Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn (TP.HCM) cho biết, hiện nay, trên địa bàn toàn huyện Hóc Môn có 40 sản phẩm OCOP của 20 chủ thể được công nhận 3, 4 sao. Trong đó, 10 sản phẩm đạt 4 sao.
Việc triển khai thành công Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) có ý nghĩa to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, giúp nâng cao thu nhập tạo ra nhiều công ăn việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân và thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí "Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất" trong xây dựng nông thôn mới.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn cho biết, với sự tự nguyện tham gia của các chủ thể, Câu lạc bộ (CLB) và Hội quán OCOP huyện được ra đời, bước đầu tạo sân chơi không gian giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm giữa các chủ thể OCOP để ngày càng hoàn thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, nhằm quảng bá, giới thiệu các sản phẩm của huyện đến người tiêu dùng trong nước và tiến tới xuất khẩu.
Ông Nguyễn Ngọc Luận, Chủ nhiệm Câu lạc bộ OCOP huyện Hóc Môn, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Liên kết Toàn Cầu (Meet More) cho biết, CLB sẽ chủ động kết nối hội viên với các đơn vị tư vấn trong các lĩnh vực như đảm bảo quy trình sản xuất xanh, tiết kiệm năng lượng, kinh tế tuần hoàn, nâng cao năng suất và chất lượng, xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường...
Đồng thời, mời các đơn vị đào tạo, hướng dẫn cho các chủ thể cách xây kênh, tiếp cận với TikTokshop đưa sản phẩm ra thị trường.
"CLB sẽ giúp cho các chủ thể OCOP 2, 3 sao cải thiện các tiêu chuẩn và tiếp cận các chính sách như vốn vay để tiến tới đạt OCOP 4 sao và hướng tới xuất khẩu.
Mục tiêu mà CLB hướng đến là mong muốn nhiều sản phẩm có thể đạt được tiêu chuẩn OCOP 4 sao và các tiêu chuẩn khác, để ngoài việc bán ở thị trường trong nước còn có thể xuất khẩu ra thế giới", Chủ nhiệm CLB OCOP huyện Hóc Môn kỳ vọng.
Ông Nguyễn Ngọc Luận cũng mong muốn, ngoài những hỗ trợ đã có, các cơ quan ban ngành nhà nước cần nghiên cứu có những hỗ trợ lâu dài, nhiều hơn nữa về chính sách tín dụng, hạn mức lãi vay, chính sách thuế, đầu tư công nghệ... Nhất là cần phải có chính sách riêng cho các sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP để các chủ thể mạnh dạn đầu tư.
"Hiện nay, các chủ thể OCOP đơn độc trong vấn đề vay vốn. Không phải lấy chứng nhận OCOP là xong, là dừng lại, mà phải làm sao để sản phẩm OCOP đấy tồn tại, phát triển, nâng tầm quốc tế", ông Nguyễn Ngọc Luận nói.
Là một trong những thành viên CLB OCOP huyện Hóc Môn, ông Mai Văn Khánh, Giám đốc HTX Rau sạch GAP cho rằng, để nông nghiệp phát triển bền vững trên địa bàn, mong muốn các chủ trương, chính sách cần tập trung phát triển nông nghiệp an toàn, sạch trên địa bàn huyện Hóc Môn nói riêng và toàn TP.HCM. Đồng thời, đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm OCOP để làm sao người tiêu dùng nhận biết được sản phẩm OCOP là một trong những sản phẩm đủ tiêu chuẩn, đảm bảo quy trình để cung ứng cho người tiêu dùng.
"Chúng tôi mong muốn cùng các cơ sở đạt chứng nhận OCOP của huyện quảng bá đến người tiêu dùng, giúp tất cả các chủ thể bán sản phẩm ra thị trường, tìm kiếm khách hàng mới, đưa kinh tế huyện nhà đi lên", ông Phạm Thái Duy, Chủ cơ sở sản xuất và phân phối thực phẩm Anh Tú nói.
Để hỗ trợ các chủ thể phát triển sản phẩm OCOP, Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn cho biết, huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ các chủ thể tham gia các hội nghị xúc tiến thương mại của thành phố và huyện, giúp giới thiệu quảng bá sản phẩm. Đồng thời, Hội Nông dân cũng sẽ có các chương trình hỗ trợ vốn vay cho nông dân phát triển sản xuất.