| Hotline: 0983.970.780

Lợi ích lớn từ việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả

Thứ Bảy 10/12/2022 , 14:25 (GMT+7)

Chương trình ‘Hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả, có trách nhiệm năm 2021-2022’ đã mang lại nhiều kết quả tích cực ở Đồng Tháp.

Nông dân xã Tân Khánh Đông, TP Sa Đéc, Đồng Tháp thu gom vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng. Ảnh: Thanh Sơn.

Nông dân xã Tân Khánh Đông, TP Sa Đéc, Đồng Tháp thu gom vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng. Ảnh: Thanh Sơn.

Nhiều kết quả tích cực

Ngày 10/12, Cục Bảo vệ thực vật, Sở NN-PTNT Đồng Tháp và Hiệp hội CropLife Việt Nam, đã tổ chức Hội nghị tổng kết “Hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả, có trách nhiệm năm 2021-2022”.

Đây là năm đầu tiên triển khai dự án hợp tác 3 bên giữa Cục Bảo vệ thực vật, Sở NN-PTNT Đồng Tháp và Hiệp hội CropLife Việt Nam trong việc hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả, có trách nhiệm tại tỉnh Đồng Tháp (giai đoạn 2021-2026).

Mục tiêu của dự án là hỗ trợ nông dân, cơ sở buôn bán thuốc BVTV tiếp cận và nắm rõ các nguyên tắc sử dụng thuốc BVTV và phòng trừ dịch hại để vừa phát huy hiệu quả của các sản phẩm thuốc BVTV, vừa duy trì môi trường xanh, sạch, đồng thời bảo vệ sức khỏe của cộng đồng, từ đó hình thành vùng sản xuất nông sản an toàn, chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn tiêu dùng và phục vụ xuất khẩu.

Sau năm đầu tiên chính thức triển khai, chương trình đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực, thu hút được sự quan tâm và ủng hộ của nông dân, đại lý cũng như các cơ quan, tổ chức địa phương.

Theo Chi Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Đồng Tháp, tính tới tháng 11 năm 2022, các cán bộ của dự án đã tổ chức và tập huấn được cho hơn 1.100 nông dân về sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả tại 12 huyện, thành phố; hoàn thành 1 lớp tập huấn cho hơn 50 cán bộ kỹ thuật của tỉnh và 6 lớp tập huấn cho các cơ sở buôn bán thuốc BVTV với sự tham gia gần 500 đại lý. Chương trình cũng hoàn thiện nội dung và phát hành bộ tài liệu tập huấn về quản lý và sử dụng thuốc BVTV cho từng đối tượng tham gia và tài liệu hướng dẫn kỹ thuật phòng trừ dịch hại trên một số cây trồng chủ lực của địa phương như lúa, hoa kiểng, nhãn, xoài...

Trong khuôn khổ Chương trình, Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp đã thực hiện 24 phong trào thu gom bao gói thuốc BVTV với sự tham gia của hơn 1600 nông dân, trong đó tiến hành trực tiếp thu gom bao gói, chai lọ thuốc BVTV đã sử dụng trên các tuyến kênh, rạch, mương nội đồng và tập kết về địa điểm phát động - tổng lượng rác thải BVTV thu gom được là trên 16 tấn.

Vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật được nông dân Đồng Tháp thu gom. Ảnh: Thanh Sơn.

Vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật được nông dân Đồng Tháp thu gom. Ảnh: Thanh Sơn.

Bên cạnh đó, chương trình cũng đã xây dựng 2 mô hình sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả trên lúa và hoa kiểng với tổng diện tích gần 300 ha tại Lấp Vò và Sa Đéc với hơn 490 hộ nông dân tham gia.

Nông dân tham gia mô hình không chỉ được tập huấn về các nguyên tắc sử dụng thuốc BVTV nói chung mà còn được trực tiếp tập huấn về cách thức phòng trừ dịch hại trên các cây trồng cụ thể thông qua các đợt tập huấn đầu vụ, giữa vụ và cuối vụ.

