Chế biến nhân điều XK |
Tại hội nghị tổng kết hoạt động ngành điều năm 2018, tổ chức vào tháng 1 vừa qua ở TP.HCM, khi ông Nguyễn Minh Họa, PCT Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) hỏi: “Năm ngoái có DN điều nào lãi không? DN nào lãi, đề nghị giơ tay lên!”.
Không một cánh tay nào giơ lên. Điều đó càng khẳng định thêm rằng trong năm 2018, hầu hết các DN điều bị lỗ. Một doanh nhân thuộc hàng kỳ cựu trong ngành điều như ông Họa, cũng không tránh khỏi điều đó. Ông Họa cho biết, dù là sử dụng điều nguyên liệu nhập từ Campuchia hay Tây Phi, Cty Bimico của ông đều bị lỗ khoảng 5 triệu đ/tấn.
Thua lỗ trong năm 2018 khiến cho các DN điều bước sang năm 2019 với nhiều nỗi lo, nhất là khi giá nhân điều XK trong tháng 1 vẫn đang ở mức thấp, các dự báo đều cho rằng cung vượt cầu trên thị trường điều toàn cầu trong năm nay, thiếu vắng các hợp đồng giao xa...
Ông Vũ Thái Sơn, Chủ tịch HĐQT Cty CP Long Sơn cho biết, mọi năm, vào tháng 1, công ty đã có trong tay nhiều hợp đồng giao xa, nhưng năm nay số lượng hợp đồng giao xa rất thấp. Các nhà NK gần như không ký hợp đồng giao xa vì cho rằng lượng nhân điều năm nay sẽ khá dồi dào.
Biết là phải đối mặt với khó khăn rất lớn trong năm 2019, nhưng các DN không thể không tiếp tục hoạt động, bởi phải đảm bảo công việc thường xuyên cho người lao động, giữ khách hàng, duy trì thị trường, giữ vững vị trí của cây điều, hạt điều ở trong nước cũng như trên thế giới... Câu hỏi được đặt ra là các DN điều cần phải làm gì để vượt qua khó khăn, tiếp tục đứng vững trên thị trường, tạo đà cho sự phát triển trở lại trong những năm tới?
Các doanh nhân có tiếng trong ngành điều đều cho rằng, do sự phát triển quá nóng của công nghiệp chế biến điều mà hiện nay, công suất chế biến đã vượt quá xa so với nguồn nguyên liệu trong nước. Do đó, ngành điều sẽ còn phải phụ thuộc vào điều thô NK trong năm 2019 và những năm tới.
Tuy nhiên, việc NK điều thô cần phải được tính toán, thực hiện một cách tỉnh táo, thận trọng hơn. Bài học của năm 2018 vẫn còn sờ sờ ra đó. Năm ngoái, nguyên nhân quan trọng nhất khiến cho các DN ngành điều bị lỗ là do giá điều thô cao trong khi giá nhân điều XK giảm mạnh. Mà giá điều thô cao, có nguyên nhân không nhỏ từ việc các DN điều Việt Nam đã dựa vào giá nhân điều XK của năm 2017 (ở mức cao nhất trong lịch sử) để tính giá điều thô 2018. Thành ra, khi giá nhân điều giảm mạnh, thì điều thô mới nhập về là đã lỗ rồi. Vậy mà đầu năm nay, một số DN vẫn ký hợp đồng NK điều thô với mức giá cao trong khi giá nhân điều đang ở mức thấp và chưa thấy có triển vọng tăng lên trong vài tháng tới. Vì thế, ông Cao Thúc Uy, TGĐ Cty Cao Phát cho rằng, việc NK điều thô như vậy là liều lĩnh bởi rủi ro là rất lớn.
Theo ông Nguyễn Minh Họa, mấu chốt của thành công cho ngành điều năm 2019 là giải quyết bài toán giá điều thô. Đây là vấn đề mà ngành điều Việt Nam và các DN phải tự giải quyết để đảm bảo được lợi nhuận trong chế biến, XK nhân điều.
Do nhận định năm nay cung vượt cầu trên thị trường hạt điều thế giới. Do đó, các nhà NK nhân điều đều đang có tâm lý chờ đợi, không vội vàng ký hợp đồng. Xu hướng chung của các nhà NK là cần đến đâu thì mua đến đó; mua đến đâu, bán đến đó. Vì vậy, theo ông Cao Thúc Uy, cơ hội sẽ thuộc về các nhà chế biến XK chú trọng tới sự an toàn.
Bên cạnh thị trường XK, các DN điều cũng cần quan tâm nhiều hơn trong việc phát triển thị trường nội địa. Theo ước tính của Vinacas, tiêu thụ điều nhân nội địa năm 2018 ước đạt xấp xỉ 7,5% tổng lượng nhân điều chế biến. Ngoài các kênh bán hành truyền thống, hạt điều đã được đưa vào các kênh bán hàng trực tuyến như Lazada, Tiki, Sendo, Shoppee, Alibaba... Lượng hàng hóa được quan tâm và tiêu thụ qua các kênh bán hàng trực tuyến ngày càng tăng. |