| Hotline: 0983.970.780

Lo ngại xây dựng thủy điện tại làng du lịch Kon Kơ Tu

Thứ Sáu 22/07/2022 , 13:20 (GMT+7)

Xây dựng thủy điện tại làng du lịch không chỉ mất đi vẻ đẹp cảnh quan mà còn khiến nỗi lo mất đất sản xuất, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân về sau.

Nhiều cử tri lo ngại về việc xây dựng thủy điện tại làng du lịch Kon Kơ Tu. Ảnh Tuấn Anh.

Nhiều cử tri lo ngại về việc xây dựng thủy điện tại làng du lịch Kon Kơ Tu. Ảnh Tuấn Anh.

Bổ sung thủy điện, dân lo sinh kế

Dự án Thủy điện Đăk Bla 3 nằm trên làng du lịch Kon Kơ Tu thuộc địa phận xã Đăk Rơ Wa (TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) được Bộ công thương bổ sung vào Quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ tỉnh Kon Tum năm 2020. Thủy điện Đăk Bla 3 công suất lắp máy 8,6 MW, diện tích chiếm đất của dự án gần 50ha. Trong đó, đất sản xuất gần 14 ha của 28 hộ dân, còn lại là đất sông suối và đất lâm nghiệp. Hiện Sở Công thương cùng Sở Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến người dân cũng như các đơn vị có liên quan để đánh giá tác động môi trường của dự án thủy điện.

Năm 2020, làng Kon Kơ Tu, được công nhận là làng du lịch cộng đồng. Điều này đã góp phần tạo cơ hội việc làm, thu nhập cho người dân địa phương và góp phần tạo dựng thương hiệu du lịch cộng đồng tại Kon Tum. Điểm nhấn trong trải nghiệm du lịch tại đây là cảnh quan hoang sơ, các ghềnh đá, bãi sông và du lịch bằng thuyền độc mộc trên sông Đăk Bla… Việc xây dựng thủy điện khiến khu du lịch có nguy cơ biến mất khi dòng sông bị ngăn chặn.

Tuy nhiên, ngay khi biết thông tin doanh nghiệp chuẩn bị đầu tư Dự án Thủy điện Đăk Bla 3 tại làng du lịch Kon Kơ Tu, người dân nơi đây rất lo lắng và có ý kiến phản đối, không thống nhất với quy hoạch xây dựng thủy điện tại đây. Người dân cho rằng, việc xây dựng thủy điện sẽ làm mất đi vẻ đẹp, bản sắc đặc trưng của làng du lịch Kon Kơ Tu.

Ngoài ra, nhiều vấn đề khác như sinh kế của người dân bị ảnh hưởng do mất đất sản xuất, nỗi lo đập vỡ, nguy cơ mất an toàn cho người dân khi thủy điện vận hành… khiến người dân không đồng thuận, thậm chí phản ứng quyết liệt. 

Chị Y Thúy (thôn Kon Kơ Tu) cho biết, toàn thể bà con đều không nhất trí việc làm thủy điện ở trên đầu làng vì những tổn thất mà dự án này gây ra và ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống người dân nơi đây. 

Chung quan điểm, chị Y Not (thôn Kon Kơ Tu) cho biết, chúng tôi không đồng ý bởi việc xây dựng thủy điện sau này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân trong làng. Cùng với đó, dòng sông nơi đây sẽ mất đi vẻ đẹp mà thiên nhiên ban tặng.

Việc xây dựng thủy điện sẽ khiến cảnh quan nơi đây mất đi vẻ đẹp. Ảnh: Tuấn Anh.

Việc xây dựng thủy điện sẽ khiến cảnh quan nơi đây mất đi vẻ đẹp. Ảnh: Tuấn Anh.

Theo ông A Đưn, Thôn trưởng Kon Kơ Tu, đa phần người dân phản đối xây dựng thủy điện vì vì đây là làng du lịch cộng đồng, khi xây dựng thủy điện sẽ mất đi vẻ đẹp cảnh quan của dòng sông và sẽ không thu hút được khách du lịch đến đây tham quan.

Trong khi đó, ông Đào Văn Hậu, Chủ tịch UBND xã Đăk Rơ Wa cho biết, ý kiến người dân chưa đồng tình với việc xây dựng thủy điện tại làng du lịch Kon Kơ Tu. Hiện nay, các ngành chức năng của tỉnh đang xem xét và có ý kiến chính thức việc có nên đầu tư thủy điện này hay không. Về quan điểm của địa phương, chúng tôi vẫn tôn trọng ý kiến của người dân. Dự án có triển khai được không thì phải xuất phát từ ý kiến của người dân mới được thực hiện.

