| Hotline: 0983.970.780

Lo nội thất cho "căn nhà" NTM

Thứ Năm 22/03/2012 , 10:16 (GMT+7)

Đời sống của người dân chính là “nội thất” của “căn nhà” NTM. Căn nhà dẫu khang trang, đẹp đẽ mà nội thất tuềnh toàng thì cũng chẳng ý nghĩa gì.

Đời sống của người dân chính là “nội thất” của “căn nhà” NTM. Căn nhà dẫu khang trang, đẹp đẽ mà nội thất tuềnh toàng thì cũng chẳng ý nghĩa gì. Đây chính là nỗi lo của những người có trách nhiệm ở tỉnh Bình Định đối với những huyện nghèo.

Bình Định có có 3 huyện nghèo: Vân Canh, Vĩnh Thạnh và An Lão. Từ năm 2009 đến nay, bằng nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ, của tỉnh và sự góp tay của các DN thông qua Chương trình giảm nghèo nhanh - bền vững (GNN-BV) theo tinh thần Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ (NQ 30a), Bình Định đã xây dựng được 287 công trình điện, đường, trường, trạm... tại 3 huyện nghèo Vân Canh, Vĩnh Thạnh và An Lão. Diện mạo nông thôn ở các địa phương nói trên đã có nhiều khởi sắc. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ xây dựng nhà ở, phát triển sản xuất, giáo dục, y tế... được triển khai đồng bộ, từng bước nâng cao đời sống sinh hoạt vật chất, tinh thần của người dân. Bằng những nỗ lực trên, đến cuối năm 2010, tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn 3 huyện nói trên giảm đáng kể, từ 66,84% giảm xuống còn 37,53%. 

Khu TĐC của đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Vĩnh Thạnh

Tuy nhiên, ở một số địa phương, do trình độ của cán bộ còn thấp, việc tiếp thu và thực hiện các chủ trương, chính sách, biện pháp GNN-BV bị hạn chế dẫn đến công tác tuyên truyền, nhận thức về Nghị quyết 30a chưa thực sự thống nhất và chưa được phổ biến sâu rộng, nên việc tổ chức chỉ đạo thực hiện chưa thực sự quyết liệt. Theo đó, các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số cũng chưa quyết tâm trong việc phát huy nội lực để GNN-BV, mà còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước. Tiến độ phát triển về đời sống của người dân bị chững lại, nhiều hộ tái nghèo.

Theo kết quả điều tra mới đây tại các huyện nghèo nói trên theo chuẩn nghèo mới của Chính phủ, tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo lại tăng cao. Cụ thể: An Lão 64,14%; Vân Canh 58,69% và Vĩnh Thạnh 61,13%. Về nhà ở, những hộ hiện đang ở nhà đơn sơ, tạm bợ vẫn còn trên con số 2.000. Vấn đề giao khoán chăm sóc, khoanh nuôi, bảo vệ rừng nhằm tạo thu nhập cho người dân tại các huyện nghèo cũng đang gặp trắc trở do nhiều diện tích rừng trước đây thuộc Chương trình dự án 5 triệu ha rừng đã kết thúc trong năm 2010, các địa phương không có kinh phí để thực hiện giao khoán cho dân bảo vệ diện tích rừng đã trồng. Đây chính là những vướng mắc khi các địa phương nói trên thực hiện Chương trình xây dựng NTM.

Khó khăn thì tháo gỡ, trong năm 2012 này, Bình Định quyết tâm dốc toàn lực nhằm cải thiện tình hình. Bà Trần Thị Thu Hà, Phó chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: “Chúng tôi đang triển khai nhiều biện pháp nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình GNN-BV tại 3 huyện nghèo. Trong đó, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân về mục đích, ý nghĩa, nội dung các chính sách của Đảng và Nhà nước về Chương trình, nhằm từng bước xã hội hóa công tác giảm nghèo tại các địa phương. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tiếp tục huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, y tế, giáo dục, việc làm, giúp nhân dân các huyện nghèo giảm nghèo”.

"Trong năm 2012, Bình Định sẽ hoàn thành việc hỗ trợ xây dựng nhà ở cho các hộ nghèo đang ở nhà tạm mới phát sinh thêm. Từ năm 2013 trở đi, các địa phương sẽ chủ động huy động cộng đồng xã hội cùng với nguồn vốn cho vay tín dụng ưu đãi để tiếp tục hỗ trợ hộ nghèo cải thiện nhà ở", bà Trần Thị Thu Hà, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định.

Cũng theo bà Trần Thị Thu Hà, các nội dung được Bình Định ưu tiên trong việc thực hiện Chương trình GNN-BV tại các huyện nghèo là nguồn vốn tín dụng ưu đãi, hoạt động đào tạo, tập huấn, khuyến nông - lâm - ngư và khuyến công; giúp người nghèo tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, cho vay vốn. Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình GNN-BV của tỉnh sẽ hướng dẫn các địa phương quy hoạch đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở các xã đặc biệt khó khăn, tập trung giải quyết trước các công trình đáp ứng nhu cầu thiết yếu để đảm bảo điều kiện phát triển kinh tế và ổn định đời sống cho nhân dân.

Tỉnh cũng sẽ ưu tiên hỗ trợ nguồn lực để triển khai xây dựng quy hoạch phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và phát triển ngành nghề trên địa bàn 3 huyện nghèo; nâng cấp cơ sở y tế nhằm đảm bảo cung cấp các dịch vụ y tế cơ bản, đáp ứng yêu cầu thiết yếu cho người dân ở những vùng đặc biệt khó khăn; đồng thời thực hiện chính sách miễn, giảm học phí cho học sinh tại các huyện nghèo.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Hà Nội có hơn 2.700 sản phẩm OCOP, nhiều nhất cả nước

Tính đến tháng 4/2024, 63 tỉnh/thành trên phạm vi toàn quốc đã đánh giá, phân hạng được 12.075 sản phẩm OCOP, trong đó Hà Nội có 2.711 sản phẩm, chiếm số lượng nhiều nhất.