| Hotline: 0983.970.780

Loạn thuốc bảo vệ thực vật, hạt giống trôi nổi ở chợ vùng cao

Thứ Tư 17/04/2024 , 06:39 (GMT+7)

HÀ GIANG Tại các chợ phiên ở Hà Giang, việc bán hạt giống ngô, lúa, rau củ không rõ nguồn gốc và thuốc bảo vệ thực vật bị cấm lưu hành diễn ra khá công khai.

Loạn thuốc bảo vệ thực vật, hạt giống trôi nổi ở chợ phiên Phố Cáo. Ảnh: Lê Hoàn.

Loạn thuốc bảo vệ thực vật, hạt giống trôi nổi ở chợ phiên Phố Cáo. Ảnh: Lê Hoàn.

Thuốc bảo vệ thực vật bán cùng thực phẩm, mỹ phẩm...

Phố Cáo là xã vùng cao của huyện Đồng Văn (tỉnh Hà Giang). Ở đây có chợ phiên Phố Cáo họp từ rất sớm và kết thúc vào lúc đã trưa. Đồng bào trong vùng thường đến chợ để mua đủ các nhu yếu phẩm phục vụ đời sống, trong đó tất nhiên các loại hạt giống như ngô, lúa, rau củ và thuốc bảo vệ thực vật thường là những mặt hàng được nhiều người tìm mua.

Theo chân đoàn kiểm tra của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Giang về kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh, buôn bán giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh và Quản Bạ, chúng tôi ghi nhận tình trạng giống cây trồng không rõ nguồn gốc, thậm chí có cả các loại thuốc bảo vệ thực vật đã bị cấm lưu hành tại Việt Nam vẫn được người dân vô tư bày bán tràn lan xen lẫn những mặt hàng khác, thậm chí là đồ ăn, mỹ phẩm, quần áo…

Đặc điểm của những gian hàng này là được trưng bày rất bắt mắt, người mua và cả người bán dù không biết những nội dung cụ thể ghi trên bao bì cũng có thể dễ dàng mua bán, sử dụng mà không cần ai phải hướng dẫn.

Tại một số gian hàng bày bán tại chợ Phố Cáo, khi thấy đoàn kiểm tra, các tiểu thương đều nhanh chóng cho hàng hóa vào bao để “về” dù lúc đó mới hơn 8 giờ sáng.

Một tiểu thương tại phiên chợ không ngần ngại cho biết, bản thân lấy hàng là những loại giống ngô, lúa hay thuốc bảo vệ thực vật về bày bán chủ yếu là do kinh nghiệm chạy hàng chợ lâu năm chứ cũng không biết tên hay nguồn gốc cũng như quy định về việc được bán hay không được bán mặt hàng nào.

Các sạp hàng bán hạt giống, thuốc BVTV ở chợ Phố Cáo đều không đủ điều kiện kinh doanh. Ảnh: Lê Hoàn.

Các sạp hàng bán hạt giống, thuốc BVTV ở chợ Phố Cáo đều không đủ điều kiện kinh doanh. Ảnh: Lê Hoàn.

Theo quy định, để được cấp phép, người bán thuốc bảo vệ thực vật cần phải có chứng chỉ hành nghề do cơ quan có thẩm quyền cấp, cùng nhiều yêu cầu khác. Tuy nhiên hầu hết các hộ kinh doanh ở chợ đều trong tình trạng không có giấy phép kinh doanh, không chứng chỉ hành nghề và bán những thuốc không rõ nguồn gốc. Một số tiểu thương tại chợ kinh doanh các mặt hàng này thì trình bày do thấy những người khác nhập về bán được nên cũng nhập về bán theo.

Trên thực tế, bên cạnh những mặt hàng giống cây trồng hay thuốc bảo vệ thực vật được sản xuất từ các công ty Việt Nam thì các mặt hàng giống cây trồng, các loại thuốc bảo vệ thực vật ở chợ phiên nơi đây đều có chữ Trung Quốc, khi quét mã QR trên điện thoại cũng hiện về thông tin nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm hoàn toàn bằng tiếng Trung Quốc.

Dân vùng cao đi chợ, rất nhiều người ghé qua mua thuốc bảo vệ thực vật. Với giá trung bình chỉ 5 nghìn đồng/gói thuốc diệt cỏ Trung Quốc, các gia đình cứ dùng hết lại ra chợ phiên mua, bao nhiêu cũng có. Điều đáng nói, tình trạng các loại hạt giống cây trồng hay thuốc bảo vệ thực vật ở chợ Phố Cao được bày bán tràn lan không phải là mới.

Phó Chủ tịch UBND xã Phố Cáo - ông Vàng Mí Pó thừa nhận, tình trạng này đã diễn ra nhiều năm, chính quyền xã cũng biết, cũng ra quân nhắc nhở, tuyên truyền nhưng tình trạng trên vẫn diễn ra. Khi bị kiểm tra, họ thường viện lý do: “Mình không biết về quy định, cán bộ nói thì mình không bán nữa”, nhưng sau đó vẫn tái diễn tình trạng này.

Chủ các sạp hàng bày bán thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số và nhiều người không nói được hoặc nói được bập bõm tiếng phổ thông. Đây là rào cản trong công tác quản lý. Ảnh: Lê Hoàn.

Chủ các sạp hàng bày bán thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số và nhiều người không nói được hoặc nói được bập bõm tiếng phổ thông. Đây là rào cản trong công tác quản lý. Ảnh: Lê Hoàn.

