| Hotline: 0983.970.780

Lợi ích nhân đôi từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng

Thứ Tư 04/12/2024 , 08:43 (GMT+7)

Thanh Hóa Thanh Hóa chi trả dịch vụ môi trường rừng 30-35 tỷ đồng mỗi năm cho gần 400.000 ha rừng, góp phần nâng cao ý thức bảo vệ rừng, tăng thu nhập của người dân.

Hiệu quả kép từ dịch vụ môi trường rừng

Thanh Hóa có tổng diện tích rừng là 647.437 ha, tỷ lệ che phủ của rừng đạt 53,75%. Trong đó, diện tích rừng được chi trả dịch vụ môi trường rừng gần 400.000 ha, số tiền chi trả hàng năm 30 - 35 tỷ đồng. Trong những năm qua, Thanh Hóa là một trong những tỉnh được đánh giá là thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng không chỉ góp phần tăng thêm nguồn thu nhập cho người dân mà còn nâng cao ý thức bảo vệ rừng, tạo động lực mạnh mẽ để người dân gắn bó với việc bảo vệ và phát triển rừng, góp phần quan trọng nâng cao tỷ lệ che phủ rừng và cải thiện sinh thái rừng.

Đối với nguồn tiền chi trả cho các hộ gia đình, toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có hơn 2.000 hộ trực tiếp nhận chi trả với tổng số tiền 2 - 3 tỷ đồng/năm. Nguồn tiền này giúp các hộ có thêm nguồn thu cải thiện cuộc sống, từ đó hạn chế tác động vào rừng, giúp rừng được bảo vệ ngày càng tốt hơn.

Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng có vai trò quan trọng đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng. Ảnh: Ngọc Diệp.

Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng có vai trò quan trọng đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng. Ảnh: Ngọc Diệp.

Đối với nguồn tiền chi trả cho cộng đồng thôn, bản, toàn tỉnh có 628 thôn, bản nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, trung bình mỗi thôn hàng năm nhận 15 - 20 triệu đồng, thôn cao nhất khoảng 200 triệu đồng. Nguồn tiền này các thôn sử dụng vào mục đích hỗ trợ, chi trả cho tổ tuần tra bảo vệ rừng; sửa chữa, nâng cấp các công trình giao thông, thủy lợi của thôn, bản; sửa chữa tân trang nhà văn hóa, hỗ trợ phát triển sinh kế như thành lập quỹ quay vòng vốn.

Ông Hà Minh Tâm, Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ, Phát triển rừng và Phòng chống thiên tai Thanh Hóa khẳng định, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng có vai trò quan trọng đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng. Việc thực hiện tốt, hiệu quả chính sách dịch vụ môi trường rừng đã hỗ trợ cộng đồng có thêm những công trình công cộng khang trang, sạch đẹp, góp phần xây dựng nông thôn mới tại các bản làng.

Bên cạnh đó, chính sách này cũng giúp người dân tăng thu nhập, tạo động lực để người dân gắn bó, bảo vệ rừng, từng bước thay đổi nhận thức về vai trò, tác dụng của rừng, nâng tỷ lệ che phủ rừng và cải thiện hệ sinh thái rừng nói riêng, môi trường sống nói chung.

“Việc thực hiện chính sách dịch vụ môi trường rừng đang góp phần đảm bảo an ninh rừng, bảo vệ môi trường sinh thái. Tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng đã tạo thêm thu nhập, giúp người dân miền núi phát triển nông thôn”, ông Tâm nói thêm.

Chi trả dịch vụ môi trường rừng tới từng thôn, bản

Xã miền núi Thành Sơn, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa có hơn 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Với địa hình đồi núi chiếm phần lớn diện tích tự nhiên và đất canh tác hạn chế, bà con trước đây chủ yếu dựa vào việc khai thác lâm sản và lấn chiếm đất rừng để trồng cây lương thực.

Trước tình hình đó, Quỹ Bảo vệ, Phát triển rừng và Phòng chống thiên tai Thanh Hóa đã tích cực triển khai các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Đồng thời, vận động bà con tham gia bảo vệ rừng, nhận khoán chăm sóc và quản lý rừng. Nhờ những nỗ lực không ngừng, nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng được chi trả kịp thời, đảm bảo các hộ nhận khoán có nguồn thu nhập ổn định, góp phần cải thiện đời sống và giảm áp lực lên tài nguyên rừng.

