| Hotline: 0983.970.780

Lũ cuối mùa nhấn chìm rau hoa bán Tết

Chủ Nhật 03/12/2023 , 18:58 (GMT+7)

Quảng Bình Cơn lũ cuối mùa vào đầu tháng 12 tại Lệ Thủy đã làm ngập, ảnh hưởng hàng trăm ha rau màu vụ đông và hoa phục vụ dịp Tết Nguyên đán sắp đến.

Ông Nguyễn Hữu Hán, Phó Chủ tịch UBND Lệ Thủy thông tin: “Trong những ngày đầu tháng 12, mưa lớn xuất hiện tại huyện Lệ Thủy, ngập lụt một số tuyến đường giao thông tại thị trấn Kiến Giang. Sáng ngày 2/12, tại các xã ven quốc lộ 1A như Hồng Thủy, Thanh Thủy… lũ đã làm ngập, làm ảnh hưởng hàng trăm ha rau màu vụ đông và hoa phục vụ dịp Tết Nguyên đán sắp đến”.

Vùng chuyên trồng rau màu vụ đông của xã Hồng Thủy ngập sâu trong lũ. Ảnh: T. Đức

Vùng chuyên trồng rau màu vụ đông của xã Hồng Thủy ngập sâu trong lũ. Ảnh: T. Đức

Hơn chục năm mới lặp lại chu kỳ

Theo nhiều bà con ở vùng huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy có câu ca: “Ông tha nhưng bà chẳng tha. Bà cho cái lụt hai ba tháng mười”. Cụ Lê Văn Thứ 80 tuổi ở xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy, giải thích cho chúng tôi hay: “Thường hàng năm, vào đầu tháng 9 âm lịch là bắt đầu có bão lũ. Lúc đó bà con hay gọi là lụt Ông”.

Bà con cố gắng be bờ ngăn lũ. Ảnh: T. Đức

Bà con cố gắng be bờ ngăn lũ. Ảnh: T. Đức

Lũ Ông thì năm có, năm không. Nhưng đến ngày 23 tháng 10 âm lịch hoặc sớm, muộn hơn một hai ngày là phải có trận lũ lớn, lũ này được gọi là lũ Bà. “Vì vậy, nên mới đúc kết câu ca trên. Nhưng mà, hơn chục năm rồi, chưa thấy lũ Bà xuất hiện. Vậy mà năm nay lại có sớm trước vài ngày. Lũ không lớn, nhưng là lũ muộn nên tác động ảnh hưởng nặng nề đến việc trồng rau màu, trồng hoa của bà con” - Ông Thứ nói thêm.

Tại thôn Mốc Thượng 1 và Mốc Thượng 2 của xã Hồng Thủy, từ sáng sớm, bà con nông dân đã tìm mọi cách để ngăn lũ tràn vào ruộng hoa màu và hoa.

Hai thôn này nằm ở vị trí thấp nên lũ tràn vào nhanh. Nhiều bà con đã dùng đất cát cho vào bao để đắp những tuyến đê bao nhỏ nhằm ngăn lũ. Người khác dùng máy bơm để bơm nước ra ngoài nhằm để ruộng hoa khỏi bị ngập nước.

Bà con thôn Mốc Định 2 càng lo lắng khi mưa lũ chưa dứt. Ảnh: T. Đức

Bà con thôn Mốc Định 2 càng lo lắng khi mưa lũ chưa dứt. Ảnh: T. Đức

Vườn ông Nguyễn Văn Dũng (thôn Mốc Thượng 2), trồng hoa để bán dịp tết được hơn tháng nay, phát triển tốt. Ông và mấy người đắp đất, chèn bao cát để ngăn lũ. Nước cứ tràn vào mấp mé đê bao nhỏ nên ông lấy xẻng xúc đất tôn cao mặt đê lên. Thấy nước cứ lên và khó giữ được nên ông quay sang bảo: “Thôi, tính chuyện thua. Nhờ mọi người nhổ hoa cho tôi với luôn”.

Gần chục người trong thôn cầm chậu nhựa, rá nhựa ào xuống ruộng nhổ hoa cho vào chậu rồi khẩn trương bê lên sân nhà cao hơn.

Ông Dũng buồn buồn bảo: “Giữ lại giống hoa, chờ mấy hôm lũ rút thì đánh lại luống và trồng lại thôi. Hoa trồng mất sức chững lại thì không thể kịp bán Tết nữa mô. Đành vậy chứ biết làm sao. Tiền đầu tư giống, phân bón cũng trên chục triệu rồi đó”.

