“Tất cả những gì tôi có thể thấy xung quanh là khói và lửa”, kỹ sư Muhammad Zubair nói với Geo News. “Tôi có thể nghe thấy tiếng hét khắp nơi. Trẻ em và người lớn. Tôi không thể nhìn thấy bất kỳ người nào, chỉ nghe tiếng hét của họ”.
“Tôi mở dây an toàn và thấy một chút ánh sáng. Tôi đi về phía ánh sáng. Tôi phải nhảy xuống khoảng 10 feet để đến nơi an toàn”, ông nói.
Chiếc Airbus A320 của Hãng hàng không quốc tế Pakistan với 99 người trên máy bay đã rơi xuống một khu dân cư đông đúc của thành phố Karachi vào chiều 22/5 sau hai lần cố gắng hạ cánh tại sân bay.
Ít nhất 97 người được xác nhận đã chết, các nhà chức trách y tế cho biết, nhưng chưa bao gồm thương vong trên mặt đất.
Một hành khách khác sống sót là Zafar Masood, Chủ tịch của Ngân hàng Punjab, phát ngôn viên của chính quyền tỉnh Sindh cho biết. Ngân hàng cho biết ông bị gãy xương nhưng vẫn tỉnh táo và phản ứng tốt.
Từ giường bệnh ở Bệnh viện Dân sự Karachi, ông Zubair cho biết khoảng 10 phút sau lần thử hạ cánh đầu tiên thất bại, phi công thông báo với hành khách đang thực hiện lần thử thứ hai. Sau đó, máy bay bị rơi khi đến gần đường băng.
Khói bốc lên từ hiện trường nơi chuyến bay PK 8303 rơi xuống vào khoảng 2 giờ 45 phút chiều (giờ địa phương). Thân máy bay xoắn nằm trong đống đổ nát của các tòa nhà nhiều tầng khi xe cứu thương chạy qua đám đông hỗn loạn.
Vụ tai nạn xảy ra đêm trước lễ hội Eid của người Hồi giáo, khi nhiều người ở Pakistan đi du lịch để thăm người thân.
“Máy bay đầu tiên đâm vào một tòa tháp di động và đâm sầm vào các ngôi nhà”, nhân chứng Shakeel Ahmed nói gần khu vực này, cách sân bay vài km.
Chiếc Airbus A320 đang bay từ thành phố phía đông của thành phố Lahore đến thành phố Karachi ở phía nam với 91 hành khách và 8 phi hành đoàn, các nhà chức trách hàng không dân dụng cho biết, trong bối cảnh Pakistan đang nối lại các chuyến bay nội địa sau đại dịch Covid-19.
Các quan chức y tế xác nhận 97 người thiệt mạng và hai người sống sót.
Vài giây trước khi vụ tai nạn xảy ra, phi công nói với các kiểm soát viên không lưu rằng máy bay mất điện từ cả hai động cơ, theo một bản ghi được đăng trên trang mạng liveatc.net, một trang web theo dõi hàng không uy tín.
“Chúng tôi đang quay trở lại, thưa ông, chúng tôi đã mất động cơ”, giọng một người đàn ông vang lên trong một bản ghi âm được phát hành bởi trang web. Một lát sau, giọng nói vang lên “Mayday Mayday Mayday!”
Mayday là một mã từ (code word) quốc tế được dùng như một tín hiệu báo nguy trong liên lạc thông tin lời nói qua sóng radio. Nó được lấy từ thuật ngữ tiếng Pháp venez m'aider có nghĩa là 'hãy đến giúp tôi'.
Nó được nhiều nhóm như lực lượng cảnh sát, phi công, nhân viên cứu hỏa, và các tổ chức giao thông dùng để phát tín hiệu báo một tình huống khẩn cấp có nguy cơ đến tính mạng.
Tín hiệu này luôn được nói ba lần liên tiếp ("Mayday Mayday Mayday") để tránh lầm lẫn với một số câu có âm thanh tương tự trong điều kiện ồn ào.
Không có thông tin liên lạc nào từ máy bay, theo băng ghi âm, không thể xác thực ngay lập tức.
“Điều cuối cùng mà chúng tôi nghe được từ phi công là có một số vấn đề về kỹ thuật... Đó là một sự cố rất bi thảm”, người phát ngôn của hãng vận tải nhà nước, ông Abdullah H. Khan nói.
Một quan chức hàng không dân dụng cao cấp khác cho biết có vẻ như chiếc máy bay đã không thể hạ thấp độ cao trong lần tiếp cận đầu tiên do lỗi kỹ thuật, nhưng còn quá sớm để xác định nguyên nhân.
Các chuyên gia an toàn hàng không cho biết các vụ tai nạn hàng không thường có nhiều nguyên nhân và còn quá sớm để hiểu chúng trong vài giờ hoặc vài ngày đầu tiên.
Airbus cho biết chiếc máy bay phản lực đầu tiên bay vào năm 2004 và được trang bị động cơ do CFM International chế tạo, đồng sở hữu bởi General Electric và France Saf Safran.