Japonica, một loài phụ của lúa nước được các nhà khoa học phân loại xác định nó có điểm xuất phát ở khu vực biên giới Việt - Trung. Japonica được gieo trồng phổ biến và rất hợp thị hiếu tiêu dùng của người dân vùng Đông Bắc Á, Trung Đông và một số vùng thuộc châu Phi. Do gạo dẻo nên cũng khá hợp với nông dân miền núi phía Bắc VN và Lào.
Khác với loại phụ Indica, vốn chiếm đa số diện tích trồng lúa và được phổ biến rộng rãi ở các vùng nhiệt đới quanh xích đạo và trên khắp các châu lục; Indica có dạng hình cây cao trung bình, lá vàng sáng, vươn lá, dạng hạt từ bầu đến thon dài, xếp hạt đuổi; còn Japonica thì trái lại; dạng cây thấp lùn, lá xanh đậm, chịu rét rất tốt cho cả giai đoạn mạ lẫn giai đoạn trổ bông, hạt bầu tròn và xếp rất sít, luôn có hàm lượng Amiloze thấp, cơm mềm, dẻo.
Kết quả điều tra của Viện Di truyền nông nghiệp cũng cho thấy, các giống lúa địa phương thu thập ở các tỉnh miền núi phía Bắc VN có tới trên 80% là các mẫu lúa thuộc loài phụ Japonica. Như vậy có thể nói loài lúa này cũng đã hiện diện và phổ biến ở các tỉnh phía Bắc nước ta từ lâu đời, gắn với lịch sử làm lúa nương ở nhiều vùng.
Japonica đang được nhà khoa học nông nghiệp cũng như các DN SXKD giống lúa các tỉnh phía Bắc quan tâm; nhiều chương trình và nhiều giống lúa Japonica được sưu tầm, nhập nội và chọn thuần, phổ biến rộng ra SX, nhiều giống có khả năng chống chịu tốt với ngoại cảnh và sâu bệnh hại, năng suất 65 - 75 tạ/ha.
Vụ xuân 2014, trong khuôn khổ thực hiện các dự án, chương trình khuyến nông mà Trung tâm Chuyển giao công nghệ & khuyến nông (Viện Khoa học Nông nghiệp VN) trúng thầu; bất chấp những tác động bất lợi của thời tiết khí hậu, các vùng trình diễn, các mô hình đánh giá giống lúa Japonica khá thành công và hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.
Trung tâm cũng đã tổ chức cuộc hội thảo tại huyện Văn Chấn (Yên Bái), nhiều đại biểu từ các tỉnh miền núi phía Bắc, các nhà khoa học chọn tạo giống, các cục chuyên ngành và đặc biệt sự có mặt của một số DN xay xát chế biến lúa gạo đã và sẽ tham gia vào ngành hàng lúa gạo.
Là người đã nhiều năm đánh giá, triển khai đưa lúa Japonica vào SX ở đồng bằng sông Hồng xin được trao đổi đôi điều về tiềm năng, những lợi thế và triển vọng của lúa Japonica ở các tỉnh phía Bắc:
Thứ nhất là về giống. Hiện đã có 3 giống lúa Japonica được đánh giá là rất tiềm năng và tính thích ứng cao gồm DS3; QJ1 và VC21. Một số giống khác ngắn ngày đã được công nhận SX thử là J01, J02. So với 2 giống DS1 và Koshi đang được triển khai rộng ở nhiều vùng, diện tích ước khoảng 5.000 - 6.000 ha thì những giống này có lợi thế hơn nhiều vì các giống này đều có TGST ngắn hơn DS1 (DS1 có TGST hơi dài, tương đương nhóm trung ngày, 140 - 145 ngày vụ xuân).
DS1 năng suất cao có thể đạt 70 tạ/ha, không bị đạo ôn; giống Koshi tuy là giống cực ngắn, chỉ 115 -1 20 ngày vụ xuân, vụ mùa 85 ngày nhưng năng suất thấp, 50 - 55 tạ/ha, nhiễm đạo ôn rất nặng. Các giống triển vọng đã và sẽ được công nhận thời gian tới hoàn toàn khắc phục các yếu điểm về TGST và chống chịu trên.
Kết quả so sánh và đánh giá 3 vụ cuả Cty CP Giống cây trồng Trung ương (NSC) của Trung tâm CGCN&KN cho thấy đã có giống (DS3) TGST tương đương Khang dân 18, năng suất vượt và tương đương DS1, dạng hình đẹp, chưa thấy đạo ôn gây hại, thích ứng rộng, hoàn toàn lọt cơ cấu mùa vụ các tỉnh phía Bắc.