Vùng trồng hoa bán dịp tết bị lũ nhấn chìm. Ảnh: T. Đức

Vùng trồng hoa bán dịp tết bị lũ nhấn chìm. Ảnh: T. Đức

Ông Nguyễn Văn Bảo, Trưởng thôn Mốc Thượng 1 (xã Hồng Thủy), cho biết, cả thôn có hơn 200 hộ dân có diện tích trồng rau màu, khoảng hơn 30 ha. Trong đó có trên 10 ha rau quả và hoa đã bị thiệt hại trắng, diện tích còn lại cũng bị ảnh hưởng đáng kể. Bà con đã gặp vụ rau màu thật khó khăn.

Thu hoạch rau dưới… nước lũ

Bà con ở thôn Mốc Thượng 2 cũng đang căng sức chống chọi với cơn lũ muộn này. Theo ông Phạm Văn Vương, Trưởng thôn Mốc Định 2, cả thôn có 46 ha trồng các loại thì đã có hơn 12 ha coi như xoá đi trồng lại. ‘Diện tích còn lại thì cũng bị xói lở, bị bầm dập do mưa lớn hoặc bị úng. Nếu mưa còn kéo dài thì sẽ bị thối rễ đó”- Ông Vương nói.

Bà con nhổ cây hoa trên ruộng để tránh lũ tràn bờ gây ngập úng. Ảnh: T. Đức

Bà con nhổ cây hoa trên ruộng để tránh lũ tràn bờ gây ngập úng. Ảnh: T. Đức

Trong sân nhà, bà Lê Thị Thanh (vợ ông Thích), ngồi trước mớ rau ngò mới nhổ trong lũ lên để bó từng bó nhỏ nhập cho người ta mang về phố bán. “Mỗi vụ thu hoạch từ rau ngò cũng dăm, ba triệu đó. Nhưng gặp lũ như vầy thì cũng vớt vát kẻo tiếc thôi. Đến mai mà nước không rút thì rau bị úng úa không còn thu hoạch được nữa”- Bà Thanh buồn giọng.

Cây hoa được đưa vào nhà để giữ giống khi lũ rút sẽ tái trồng lại. Ảnh: T. Đức

Cây hoa được đưa vào nhà để giữ giống khi lũ rút sẽ tái trồng lại. Ảnh: T. Đức

Tuần trước, ông Thích mua hơn 20 ký giống hành ta trồng để giáp Tết thu hoạch bán cho bà con làm hành kiệu ăn với bánh tét. Lũ tràn qua ngập hết ruộng. Tiếc của, ông lại bì bỏm lội mò lấy những củ hành giống. Làm mỏi cả lưng mà cũng chỉ được mớ chừng vài ký.

Ông Nguyễn Văn Thích lội trong nước lũ ngập để thu hoạch rau. Ảnh: T. Đức

Ông Nguyễn Văn Thích lội trong nước lũ ngập để thu hoạch rau. Ảnh: T. Đức

Con lũ muộn đã gây hại cho hơn 10 ha hoa và hàng chục ha rau, củ của bà con xã Hồng Thủy đang chăm sóc để thu hoạch phục vụ cho dịp Tết. Thiệt hại do thất thu có thể lên đến vài tỷ đồng.

Hiện, nước trên các con sông đang có chiều hướng dâng lên nên những vùng trồng rau màu, hoa của các xã ven quốc lộ 1A, thuộc huyện Lệ Thủy vẫn đang bị ảnh hưởng lớn.

Bà con vẫn tích cực bơm nước tiêu úng để giữ vườn rau màu. Ảnh: T. Đức

Bà con vẫn tích cực bơm nước tiêu úng để giữ vườn rau màu. Ảnh: T. Đức

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Minh Huấn, Chủ tịch UBND xã Hồng Thủy cho hay, chính quyền xã đã tập trung chỉ đạo, động viên nhân dân các thôn bị ảnh hưởng nặng do mưa lũ chủ động bảo vệ hoa màu, cây trồng. Những vùng ruộng có bao bờ chắc thì huy động máy bơm, tát thủ công để tháo nước ra tránh ngập úng. Bà con tích cực ngăn lũ, thu hoạch rau sớm để giảm thiểu thiệt hại.

Xem thêm
Thủ tướng: Kiểm tra, giám sát từ đầu, tránh tích tụ vi phạm

Họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng lưu ý tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ lúc bắt đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ lại thành sai phạm lớn.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khát vọng Huổi Khon

13 năm trước, bản vùng cao này là một điểm nóng về trật tự xã hội, nhưng giờ thay da đổi thịt như một lời hứa nguyện theo Đảng, theo chính quyền của bà con.