Phải tôn trọng ý kiến người dân

Quan điểm của Sở Công thương tỉnh Kon Tum thì đây công trình có chức năng điều tiết lũ cho khu vực TP Kon Tum và tăng thu ngân sách cho địa phương cũng như tạo cảnh quan cho cả khu vực. Tuy nhiên, lo ngại từ phía người dân và chính quyền địa phương là có cơ sở khi những hệ lụy mà các công trình thuỷ điện nhỏ trên địa bàn gây ra vẫn chưa được giải quyết triệt để. 

Trước đó, Báo Nông Nghiệp Việt Nam đã có hàng loạt bài viết về những hệ lụy từ các dự án thủy điện ở Kon Tum. Theo đó, tỉnh Kon Tum được xem là nơi có thủy điện nhiều nhất khu vực Tây Nguyên với 81 dự án, chiếm hơn 1.158ha đất rừng. Mạng lưới thủy điện chi chít, dày đặc tập trung nhiều tại các huyện: Kon Plông, Tu Mơ Rông, Đăk Hà, Kon Rẫy... đã gần như bóp nghẹt cảnh quan, cùng với đó là tình trạng hạn hán, lũ lụt ngày một lớn. Quan ngại hơn, cuộc sống người dân đang sinh sống quanh khu vực thủy điện càng trở nên cơ cực.

Hiện tại, cuộc sống của người dân tại làng Kon Kơ Tu phụ thuộc chủ yếu vào du lịch. Ảnh Tuấn Anh.

Hiện tại, cuộc sống của người dân tại làng Kon Kơ Tu phụ thuộc chủ yếu vào du lịch. Ảnh Tuấn Anh.

Lý giải về việc xây dựng thủy điện, ông Nguyễn Văn Hải, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bê tông Chiến Thắng (chủ đầu tư Dự án Thủy điện Đăk Bla 3) cho biết, Thủy điện Đăk Bla 3 có chức năng điều tiết nước vào mùa lũ và giữ nước trong mùa khô nên không ảnh hưởng đến đất sản xuất của người dân.

Ông Lê Như Nhất, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Kon Tum cho biết, với mực nước dâng bình thường 524 và khả năng thoát lũ công trình này đối với cao trình hiện tại ở làng trong 70 năm trở lại không thể ngập đến làng này, nên người dân không phải di dời. Về vấn đề sợ vỡ đập, chúng tôi cam kết trong quá trình triển khai thực hiện các quy trình được đảm bảo, việc vỡ đập rất hạn chế và gần như là không có khả năng xảy ra.

“Chúng tôi ủng hộ cao việc triển khai này, đảm bảo các điều kiện, tăng thêm nguồn thu ngân sách cho địa phương. Tuy nhiên, phải được sự đồng thuận của người dân địa phương trước khi triển khai dự án. Từ quan điểm đó, chúng tôi kiến nghị với UBND tỉnh cần đánh giá cụ thể lại, có sự phối hợp của nhà đầu tư, UBND thành phố, 2 xã Đăk Rơ Wa, Đăk Blà tiếp tục tổ chức tham vấn cộng đồng sau khi tạo được sự đồng thuận thì sẽ cho đơn vị triển khai đề án đúng trình tự”, ông Nhất cho biết.

Ông Nguyễn Thanh Mân, Chủ tịch UBND TP Kon Tum cho biết, hiện nay Thủy điện Đăk Bla 3 đang lấy ý kiến của các Sở, ngành và người dân về chủ trương đầu tư. Qua quá trình khảo sát, thủy điện này xây dựng gần làng du lịch Kon Kơ Tu nên người dân không đồng ý vì lo sợ mất đất sản xuất và ảnh hưởng đến du lịch cộng đồng tại khu vực này.

“Quan điểm của thành phố, nếu người dân đồng tình thì triển khai, còn không thì thôi. Bởi khi người dân không đồng tình sẽ gây ra những hệ lụy, khó khăn trong công tác ổn định cuộc sống của người dân cũng như ổn định trật tự trên địa bàn thành phố”, ông Mân khẳng định.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nhiều bến xe 'bỏ thì thương, vương thì tội'

Tiền Giang Trong thời gian dài, bến xe thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) rất ít phương tiện ra vào đón khách, bốc dỡ hàng hóa, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.