Ngoài ra, tại các mô hình, chương trình cũng bố trí xây dựng 15 bể chứa thuốc BVTV và xây dựng 1 nhà kho lưu chứa để hướng dẫn nông dân thực hành thu gom bao gói thuốc BVTV đúng quy định.

Sẽ nhân rộng mô hình

Trực tiếp tham gia và cảm nhận được hiệu quả tích cực của chương trình, ông Nguyễn Trọng Trí, nông dân ấp Khánh Nhân, xã Tân Khánh Đông, TP Sa Đéc, hồ hởi chia sẻ “Trong năm 2022 tôi và các nông dân trong xã đã được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả và có trách nhiệm theo nguyên tắc 4 đúng, theo 5 nguyên tắc vàng,… cũng như tầm quan trọng của việc thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau mỗi lần phun và để đúng nơi quy định. Việc tham gia chương trình đã giúp tôi tiết kiệm chi phí thuốc bảo vệ thực vật, an toàn cho sức khỏe của bản thân và gia đình, góp phần bảo vệ môi trường xung quanh”.

Bà Trần Thị Tho, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP Sa Đéc, nhận xét, chương trình hợp tác sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả, có trách nhiệm đã giúp nông dân Sa Đéc nâng cao kiến thức trong sản xuất, nhất là sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả, có trách nhiệm, xử lý bao bì thuốc BVTV đúng quy định, hạn chế tối đa tình trạng ô nhiễm môi trường từ sản xuất nông nghiệp. Đây chính là cơ sở quan trọng giúp địa phương và nông dân hướng đến một nền nông nghiệp xanh và bền vững.

Ông Lê Văn Chấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Đồng Tháp, đánh giá “Trong năm 2022, những buổi tập huấn cho nông dân, đại lý và việc xây dựng 2 mô hình sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả, có trách nhiệm trên cây lúa ở Lấp Vò và hoa kiểng ở Sa Đéc, đã góp phần nâng cao nhận thức của nông dân Đồng Tháp về sử dụng thuốc BVTV như áp dụng quy tắc 4 đúng, giảm được số lần sử dụng thuốc trên cây trồng, qua đó giúp cho sản phẩm khi thu hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm. Ngoài sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả, nông dân đã biết thu gom vỏ, bao gói thuốc sau sử dụng và để đúng nơi quy định, góp phần thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới”.

Ký kết kế hoạch hợp tác năm 2023 giữa Cục BVTV, Sở NN-PTNT Đồng Tháp và CropLife Việt Nam. Ảnh: Thanh Sơn.

Ký kết kế hoạch hợp tác năm 2023 giữa Cục BVTV, Sở NN-PTNT Đồng Tháp và CropLife Việt Nam. Ảnh: Thanh Sơn.

Ông Đặng Văn Bảo, Chủ tịch CropLife Việt Nam, cho biết "Trong thời gian tới chúng tôi sẽ nâng cao về chất lượng tất cả các tài liệu tập huấn cho nông dân để bà con nông dân dễ dàng nắm bắt tiếp cận. Chúng tôi sẽ tăng cường mở rộng địa bàn áp dụng chương trình ra nhiều tỉnh khác để ảnh hưởng rộng hơn tới cộng đồng. Bên cạnh việc huấn luyện trực tiếp cho nông dân, chúng tôi cũng sẽ tăng cường huấn luyện trực tuyến nhằm tăng số lượng nông dân tiếp cận chương trình"

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục BVTV, đánh giá cao những kết quả đạt được của chương trình “Hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả, có trách nhiệm” trong năm đầu tiên. Những mô hình tốt sẽ được Cục BVTV, Hiệp hội CropLife Việt Nam và ngành nông nghiệp các địa phương nhân rộng trong thời gian tới, không chỉ ở Tiền Giang, Đồng Tháp mà cả các tỉnh, thành phố khác.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.