Không chỉ tại chợ Phố Cáo, một chợ phiên khác tại huyện Đồng Văn là chợ Sà Phìn tình trạng buôn bán giống không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thuốc bảo vệ thực vật đã bị cấm lưu hành cũng diễn ra công khai. Theo khảo sát, gần 15 quầy bán giống và thuốc bảo vệ thực vật trong chợ đều là tự phát và không được cấp phép.

Những mặt hàng này được bày bán khắp nơi trong chợ, không có địa điểm cố định, không có tủ mà được bày bán ngay trên các miếng bạt đơn giản xen lẫn với các loại hàng hóa khác, kể cả là thực phẩm. Vậy nên tình trạng người bán vừa bán xong một gói thuốc bảo vệ thực vật rồi chuyển sáng bán mỹ phẩm cho khách hàng là điều không phải hiếm gặp.

Chủ các sạp hàng hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số và nhiều người không nói được hoặc nói được bập bõm tiếng phổ thông. Người mua hầu hết cũng là đồng bào cũng chẳng cần phải hỏi nhiều về chất lượng hay nguồn gốc sản phẩm, chỉ cần chỉ vào mặt hàng giống nào là người bán sẽ đưa cho, tính tiền rồi cứ thế mang về sử dụng. Nếu dùng thấy có hiệu quả thì lần sau mua tiếp, không hiệu quả thì thôi.

Các huyện vùng cao nguyên đá Hà Giang chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Nhu cầu hạt giống hay thuốc bảo vệ thực vật sẽ được các tiểu thương đáp ứng theo mùa vụ. Hiện tại, tháng 3, tháng 4 đang vào vụ gieo trồng ngô nên thị trường hạt giống ngô và thuốc bảo vệ thực vật tại các chợ phiên vùng cao có vẻ sôi động hơn, số lượng vì thế cũng nhiều hơn.

Các giống ngô của Trung Quốc như 811, 611, 69… được người dân ưa chuộng với lý do dễ mua và nhất là nó “tốt và khỏe” hơn so với các giống ngô do Việt Nam sản xuất.

Không dễ quản lý

Tại Hà Giang, nông nghiệp luôn đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong cơ cấu nền kinh tế, vừa đảm bảo an ninh lương thực vừa tạo sinh kế bền vững cho nhân dân.

Việc tràn lan các loại giống cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật không rõ nguồn gốc tại các chợ phiên như hiện tại là tình trạng rất đáng lo ngại. Hạt giống trôi nổi có thể ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm nông sản. Sử dụng tùy tiện thuốc bảo vệ thực vật gây nhiều hệ lụy như lãng phí kinh tế, tổn hại sức khỏe, hủy hoại môi trường, đất đai cằn cỗi…

Thuốc diệt cỏ không được phép lưu hành tại Việt Nam vẫn được bán tràn lan tại chợ Phố Cáo. Ảnh: Lê Hoàn.

Thuốc diệt cỏ không được phép lưu hành tại Việt Nam vẫn được bán tràn lan tại chợ Phố Cáo. Ảnh: Lê Hoàn.

Những năm qua, ngành nông nghiệp cùng chính quyền các địa phương tại Hà Giang đã có nhiều văn bản quản lý cũng như tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo về giống cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật và tập huấn chuyên môn về cách thức sử dụng đúng cách cho hàng chục nghìn người dân.

Ðồng thời, triển khai thực hiện mô hình nâng cao năng lực của chính quyền cấp xã trong quản lý nhà nước về thuốc bảo vệ thực vật. Lồng ghép tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về lĩnh vực bảo vệ thực vật; kiểm tra chuyên ngành, kiểm tra, đánh giá điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật đối với các tổ chức, cá nhân buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, phân bón. Bên cạnh đó, tổ chức các đoàn kiểm tra, xử phạt các cơ sở vi phạm trong kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật.

Tuy nhiên vì lợi nhuận nên nhiều người vẫn ngang nhiên bày bán những mặt hàng này và người mua cũng vì nhiều lý do nên thích mua ở các sạp hàng không đăng ký mà không đến các cửa hàng được cấp phép để mua.

Thế nên câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” trong việc buôn bán, lưu hành, sử dụng hạt giống trôi nổi, thuốc bảo vệ thực vật không được phép lưu hành vẫn tồn tại dai dẳng từ ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác.

“Muốn xử lý hoặc ít nhất là giảm thiều tình trạng mua bán giống cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật không có nguồn ngốc cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị từ thôn bản, xã, huyện và cuối cùng là tỉnh. Vì thế, ngoài sự nỗ lực của ngành nông nghiệp thì rất cần sự chung tay vào cuộc của lực lượng quản lý thị trường, công an, chính quyền địa phương, người kinh doanh và cả nhận thức và hành động của người mua. Tuy nhiên, để giải quyết được vấn đề này trong ngày một, ngày hai là không hề dễ”, ông Nguyễn Văn Tú, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hà Giang chia sẻ.

Xem thêm
Nuôi dê chủ yếu bằng trái cây

ĐẮK NÔNG Thức ăn của đàn dê chủ yếu là những thứ có sẵn trong vườn như mít, chuối, cỏ ngọt nên thịt dê đạt chất lượng cao, thương lái 'tranh nhau mua'.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.