Giống QJ1 có TGST ngắn hơn Khang dân 18, năng suất đạt 70 - 75 tạ/ha, thâm canh cân đối có thể cho năng suất cao tới 80 tạ/ha; qua 3 vụ cũng chưa thấy đạo ôn gây hại, rầy gây hại; không bị bạc lá; như vậy chúng ta đã an tâm với giống cho năng suất cao nhóm Japonica.
Cuối cùng là vai trò của DN. Tổ chức SX theo vùng và chuỗi khép kín không thể thiếu vai trò và sự vào cuộc của DN. Bằng liên doanh, liên kết dọc và ngang, DN và các địa phương cùng với các nhà khoa học, nhà quản lý phải xây dựng được những vùng SX mà vai trò chủ đạo là DN, mấu chốt là tiêu thụ, nhưng nông dân phải có lời, DN cũng phải có lời. Chất lượng sản phẩm sẽ tạo lên thương hiệu cho DN và thương hiệu sẽ đúng là tài sản vô hình. |
Trong số các giống có lợi thế để chuyển đổi và đưa vào hệ thống luân canh “thông minh” là lúa - màu xen kẽ (3 - 4 vụ/năm) rất cần có những giống có TGST dưới 110 ngày vụ xuân và dưới 85 ngày vụ mùa và VC21 (tên dòng do NSC đặt) có thể sẽ đáp ứng tiêu chí này. Kết quả đánh giá cho thấy VC21 chỉ hơn 80 ngày vụ mùa và 105 - 108 ngày vụ xuân (mạ nền), thơm, dẻo, không thấy đạo ôn, bông to trung bình.
Các giống Japonica có nhược điểm là ngủ nghỉ dài, khó nẩy mầm nếu chuyển vụ, khó rụng hạt, và khô vằn nặng hơn các giống khác. Tuy nhiên những đặc tính này hoàn toàn khắc phục được.
Japonica chịu rét rất tốt cả trên mạ và giai đoạn trổ; vì vậy vụ xuân gieo cấy sớm cũng rất an toàn trổ gặp rét nàng Bân vẫn không ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ hạt chắc, trái hẳn với Indica, TGST ngắn sẽ là một giải pháp ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu;
Thứ hai: Vùng sinh thái thích hợp rất rộng và lợi thế là vụ xuân gieo cấy sớm hơn ở ĐBSH và vụ đại trà ở các tỉnh trung du miền núi phía Bắc, vụ mùa có thể sẽ là vụ mùa muộn, hoặc dự phòng sau lụt. Chất lượng của Japonica như hàm lượng Amiloze là ít biến động, tuy nhiên vùng và mùa vụ sẽ ảnh hưởng lớn đến độ trong của hạt và đây là yếu tố quan trọng.
Vùng núi phía Bắc và một số tỉnh ĐBSH, đất đai, nguồn nước còn tự nhiên, không bị ảnh hưởng bởi tác động ô nhiễm của công nghiệp, chỉ đạo và canh tác theo ICM và IPM, chắc chắn sản phẩm gạo Japonica sẽ đảm bảo các tiêu chuẩn về dư lượng và độc tố cho phép
Thứ ba: Chất lượng và sự phù hợp thị hiếu khi có tiếp thị và quảng bá tốt, người tiêu dùng ưa thích đã tăng nhanh, nhất là khu vực thành thị, kể cả một bộ phân cư dân nông thôn. Cơm Japonica mềm, dẻo, đậm và vị ngọt, bùi sẽ làm thay đổi thói quen của người tiêu dùng Việt.
Thứ tư là thị trường. Các tỉnh phía Bắc cần xác định nếu làm hàng hóa với lúa gạo, cần hướng tới loại sản phẩm đặc thù và có lợi thế, có giá trị cao, bởi miền Bắc có xuất về lượng cũng chỉ là giới hạn và cần sản phẩm “chất và tinh” hơn.
Chúng ta đang ráo riết thảo luận và chuẩn bị cho TPP, cơ hội cho sản phẩm lúa gạo, nhất là Japonica vươn lên Đông Bắc châu Á, Trung Đông. Xuất được Japonica, chúng ta sẽ có mức giá chắc chắn gấp 1,5 - 2,0 lần so với chúng ta xuất Indica. Thị trường trong nước cả người Việt lẫn người Đông Bắc Á làm việc sinh sống ở VN, con số tiêu thụ Japonica dạng chất lượng cao cũng không phải nhỏ.
Thứ năm là công nghệ sau thu hoạch và chế biến. Cơ giới hóa đồng bộ, giảm chi phí SX, thiết bị xay xát, chế biến (sấy tươi, bảo quản gạo lật, sang lọc, phân loại, tách màu…). Hiện chúng ta đã có những chính sách cho lĩnh vực này, những trở ngại về độ đồng đều, bạc bụng... sẽ được công nghệ giải quyết cùng với giải giáp kỹ thuật canh tác.