| Hotline: 0983.970.780

Phụng Hiệp phát triển du lịch nông thôn gắn với tiêu thụ sản phẩm OCOP

Thứ Tư 25/09/2024 , 06:00 (GMT+7)

Hậu Giang Huyện Phụng Hiệp tập trung khai thác các thế mạnh sẵn có để phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm đặc trưng, OCOP của địa phương.

Nông thôn được tô điểm bởi những những khóm hoa rực rỡ ven đường. Ảnh: KT.

Nông thôn được tô điểm bởi những những khóm hoa rực rỡ ven đường. Ảnh: KT.

Đến nay, huyện Phụng Hiệp có 8/12 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 1 xã NTM nâng cao là xã Phương Phú. Tân Bình sẽ là xã NTM tiếp theo vào năm 2024. Địa phương phấn đấu xây dựng 1 xã NTM kiểu mẫu và xã Thạnh Hoà đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2025.

Xã Phương Phú là địa phương đầu tiên của huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang) hoàn thành mục tiêu xây dựng xã NTM nâng cao. Nơi đây, lộ nông thôn được tô điểm bởi những ngôi nhà xây dựng khang trang, những khóm hoa rực rỡ ven đường cùng bảng khẩu hiệu nhắc nhở bà con chung tay xây dựng NTM.

Ngoài ra, hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn khác như nhà văn hóa ấp, trường học, trạm xá cũng được địa phương đầu tư xây dựng khang trang. Hệ thống thủy lợi được củng cố, máy móc, thiết bị cơ giới hóa được đưa vào sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả cao, nâng cao năng suất, giảm chi phí, tổn thất sau thu hoạch cho bà con nông dân.

Anh Trần Văn Trường Thọ, xã Phương Phú tâm sự, gia đình có khoảng 1 ha đất trồng lúa, trước kia ngày nào cũng phải ở ngoài đồng, việc làm từ sáng đến chiều không hết. Nay trồng lúa chỉ cần ngồi ở nhà và đếm ngày thu hoạch, bởi từ việc trục sạ, phun thuốc đến gặt lúa đều bằng máy móc, lúa lại cho năng suất cao, bán được giá. Do đó, tranh thủ được thời gian nhàn rỗi anh chạy xe tải kiếm thêm thu nhập.

Hệ thống thủy lợi được củng cố, máy móc, thiết bị cơ giới hóa được đưa vào sản xuất, giải phóng sức lao động cho bà con nông dân. Ảnh: KT.

Hệ thống thủy lợi được củng cố, máy móc, thiết bị cơ giới hóa được đưa vào sản xuất, giải phóng sức lao động cho bà con nông dân. Ảnh: KT.

Mô hình kinh tế tập thể dần mang lại hiệu quả

Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phụng Hiệp chia sẻ, nhằm nâng cao thu nhập, ổn định kinh tế của người dân trên địa bàn huyện, ngành nông nghiệp không ngừng vận động người dân đẩy mạnh phát triển cây trồng, vật nuôi theo thế mạnh của từng vùng gắn với đa dạng sản phẩm nông sản và phát triển các mô hình kinh tế tập thể.

Đến nay, huyện Phụng Hiệp có 1.420 mô hình làm ăn tập trung có hiệu quả. Trong đó, 165 mô hình công nghệ cao, điển hình là mô hình tưới tiết kiệm trên các loại cây trồng. Thành lập 61 HTX với vốn điều lệ gần 99 tỷ đồng, thu hút khoảng 1,6 nghìn thành viên, giải quyết được 1,9 nghìn lao động nông thôn. Các mô hình kinh tế hợp tác, HTX cũng từng bước phát huy được hiệu quả, thu hút sự tham gia của nhiều thành viên, đáp ứng yêu cầu của thị trường. 

Được sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, hoạt động sản xuất kinh doanh của các HTX phát triển theo chuỗi giá trị nguyên liệu đầu vào, sản xuất, chế biến và bao tiêu sản phẩm đầu ra. Điển hình là HTX Kỳ Như, HTX Dưa lưới Thuận Phát, HTX Trung Hiếu Phát. Qua đó, hàng hóa được sản xuất theo quy trình, quy mô và chất lượng cao góp phần nâng cao thu nhập cho các xã viên, tạo tiền đề xây dựng huyện NTM.