Anh Hà Văn Quý, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản Bay, xã Thanh Sơn, huyện Quan Hóa cho hay, khoản tiền dịch vụ môi trường rừng thường được sử dụng cho công tác phát triển nông thôn mới. Ví dụ, hàng năm, người dân tập trung vào việc mua vật liệu như cát, sỏi để làm đường bê tông nông thôn. Ngoài ra, nhờ chính sách này, người dân đã ý thức hơn trong việc bảo vệ rừng, gắn bó với rừng và hạn chế các hành vi xâm hại tài nguyên. 

Việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã tạo ra những thay đổi tích cực, thúc đẩy cộng đồng và chính quyền địa phương tham gia nhiều hơn vào nhiệm vụ bảo vệ rừng. Ảnh: Ngọc Diệp.

Việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã tạo ra những thay đổi tích cực, thúc đẩy cộng đồng và chính quyền địa phương tham gia nhiều hơn vào nhiệm vụ bảo vệ rừng. Ảnh: Ngọc Diệp.

Đặc biệt, từ năm 2000 đến nay, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng đã được đảm bảo tốt, không xảy ra vấn đề nghiêm trọng. Nhờ đó, môi trường rừng được duy trì và bảo vệ ngày càng hiệu quả, góp phần ổn định đời sống và phát triển kinh tế địa phương.

“Sau gần 10 năm thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, công tác quản lý và bảo vệ rừng tại xã Thành Sơn đã có những chuyển biến rõ rệt. Tỷ lệ che phủ rừng tăng lên và tình trạng phá rừng đã không còn xảy ra. Chính sách này không chỉ giúp bảo vệ tài nguyên rừng mà còn mang lại thu nhập cho người dân, từ đó cải thiện đời sống và tạo động lực cho cộng đồng tham gia tích cực vào việc bảo vệ môi trường sinh thái”, ông Phạm Bá Duyệt, Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho hay. 

Dịch vụ môi trường rừng tại Thanh Hóa đã mang lại hiệu quả thực tế trong việc bảo vệ rừng và cải thiện đời sống người dân với nhiều câu chuyện ý nghĩa. Một ví dụ điển hình là tại huyện Thường Xuân, nơi nhiều hộ dân đã được hưởng lợi từ chính sách này.

Trong những năm qua, công tác bảo vệ và phát triển rừng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, huyện Thường Xuân đã có những bước tiến rõ rệt. Diện tích rừng được giao khoán chăm sóc và bảo vệ tại đây luôn duy trì ở mức trung bình 26.000 ha, với tỷ lệ che phủ rừng đạt 97%, mức cao nhất trong khu vực. 

Thành quả này có được chủ yếu nhờ vào việc triển khai hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, giúp người dân tham gia bảo vệ rừng có thêm thu nhập và động lực. Cụ thể, công tác giao khoán bảo vệ rừng đã được thực hiện tại các xã vùng đệm, với hơn 6.200 ha diện tích cung ứng dịch vụ môi trường rừng vào quý I/2024. 

Theo ông Ngô Xuân Thắng, Phó Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Sơn, một phần thu nhập từ chính sách dịch vụ môi trường rừng được sử dụng để chi trả công cho những người tham gia tuần tra bảo vệ rừng; đồng thời hỗ trợ phát triển các mô hình kinh tế tại cộng đồng, như: Trồng rừng sản xuất (quế, sen, keo), chăn nuôi và trồng cây... Những mô hình này đã góp phần quan trọng vào công cuộc giảm nghèo và cải thiện đời sống tại địa phương cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng.

Thanh Hóa hiện có hơn 10.000 ha rừng được hưởng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. Tỉnh đã thực hiện trồng thay thế khoảng 7.600 ha rừng bị suy thoái, với cây cối phát triển tốt, góp phần duy trì đa dạng sinh học. Mức chi trả dịch vụ môi trường rừng đạt trung bình từ 150.000 đồng/ha/năm, cao nhất lên tới 300.000 đồng/ha ở các lưu vực quan trọng như Thủy điện Cửa Đạt.

Trong hơn một thập kỷ qua, việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã tạo ra những thay đổi tích cực, thúc đẩy cộng đồng và chính quyền địa phương tham gia nhiều hơn vào nhiệm vụ bảo vệ rừng. Nhờ đó, tỉnh Thanh Hóa đã duy trì được sự đa dạng sinh học và đạt độ che phủ rừng ấn tượng, hướng tới mục tiêu đạt 53,65% vào cuối năm 2024.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Huyện Đồng Hỷ trồng mới gần 820ha rừng tập trung

Tính đến đầu tháng 11, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên đã trồng mới được gần 820ha rừng tập trung, vượt gần 220ha tương đương 36,6% so với kế hoạch năm 2024.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.