên 159.000 tấn. Tỉnh phấn đấu 100% vùng nuôi tôm tập trung được kiểm soát môi trường, dịch bệnh và an toàn thực phẩm.
Tăng cường công tác kiểm soát dịch bệnh
Từ đầu năm đến nay, nông dân tỉnh Kiên Giang đã thả nuôi tôm nước lợ được 128.860ha. Trong đó, hình thức nuôi tôm - lúa và nuôi quảng canh - quảng canh cải tiến tập trung ở các huyện vùng U Minh Thượng như: Gò Quao, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận, An Minh, An Biên và một phần của huyện Hòn Đất. Nuôi tôm công nghiệp - bán công nghiệp tập trung ở huyện Kiên Lương, Giang Thành và thành phố Hà Tiên.
Những tháng đầu năm nay, tình hình nuôi tôm nước lợ ở tỉnh Kiên Giang có nhiều thuận lợi về môi trường, thời tiết khí hậu, tôm phát triển tốt, dịch bệnh trên tôm nuôi ít xảy ra. Cùng với đó, ngành chức năng tăng cường quan trắc, cảnh báo môi trường, phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường vùng nuôi tôm. Đồng thời, nâng cao năng lực quản lý, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển nghề nuôi tôm về số lượng và chất lượng.
Công tác xét nghiệm tôm giống và tôm nuôi bị dịch bệnh được ngành chức năng làm thường xuyên. Nhờ đó, tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi được kiểm soát tốt, không xảy ra những ổ dịch lớn, gây thiệt hại trên diện rộng.
Ông Nguyễn Đình Xuyên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y Kiên Giang cho biết, lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng diện tích tôm nuôi bị thiệt hại trên địa bàn tỉnh là 2.800ha, gồm các bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp tính, hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô, vi bào tử trùng… Tuy nhiên, phần lớn tôm nuôi bị thiệt hại là do sốc môi trường khi có những bến động đột ngột (gây thiệt hại 2.579 ha) ở các huyện An Biên, Vĩnh Thuận, Gò Quao, U Minh Thượng và An Minh.
Ông Xuyên nhận định, hiện nay tình hình thời tiết thường có những cơn mưa lớn nên môi trường thay đổi đột ngột, làm sức đề kháng của tôm nuôi giảm. Đồng thời, nhiều diện tích tôm nuôi đang ở độ tuổi mẫn cảm với dịch bệnh nên nguy cơ dịch bệnh trên tôm nuôi còn tiếp tục xảy ra trong thời gian tới.
Chi cục Chăn nuôi - Thú y Kiên Giang đã tăng cường cán bộ kỹ thuật giám sát tình hình thiệt hại trên tôm nuôi khi ghi nhận thông tin từ các trạm và phối hợp chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp phòng chống lây lan. Cấp phát hóa chất chlorine hỗ trợ các hộ nuôi xử lý ở dịch theo đúng quy định, tránh lây lan bùng phát các ổ dịch trên diện rộng.
Để góp phần cải thiện năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh tế của nuôi tôm - lúa, cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang khuyến cáo, cần chú trọng quan tâm đến kỹ thuật nuôi, như: chọn con giống chất lượng và giống được ương vèo với kích cỡ đạt từ 1,5 - 2 cm trước khi thả ra ruộng nuôi. Đảm bảo mật độ tôm giống thả nuôi và số lần thả trong vụ nuôi, để nâng cao sản lượng.
Xây dựng hệ thống mương vuông nuôi phải phù hợp, độ sâu mực nước trên trảng nuôi (mặt ruộng) phải đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Thay nước có kiểm soát, sử dụng vôi, zeolite và các chế phẩm vi sinh định kỳ để xử lý môi trường nước.
Quản lý tốt môi trường nuôi, sức khỏe tôm phù hợp cho phát triển mô hình tôm - lúa, nhằm tăng sức đề kháng, tăng trưởng nhanh, nâng cao tỷ lệ sống, giảm chi phí sản xuất, đạt hiệu quả kinh tế cao.
Ngành nông nghiệp các địa phương tiếp tục đẩy mạnh, tổ chức lại sản xuất theo hướng hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất tôm - lúa.
Khuyến khích phát triển hình thức liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, chứng nhận vùng nguyên liệu đạt an toàn thực phẩm, trong đó gắn với các doanh nghiệp thu mua, chế biến sản phẩm để nâng cao giá trị.
Xây dụng các vùng nuôi tập trung, quản lý tốt an toàn dịch bệnh, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm tôm sạch sinh thái.
Nâng cao chất lượng sản phẩm với việc thực hiện theo quy chuẩn VietGAP, tuyên truyền cho người nuôi không sử dụng các hóa chất, kháng sinh cấm trong nuôi trồng thủy sản, không bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu.
Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất tôm - lúa hữu cơ, tiến tới xây dựng thương hiệu tôm - lúa vùng ĐBSCL.
Phát triển nuôi tôm - lúa thích ứng với biến đổi khí hậu
Theo ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), phát triển mô hình sản xuất tôm - lúa ở các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL nhằm phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên và thích ứng với biến đổi khí hậu, xâm nhậm mặn. Năm 2022, tiếp tục duy trì phát triển sản xuất nuôi tôm - lúa toàn vùng là 210.000ha, sản lượng thu hoạch đạt 130.000 tấn.
Cùng với đầu tư cơ sở hạ tầng, hệ thống thủy lợi cho phát triển tôm - lúa, là tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật sản xuất tôm giống, nuôi tôm thương phẩm và kiểm soát tốt dịch bệnh trong quá trinh nuôi. Đầu tư xây dựng hệ thống quan trắc, cảnh báo môi trường, dịch bệnh cho các vùng nuôi tôm - lúa, nhằm phát triển nuôi tôm và trồng lúa một cách bền vững.