Điều bí ẩn và kỳ lạ này vẫn tồn tại đến ngày nay cho dù loài cá heo Irrawaddy đang trên bờ vực tuyệt chủng.
Chúng thường bơi theo đàn, không quá 5 con. Chúng thường lặn xuống rồi trồi lên mặt nước chứ không bơi ào ào theo các con tàu như những anh em họ hàng của chúng sống ngoài biển. Có người gọi cá heo Irrawaddy là cá heo sông, nhưng thực tế cách gọi này không chính xác bởi loài cá này có thể sống ở cả môi trường biển.
Những người bạn đặc biệt
“Khi ngư dân theo dấu cá heo, họ gõ nhịp lên thành thuyền gỗ. Sau đó, họ dùng mái chèo khỏa nhẹ trong nước theo hướng đi của kim đồng hồ và ngược lại, thường xuyên kết hợp hai loại âm thanh từ tiếng khỏa nước và tiếng gõ mạn thuyền. Làm như thế là để thông báo với cá heo là chúng tôi đã ở đây”, một ngư dân ở thị trấn Singu nói với báo Irrawaddy.
“Đôi khi chúng không biết đó là thù hay bạn. Vì thế chúng tôi khỏa nước thật nhẹ nhàng để thuyết phục chúng rằng chúng tôi không phải là kẻ thù và rằng hãy đi bắt cá cùng chúng tôi”.
Tuy nhiên, không phải lúc nào cách này cũng thành công. “Có những lần chúng tôi phải quay về mà không thấy con cá heo nào. Cũng có lần chỉ thấy một, hai con”, ngư dân nọ cho biết.
Hôm đó, sau một hồi ra tín hiệu, các ngư dân đã thấy hai chú cá heo Irrawaddy xuất hiện ở đằng xa bơi quanh quẩn nhằm đánh giá tình hình. Một lúc lâu, khi thấy mọi thứ đều ổn, chúng bắt đầu bơi tiến bơi lui theo hình bán nguyệt, lùa một đàn cá về phía thuyền của ngư dân. Vòng vây ngày càng khép kín và rồi một trong hai con cá heo bơi ra khỏi vòng canh không cho chú cá mồi nào thoát khỏi đàn, biến khỏi vòng vây.
Trong khi đó, ngư dân chuẩn bị quăng chài trong khi đợi tín hiệu từ cá heo. Khi nào một trong các chú cá heo thò đuôi lên khỏi mặt nước và vẫy, ngư dân biết rằng thông điệp của hành động này là cá đã nhiều, đã đến lúc quăng lưới.
Ngư dân gõ vào mạn thuyền để báo hiệu họ chuẩn bị quăng chài. Ngay khi tấm lưới bung ra, hai con cá heo đã nhanh chóng bơi ra khỏi tầm nguy hiểm.
Khi những con cá đang còn giãy đành đạch trên thuyền, cặp cá heo bơi lại gần, nổi lên mặt nước để đợi lấy phần cá của chúng, được các ngư dân chia cho. Đôi khi chúng không bơi xa mà ở ngay gần để bắt những con cá thoát được khỏi tấm lưới.
Ngư dân lại gõ mạn thuyền sau khi bỏ cá bắt được vào nơi cần thiết và những chú cá voi bơi lại gần như chờ đợi lệnh. Một ngư dân khỏa nước bằng mái chèo và hai chú cá heo phát ra những tiếng kêu từ cổ họng biểu hiện chúng đã hiểu ý và bơi đi tìm cá. Cuộc đánh bắt lại tiếp tục.
“Nếu chúng tôi bắt được đủ số cá cần thiết, chúng tôi sẽ báo cho cá heo bằng tín hiệu khác và chúng cũng hiểu”, một ngư dân nói. “Chúng tôi cho chúng ăn cá và khi chúng no, chúng sẽ bơi lòng vòng, tạo ra tiếng kêu, đôi khi bắn nước từ miệng lên như thế chào từ biệt và rồi lặn đi mất”.
Theo ngư dân địa phương, bắt cá với cá heo có thể giúp họ tăng sản lượng cá lên gấp ba lần so với cách đánh bắt thông thường. Và mối quan hệ cộng sinh giữa người và cá heo trên sông Irrawaddy đã được bảo tồn và gìn giữ trong hàng trăm năm, qua nhiều thế hệ ngư dân.
Cá heo đang lâm nguy
Đoạn sông Irrawaddy chảy từ Kyauk Myaung đến Mingun ở cố đô Mandalay dài khoảng 370km là nơi người ta thường thấy cá heo Irrawaddy. Khu vực này đã được nâng thành vùng bảo tồn cá heo Irrawaddy từ năm 2005.
Một chú cá heo Irrawaddy nổi lên mặt nước (Ảnh: National Geographic)
Theo Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên hoang dã (WCS) có trụ sở ở New York (Mỹ), số cá heo tìm thấy ở khu vực Kyauk Myaung đã tăng lên 86 con ở thời điểm năm 2012, trong đó có nhiều cá con. Ở thời điểm 2003, chỉ có 37 con được tìm thấy. WCS đang hợp tác với Bộ Ngư nghiệp Myanmar để bảo tồn loài cá heo quý hiếm và độc đáo của Irrawaddy, dòng sông quan trọng hàng đầu đất nước Chùa Vàng.
Tuy nhiên, cá heo Irrawaddy đang phải đối mặt với những mối nguy nghiêm trọng do nạn đánh cá bằng điện và ô nhiễm thủy ngân gây ra. Nguồn thủy ngân là từ các mỏ khai thác vàng cũng như các hoạt động nạo vét ở đầu nguồn nước.
Tint Tun, một nhà sinh học nghiên cứu về cá heo Irrawaddy đã thúc giục chính quyền áp dụng các điều luật cần thiết để ngăn chặn các hành động gây hại cho giống cá quý hiếm này, đặc biệt là khi các hoạt động du lịch đang ngày càng nở rộ trên dòng sông Irrawaddy.
“Mặc dù giống cá heo Irrawaddy không có mấy liên quan đến các hoạt động du lịch, đến du khách như ở nhiều nước khác, chúng ta rất cần biết những hoạt động có thể làm xáo trộn đời sống của chúng”, ông Tint Tun nói. Ông cũng đề cập các tour du lịch ở Campuchia, nơi cá heo Irrawaddy là một trong những thứ hấp dẫn du khách. Những tour này không được sử dụng tàu gắn động cơ, thay vào đó phải di chuyển bằng mái chèo để tránh gây kinh động đến loài cá quý.