Bà Nguyễn Kim Thùy, Giám đốc HTX Kỳ Như chia sẻ, mỗi tháng HTX cung ứng ra thị trường khoảng 50 tấn nguyên liệu và hơn 10 tấn sản phẩm qua chế biến. HTX hiện đang tăng cường liên kết với hộ nuôi để mở rộng vùng nuôi, đồng thời triển khai cải tiến bao bì và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Tiếp đến là kiện toàn hệ thống quản lý HTX, mở rộng vùng nuôi, nâng cấp nhà xưởng, cải thiện thiết bị sản xuất, hướng tới sản phẩm chất lượng cao đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Phát triển sản phẩm OCOP

Khi được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao, Cơ sở rượu truyền thống Út Tây có thể tự tin giới thiệu sản phẩm tại các chương trình xúc tiến thương mại. Ảnh: Cơ sở rượu Út Tây.

Khi được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao, Cơ sở rượu truyền thống Út Tây có thể tự tin giới thiệu sản phẩm tại các chương trình xúc tiến thương mại. Ảnh: Cơ sở rượu Út Tây.

Không hoạt động dưới hình thức kinh tế tập thể như HTX Kỳ Như, Cơ sở sản xuất rượu truyền thống Út Tây lại còn nằm trong ngành hàng sản xuất đặc biệt, giới hạn về khách hàng và hoạt động truyền thông. Tuy nhiên, được sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, cơ sở sản xuất đã dần tìm được chỗ đứng trên thị trường thông qua chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP.

Bà Lê Ngọc Tường Anh đại diện Cơ sở sản xuất rượu truyền thống Út Tây tâm sự, giai đoạn đầu đi vào hoạt động cơ sở sản xuất đã gặp không ít khó khăn về đầu ra sản phẩm. Tuy nhiên, được sự hỗ trợ của địa phương, nhất là khi được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao, Út Tây có thể tự tin giới thiệu sản phẩm tại các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ, festival, từng bước mở rộng thị trường, tạo được niềm tin với khách hàng.

Địa phương hiện có 3 sản phẩm OCOP tiềm năng 5 sao đã hoàn thiện hồ sơ gửi Bộ NN-PTNT thẩm định là Rượu Lão Tửu Đông Trùng Hạ Thảo, Snor’s Wine (Xà No Út Tây) của cơ sở sản xuất rượu truyền thống Út Tây và sản phẩm Cá Thát lát rút xương tẩm gia vị Kỳ Như.

Đến nay, nhiều sản phẩm đặc biệt là sản phẩm OCOP của huyện Phụng Hiệp được doanh nghiệp và siêu thị lớn chủ động đặt hàng và phân phối sản phẩm. Từ đó, các chuỗi giá trị OCOP được hình thành và hoạt động hiệu quả, khai thác tối đa giá trị vùng nguyên liệu địa phương. 

Thời gian tới, huyện Phụng Hiệp sẽ tiếp tục khai thác sản phẩm OCOP mới, nâng chất các sản phẩm hiện có thông qua việc hỗ trợ các chủ thể xây dựng chứng nhận ISO, HACCP, GMP, cũng như cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất.

OCOP góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và tăng thu nhập cho người dân. Ảnh: KT.

OCOP góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và tăng thu nhập cho người dân. Ảnh: KT.

Ngoài ra, nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm đặc trưng, OCOP góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và tăng thu nhập cho người dân, địa phương sẽ tập trung khai thác các thế mạnh sẵn có để phát triển du lịch nông thôn.

Theo đó, Khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng được quy hoạch 20 ha để làm vùng đệm phát triển du lịch sinh thái. Khu du lịch Mùa Xuân cũng đã thông qua quy hoạch 1/500 với quy mô 70ha với tổng vốn đầu tư của doanh nghiệp khoảng 1,5 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, huyện Phụng Hiệp cũng xây dựng được 10 điểm du lịch cộng đồng với nguồn vốn đầu tư từ doanh nghiệp và người dân hơn 11 tỷ đồng. 

Theo lãnh đạo UBND huyện Phụng Hiệp, các dự án giao thông lớn được triển khai gồm 2 tuyến cao tốc, các tuyến đường tỉnh lộ được kết nối với huyện sẽ tạo điều kiện cho Phụng Hiệp phát triển hiệu quả du lịch nông nghiệp - nông thôn, qua đó đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP địa phương và phát triển kinh tế nông thôn.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

OCOP Nghệ An cần những mảng màu như Tứ Phương

Muốn phát triển thương hiệu OCOP vững bền đòi hỏi lượng và chất phải song đôi, xuyên suốt hành trình đã qua, Tứ Phương luôn xem đây là yêu cầu bắt buộc.